Bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống trong xã hội hiện nay

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Áo dài không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2020), sáng 21/11, tại Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức hội thảo “Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay”.

Bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống trong xã hội hiện nay - ảnh 1

Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế và nghệ nhân thảo luận về tiềm năng sử dụng áo dài truyền thống trong xã hội; ứng dụng may, mặc trong đời sống; những vấn đề cải tiến áo dài; giáo dục về áo dài, xây dựng không gian bảo tồn áo dài ở Hà Nội và các địa phương...

Áo dài là một loại trang phục được cách tân từ áo tứ thân và dành cho cả nam lẫn nữ. Những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước, áo dài được may ngũ thân, tay chẽn, cài khuy cổ đứng, đó là áo dài truyền thống. Từ những năm 1930, các nhà thiết kế thời trang, họa sĩ, nghệ nhân… có những thay đổi về thiết kế để tạo ra áo dài hiện đại.

Bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống trong xã hội hiện nay - ảnh 2

Các đại biểu mặc Áo dài chụp ảnh lưu niệm

Áo dài không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam. Dù chưa là quốc phục, nhưng áo dài phụ nữ Việt Nam có thể sánh ngang với kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc, sườn xám của Trung Quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xem xét công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu