Quốc hội thảo luận dự án Luật dự trữ quốc gia và Quyết toán ngân sách nhà nước

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Dự án Luật dự trữ quốc gia là nội dung thảo luận tại hội trường của các đại biểu Quốc hội chiều 11/6.

(VOV5)- Dự án Luật dự trữ quốc gia là nội dung thảo luận tại hội trường của các đại biểu Quốc hội chiều 11/6.


Các ý kiến đều tán thành việc cần sớm ban hành Luật dự trữ quốc gia nhằm nhằm đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.


Một số ý kiến cho rằng tổng mức dự trữ quốc gia hiện nay là 0,38% GDP là còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Để tăng nguồn dự trữ quốc gia cần phải mở rộng phạm vi danh mục các mặt hàng dự trữ quốc gia và xã hội hóa vấn đề này.


Đa số các ý kiến cũng tán thành việc không nên quy định cứng tổng mức dự trữ quốc gia tăng dần hàng năm mà nên giao cho Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế để trình Quốc hội xem xét, quyết định tổng mức dự trữ quốc gia hàng năm. Điều này sẽ phù hợp với Luật ngân sách.


Nhiều ý kiến đề xuất bỏ việc sử dụng hàng hóa dự trữ quốc gia tham gia bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, vì thực trạng nguồn dự trữ quốc gia hiện nay chưa thể đáp ứng được.


Ông Lê Văn Hoàng, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, nêu ý kiến: Theo tôi cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ quy định Luật dự trữ quốc gia được sử dụng để tham gia bình ổn thị trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi nghĩ đây là mục tiêu rất khó thực hiện và có xu hướng đi ngược lại mục tiêu phát triển nền kinh tế cơ chế thị trường. Còn vấn đề bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ và một phạm vi rất là rộng lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét thu hẹp lại mục tiêu sử dụng dự trữ quốc gia trên cơ sở cân đối về mặt nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất của dự trữ quốc gia, tránh tình trạng dàn trải, không hợp lý. Nguồn lực quốc gia chỉ được sử dụng trong những trường hợp hết sức cấp bách.


Quốc hội thảo luận dự án Luật dự trữ quốc gia và Quyết toán ngân sách nhà nước - ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến tại hội trường


Sáng cùng ngày, thảo luận về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, nhiều ý kiến đề nghị tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ. Năm 2010, quyết toán số bội chi ngân sách nhà nước là hơn 109 ngàn tỷ đồng, bằng 5,5% GDP. Tuy nhiên đây vẫn ở phạm vi cho phép, vì Quốc hội cho phép mức bội chi ngân sách nhà nước năm năm 2010 là gần 120 ngàn tỷ đồng, bằng 6,2% GDP.


Ông Bùi Đức Thuận, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, cho rằng: Tôi đồng tình với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010. Tờ trình của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 đã được tổng hợp từ ngân sách 63 tỉnh, thành phố, đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và đã được tổng hợp từ ngân sách các bộ, ngành các cơ quan Trung ương. Báo cáo này đã được Bộ Tài chính thẩm định đã được kiểm toán Nhà nước kiểm toán và đã đối chiếu các số liệu với kho bạc nhà nước. Như vậy, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 đã hội đủ các điều kiện cần thiết, tuân thủ theo các quy định về trình tự, thủ tục phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước theo Luật ngân sách nhà nước.


Cũng trong sáng 11/6, Quốc hội cũng thảo luận về việc Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, trong đó có một số dự án quan trọng như Dự án xây dựng cầu Năm Căn (Cà Mau); Dự án xây dựng nhà ở sinh viên của Trường đại học Trà Vinh; Dự án bệnh viện ung thư Đà Nẵng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu