Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi và Luật bảo hiểm tiền gửi

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, sáng 23/05, các đại biểu thảo luận về dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi. Buổi chiều, quốc hội thảo luật về dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi.

(VOV5) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, sáng 23/05, các đại biểu thảo luận về dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi. Các nội dung được thảo luận bao gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tiền lương tối thiểu, thời gian lao động, thời gian nghỉ ngơi, quyền nghỉ hưu của người lao động và thời gian nghỉ hưu, thai sản của lao động nữ. Đây là những vấn đề quan tâm của nhiều đại biểu vì có tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi và Luật bảo hiểm tiền gửi - ảnh 1

Về tiền lương và mức lương tối thiểu, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương như cơ cấu của tiền lương, căn cứ trả lương, chống phân biệt đối xử trong trả lương, hình thức trả lương. Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu theo giờ để đáp ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động. Bà Ngô Thị Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu ý kiến: “Trong thực tiễn, chúng ta quy định không được làm thêm, làm thêm tối đa không quá 200 giờ, nhưng họ làm thêm vì nhiều lý do khác nhau họ phải làm, có khi tới 300-400 giờ. Nhưng người lao động lại không được thanh toán tiền thừa giờ. Bởi vậy, chúng ta cần bổ sung, làm rõ tổ chức hoặc cá nhân sử dụng người lao động làm vượt giờ tối đa và có trách nhiệm thanh toán cho người lao động số giờ vượt quy định”.

Về độ tuổi người lao động, đa số đại biểu nhất trí theo quy định của dự thảo là tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55 và một số nhóm lao động đặc thù có thể nghỉ hưu trước 60 đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu có thể tăng nhưng không quá 5 năm áp dụng đối với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhóm lao động có tính chuyên môn, kỹ thuật, kể cả nam và nữ. Ông Lê Văn Hoàng, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, thời kỳ lực lượng lao động sẵn có dồi dào phong phú và nhiều tiềm năng. Thời kỳ này sẽ kéo dài từ 30-35 năm nữa theo ước tính của các nhà khoa học, nếu chúng ta có những giải pháp phù hợp trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm đầy đủ và biết cách sử dụng hợp lý lực lượng lao động này thì sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế xã hội trên nhiều lĩnh vực”.

Về thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất thời gian nghỉ là 6 tháng để thực hiện chủ trương nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu mà Việt Nam đang thực hiện.

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi.

Có 6 nội dung được đưa ra thảo luận, cần chỉnh sửa, trong đó nổi cộm là đối tượng bảo hiểm tiền gửi; loại tiền được bảo hiểm; phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi. Đối tượng bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi quy định chỉ có cá nhân nhưng một số ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tổ chức, các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Về loại tiền được bảo hiểm đa số các ý kiến cho rằng nên thống nhất dùng tiền Việt Nam, không nên mở rộng áp dụng cho cả ngoại tệ, kim loại quý, hoặc vàng. Vì điều này có thể làm xáo trộn thị trường tiền tệ, gây tâm lý tích trữ ngoại tệ, vàng trong người dân. Ông Phan Văn Quý, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, góp ý: “Hiện nay phí bảo hiểm tiền gửi là 0,15%. Việc áp dụng một mức phí bảo hiểm tiền gửi chung cho tất cả các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ như một sự bao cấp, không tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng. Nên tính theo phí bảo hiểm tiền gửi theo mức độ rủi ro của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Cách tính này ưu điểm là phản ánh đúng quy luật của thị trường.”

Còn ông Huỳnh Văn Tiếp, đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ, nêu ý kiến: “Tôi thống nhất với đề xuất của Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý nhà nước. Để đảm bảo tính minh bạch cần quy định hạn mức trả bảo hiểm cụ thể ngay trong Luật. Tôi thống nhất giao Chính phủ quy định và điều chỉnh hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi theo từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu