Tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 74 năm Quốc Khánh

Chia sẻ
(VOV5) - Dịp Quốc khánh năm nay, hàng ngàn người dân và du khách đã có mặt hai bên bờ sông Hương cổ vũ Giải đua ghe truyền thống Thừa Thiên Huế.

Sáng 2/9, rất nhiều người dân Thủ đô đã thức dậy từ sớm, dạo bộ trên con đường chạy quanh hồ Hoàn Kiếm để cảm nhận không khí ngày trọng đại của đất nước, ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 74 năm đã qua, Thủ đô Hà Nội đã trở thành một đô thị rộng lớn, ngày càng khang trang, hiện đại, với diện tích 3.344 km2, dân số hơn 7,7 triệu người. Thành phố cũng trở thành trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước.

Sáng nay (2/9), huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là lễ hội vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 74 năm Quốc Khánh - ảnh 1

Giải đua ghe truyền thống Thừa Thiên Huế. - Ảnh: baothuathienhue

Cũng trong sáng nay, hàng ngàn người dân và du khách đã có mặt hai bên bờ sông Hương cổ vũ Giải đua ghe truyền thống Thừa Thiên Huế. Giải năm nay quy tụ 9 đội đua, với gần 250 vận động viên nam nữ của các địa phương vùng sông nước trong tỉnh tham gia tranh tài. Giải đua ghe truyền thống trên sông Hương được duy trì và phát triển liên tục 30 năm nay. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, thành viên đội đua xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Năm nào 2/9 có tổ chức, đặc biệt năm ni trên buổi sáng thỉ từ khán giã cho tới Ban tổ chức và các vận động viên… tạo đều kiện tốt đẹp. Đua ghe ở đây theo truyền thống, năm nào ở Thừa Thiên Huế có tổ chức thể hiện lệ Quốc thái dân an, nông thì được mùa, ngư thì làm ăn được”.

Dịp Quốc khánh năm nay, các điểm vui chơi tại thành phố Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động phục vụ người dân và khách du lịch. Thống kê từ các đơn vị khai thác lữ hành, dịch vụ du lịch cho thấy, lượng khách đặt tour dịp lễ Quốc khánh năm nay tăng gấp đôi so với ngày thường. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours cho biết: “Dịp lễ 2/9 năm nay có nhiều công ty tổ chức một số chương trình dành cho cán bộ nhân viên công ty chơi tembuding vào cuối tuần tại Đà Nẵng rất đông. Thứ hai nữa là gần đây thị trường quốc tế tăng trưởng đến Đà Nẵng, đặc biệt là những quốc gia có đường ba trực tiếp đến Đà Nẵng, ví dụ như thị trường ASEAN, Nhật Bản”. 

Ngày 2/9, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ khai mạc triển lãm ảnh “Long An – 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Triển lãm trưng bày hơn 200 tác phẩm thể hiện nội dung bản Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ; cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác; công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc của toàn Đảng, toàn dân; những thành tựu nổi bật của quân và dân tỉnh Long An trong việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 74 năm Quốc Khánh - ảnh 2

Chương trình nghệ thuật 'Sáng mãi tên người Hồ Chí Minh. - Ảnh: TTXVN 

Trước đó, tối 1/9, tại Quảng trưởng 7/5 (thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên) diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sáng mãi tên người Hồ Chí Minh”. Chương trình ca ngợi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; tự hào về lịch sử và truyền thống vẻ vang của dân tộc và tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước; ca ngợi sự đổi mới của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng... Trong hai 31/8 và 1/9, mặc dù trời mưa nhưng không khi đón Tết Độc lập ở cao nguyên Mộc Châu vẫn rất rộn ràng. Đông đảo người Mông các vùng miền từ người già đến các trẻ em và các đôi trai, gái đều xúng xính trong những bộ váy áo dân tộc Mông sặc sỡ sắc màu tận hưởng niềm vui Tết Độc lập.

Trong dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón 60 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nâng tổng số khách tham quan Khu di tích từ đầu năm đến nay lên gần 500 nghìn lượt người. Tân Trào là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) làm “Thủ đô Khu giải phóng”, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu