Tổ chức công đoàn hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển

Hoa Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Việc tổ chức để ngư dân lao động, sản xuất theo mô hình nghiệp đoàn nghề cá chính là hoạt động thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nghề cá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 
(VOV5) - Công đoàn, tổ chức đại diện cho hơn 50 triệu người lao động Việt Nam, đã và đang triển khai nhiều hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu từ nghề cá. Sự hỗ trợ này đã tạo cú hích mạnh mẽ cho ngành khai thác thuỷ sản, góp phần không nhỏ vào chủ trương phát triển kinh tế biển của Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò xã hội của tổ chức Công đoàn.



Tổ chức công đoàn hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển - ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn: radiovietnam)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:





Chuyến biển thứ 3 liên tiếp mới đây của ngư dân Ngô Đức Lợi, cùng hơn chục bạn tàu BD 093- 02TS, trúng đậm từ đầu năm đến nay. Sau ba tuần đánh bắt ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa trở về, tàu 280 CV của ông Lợi vừa cập cảng Quy Nhơn với hơn 7 tấn cá ngừ đại dương và các loại hải sản khác. Uớc tính sau khi trừ phí tổn, mỗi thuyền viên thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Ông Ngô Đức Lợi, thuyền trưởng tàu BD 093- 02TS, cho rằng hiệu quả từ mô hình đánh bắt theo tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá đã thu hút ngày càng nhiều ngư dân tự nguyện tham gia. Ông Lợi cho biết: "
Năm ngoái chỉ một mình tôi thôi. Năm nay tôi nói anh em đi làm cùng, tôi kéo theo được thêm 5 đến 6 chiếc tàu nữa. Chúng tôi cùng đi khai thác chung trong một chuyến biển".


Các tổ đội, nghiệp đoàn khai thác cá xa bờ mà ngư dân Ngô Đức Lợi và các bạn thuyền tham gia, khởi nguồn từ chủ trương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động kể từ năm 2011, nhằm tạo ra mô hình gắn kết ngư dân vươn khơi, bám biển. Cho đến nay, đã có 22 nghiệp đoàn nghề cá đã được thành lập tại 8 địa phương, với 739 tàu cá và hơn 3.094 đoàn viên tham gia. Từ thành công của mô hình này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có kế hoạch phát triển nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam trở thành thành viên của nghiệp đoàn nghề cá quốc tế. Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết:
 "Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam sẽ tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá quốc tế để tranh thủ mọi sự ủng hộ của quốc tế. Ngư dân nào của chúng ta gặp nạn, chiếc tàu nào của chúng ta trong nghiệp đoàn này bị chìm, thì nghiệp đoàn quốc tế, tổ chức công đoàn quốc tế phải lên tiếng và có sự giúp đỡ nhất định. Cho nên là liên kết nhau trong nghiệp đoàn nghề cá trong nước đã đành rồi, còn liên kết trên phạm vi quốc tế nữa".


Ngoài việc vận động ngư dân tham gia các tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, theo chủ trương  của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn các cấp còn triển khai nhiều hoạt động, trong đó có việc vận động kinh phí của các đoàn viên công đoàn và các tổ chức, cá nhân khác để giúp đỡ ngư dân thông qua chương trình nhắn tin ủng hộ “ Tấm lưới nghĩa tình cho ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” . Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết: "
Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân đoàn kết ra đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống, chúng tôi đã vận động người dân trong nước giúp ngư dân, ví dụ phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình cho ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”. Những người Việt Nam, những doanh nghiệp ủng hộ quỹ này, thì thông qua đó chúng tôi mua lưới, mua máy ICOM (dụng cụ liên lạc với đất liền), mua bảo hiểm cho ngư dân để ngư dân tiếp tục bám ngư trường".


Với  việc cả hệ thống công đoàn cùng ngư dân ra khơi, đến nay Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình cho ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” đã nhận được 3,4 tỉ đồng ủng hộ và bước đầu đã hỗ trợ tài chính, vật chất giá trị hơn 2,3 tỷ đồng cho nhiều gia đình ngư dân, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Nam... gặp nạn trên biển. Cũng trong vòng 3 năm nay, Quỹ “Tấm lòng vàng” của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực vận động công nhân lao động cả nước hỗ trợ ngư dân mua thiết bị ICOM, mua lưới, mua bảo hiểm giá trị thân tàu lên tới 50 triệu đồng/tàu.... Quỹ này còn chủ trương tiếp tục hỗ trợ ngư dân hiện đại hoá tàu cá theo một dự án mới đây của Chính phủ. Ông Trần Duy Phương, Chủ tịch Quỹ “Tấm lòng vàng”, cho biết: "
Với dự án hiện đại hóa tàu cá, chúng tôi một mặt là đưa ngư dân vào nghiệp đoàn nghề cá để ủng hộ giúp đỡ nhau, một mặt là giúp ngư dân làm các thủ tục để vay tín dụng được. Bởi, để vay được tín dụng phải cần rất nhiều thủ tục về giấy tờ, chứng nhận xuất xứ tàu rồi vấn đề thế chấp, không phải ngư dân nào cũng có con tàu để thế chấp, thì chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ ngư dân tốt nhất để vay tín chấp, hiện đại hóa phương tiện ra khơi".


Việc tổ chức để ngư dân lao động, sản xuất theo mô hình nghiệp đoàn nghề cá chính là hoạt động thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nghề cá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Với hoạt động này, tổ chức Công đoàn đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình, đồng thời khẳng định vai trò  xã hội, nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu