Hội thảo kinh tế Việt Nam 2018, triển vọng 2019 và công bố ấn phẩm đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018

Chia sẻ
(VOV5) - Mặc dù tốc độ chi cân đối ngân sách trong 5 năm gần đây đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn trước, tuy nhiên quy mô chi tiêu công vẫn còn ở mức khá cao.

Hội thảo kinh tế Việt Nam 2018, triển vọng 2019 và công bố ấn phẩm đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 - ảnh 1

Ảnh minh họa - Nguồn: neu.edu.vn

Sáng 25/3, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019; đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2018 với chủ đề: “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng”.

Đồng chủ biên ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2018”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành cho biết về quy mô chi ngân sách, mặc dù tốc độ chi cân đối ngân sách trong 5 năm gần đây đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn trước, tuy nhiên quy mô chi tiêu công vẫn còn ở mức khá cao. Năm 2018, chi cân đối ngân sách theo dự toán của Quốc hội khoảng 28,2% GDP. So sánh với quốc tế cho thấy, Việt Nam đang chi tiêu ngân sách cao hơn trung bình các nước đang phát triển có cùng trình độ và lớn nhất khu vực ASEAN. Về nợ công có xu hướng tăng nhanh, giai đoạn 2012-2017 có tốc độ tăng nợ công cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2018 nợ công đạt 61% GDP, so sánh với quốc tế, tỷ lệ  này vẫn ở mức cao so với Trung Quốc và các nước ASEAN.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, cho rằng: “Nợ công hiện nay vẫn nằm trong ngưỡng của Quốc hội, tuy nhiên vấn đề  nợ công vẫn chưa tính đến một số nguồn có thể tiềm tàng trở thành nợ công. Cụ thể như khu vực doanh nghiệp nhà nước, nợ khu vực này theo tính toán là 30,6% GDP. Với thực trạng về nợ công, thâm hụt ngân sách như hiện nay thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô".

Nhiều chuyên gia tại hội thảo cho rằng để hướng tới chính sách tài khóa bền vững nhằm hỗ trợ tăng trưởng, thì về mục tiêu vĩ mô cần phải đặt ra là phải có sự thay đổi, đổi mới một cách toàn diện để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo đó, vấn đề thu ngân sách phải hướng tới tăng thu ngân sách, không phải chỉ đơn giản dựa vào tăng thuế mà phải tăng và mở rộng diện thu thuế.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Quốc dân cho biết: "Để tăng nguồn thu cho Chính phủ trong thời gian tới cần có chính sách cởi mở để kinh tế hộ gia đình đăng ký trở thành doanh nghiệp. Chúng ta có chủ trương coi kinh tế tư nhân là một trong những thành phần kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, dư địa để phát triển kinh tế của khu vực này vẫn còn lớn. Đặc biệt trong kinh tế tư nhân, khối kinh tế hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn, đóng góp 30% GDP.  Do đó, cần có chính sách cởi mở để cho hộ kinh doanh  này chính thức đăng ký kinh doanh một cách dễ ràng nhằm để tăng nguồn thu cho Chính phủ trong thời gian tới.”

Các đại biểu cũng góp ý về cân đối ngân sách phải hướng tới cân bằng ngân sách để giảm nợ công. Quản lý nợ công hướng tới công bằng, hiệu quả, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu