Việt Nam cùng các nước chung tay bảo vệ tầng ozone

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone.
Việt Nam cùng các nước chung tay bảo vệ tầng ozone - ảnh 1Ảnh minh họa: UN

Ngày 16/09 hằng năm là ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone. Với chủ đề "Nghị định thư Montreal: Làm mát thế giới, bảo quản thực phẩm và vaccine", ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm nay nhằm nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tầng ozone giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực làm mát, đảm bảo an ninh lương thực và bảo quản vaccine.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Cơ quan ozone khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhân dịp Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone 16/9 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác nghệ thuật trong nước và tham gia cuộc thi khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề "Bảo vệ tầng ozone để bảo vệ khí hậu trái đất" nhằm nêu bật mối liên hệ giữa việc bảo vệ tầng ozone và biến đổi khí hậu, ghi nhận những thành tựu đạt được của Nghị định thư Montreal trong nhiều năm qua; thông qua đó nâng cao nhận thức và tìm kiếm ủng hộ của cộng đồng trong việc giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone và loại trừ dần các chất HFC.

Việt Nam trở thành thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu từ năm 1992; Công ước Viên về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ năm 1994. Trong nhiều năm qua, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ozone, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone. Một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ozone tại Việt Nam là việc luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ozone nêu tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và quy định chi tiết tại các văn bản quy định thi hành Luật dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trong các văn bản này, các nguyên tắc quản lý và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát được cụ thể hóa theo hướng giảm tối đa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm triển khai Nghị định thư Montreal tại Việt Nam đồng bộ và hiệu quả. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu