Tọa đàm về chính sách, giải pháp khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh

Chia sẻ
(VOV5) - Bằng nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã thu gom xử lý được hàng trăm tấn chất độc, vũ khí...
Tọa đàm về chính sách, giải pháp khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh - ảnh 1 Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tham dự toạ đàm. - Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tối 25/12, Bộ Quốc phòng,  Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam tổ chức Tọa đàm, đối thoại về chính sách, giải pháp khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.

Các ý kiến tại tọa đàm nêu rõ: số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở nước ta lên tới hàng trăm nghìn tấn, đang nằm rải rác khắp đất nước. Tổng diện tích đất đai còn bị ô nhiễm bom, mìn vật nổ tính đến nay còn trên 6,1 triệu ha chiếm gần 19% diện tích đất cả nước. Chỉ trong gần 10 năm 1961-1971, Mỹ đã thực hiện phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống khoảng 26 nghìn thôn bản của Việt Nam với tổng diện tích hơn 3 triệu ha. Gần 4,8 triệu người dân Việt Nam đã bị nhiễm chất độc màu da cam.

Nhận thức sâu sắc về hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh với môi trường, sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân, mỗi năm nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh. Bằng nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã thu gom xử lý được hàng trăm tấn chất độc, vũ khí, hàng trăm nghìn mét khối đất nhiễm chất độc da cam dioxin, giải phóng làm sạch hàng trăm nghìn ha đất, góp phần tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường điều kiện an toàn cho sản xuất và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết: "Thời gian tới tập trung vào rà soát đánh giá, nghiên cứu và sửa đổi các luật người khuyết tật, pháp lệnh người có công và các chính sách, cơ chế có liên quan, theo hướng tăng mức hỗ trợ và mở rộng thêm diện hỗ trợ cho các đối tượng. Chúng tôi cũng tăng cường phối hợp với tổ chức quốc tế trong việc tổ chức tốt dự án do Koika tài trợ về hỗ trợ nạn nhân bom mìn, theo những mô hình hỗ trợ toàn diện".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu