Việt Nam chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trong đại dịch COVID-19

Chia sẻ
(VOV5) - Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là rường cột của nước nhà.
Việt Nam chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trong đại dịch COVID-19 - ảnh 1Những mũi tiêm vaccine kịp thời để phòng chống COVID-19 mang lại niềm hạnh phúc cho người cao tuổi - Ảnh: TTXVN

Ngày 1/10 hàng năm là ngày Quốc tế người cao tuổi. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp các đại biểu Người cao tuổi, khẳng định Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là rường cột của nước nhà.

Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19.

Tại các địa phương trên cả nước cũng thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi trước dịch bệnh Covid-19. Ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Khống chế nhất là không có tiếp xúc ra bên ngoài. Giả sử nếu như có trường hợp rủi ro nào thì chỉ nằm trong khu vực đó thôi, vài chục người đó thôi, các khu vực khác hoạt động bình thường. Nhất là người cao tuổi có bệnh nền, phải tăng cường dinh dưỡng, vận động để tạo cho họ có môi trường sống nó thoáng, sạch sẽ. Truyền thanh bằng loa, vui chơi trong cộng đồng, để tạo cho họ tinh thần phấn khỏi, thể chất của họ cao lên".

Trong thời gian qua, các bệnh viện, cơ sở y tế tăng cường hướng dẫn những người cao tuổi lên khám sàng lọc để tiêm vaccine COVID-19. Bệnh viện Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, được giao phụ trách điểm tiêm chủng người cao tuổi có bệnh nền, nên công tác khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm đặc biệt quan tâm hơn so với đối tượng khác.  Bác sỹ Trần Trung Đệ, Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh, chia sẻ: "Người già bệnh nền nhiều, chủ yếu cao huyết áp, nhiều khi  cao đến 180-200 những trường hợp đó đôi khi phải cho ngồi lại theo dõi, nếu huyết áp xuống mới tiêm được. Theo dõi sau tiêm an tâm rồi mới cho về. Ngoài điểm tiêm ở Trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, chúng tôi triển khai nhiều điểm tiêm khác nữa để tiêm cho người lớn tuổi".

Người cao tuổi Việt Nam cũng hăng hái tham gia chống dịch COVID-19. Bà Phạm Ngọc Tuyết, 61 tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, kiêm Phó Ban bảo vệ dân phố chợ Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, hàng ngày với chiếc loa phát thanh di động cùng hộp khẩu trang trên tay, bà khi thì tuyên truyền, lúc lại nhắc nhở các hộ kinh doanh và người dân thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch COVID-19 nơi công cộng. 

Bà Tuyết chia sẻ: "Khi tôi còn tiếng nói đối với xã hội, vẫn còn uy tín trong cộng đồng thì làm được việc gì cho dân tôi vẫn tham gia hết sức mình. Tôi hoàn toàn làm với cái tâm của mình, khi mà tôi tham gia việc như thế này tôi cảm thấy hết sức thanh thản mặc dù cũng có người cho tôi là hâm đấy bảo là ở nhà chơi cho nó khỏe không có tiền cứ đi làm làm gì. Nhưng tôi thì tôi nghĩ khác, tôi nghĩ là khi tôi làm được việc gì cho dân tôi cứ làm, đấy là điều mà trong trái tim an ủi tôi nhiều nhất".

Được ưu tiên chăm sóc, bảo vệ trong đại dịch Covid-19, đồng thời Người cao tuổi Việt Nam vẫn đang tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế, tập thể dục thường xuyên, thư giãn, thiền, bảo đảm ăn uống dinh dưỡng đầy đủ để sống vui, sống khỏe cùng con cháu, góp ích cho xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu