Giáo dục Đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế

Chia sẻ
(VOV5) - Trong hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trong, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

Giáo dục Đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế - ảnh 1

Quang cảnh buổi hội thảo - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Sáng 17/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo  chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. Tới dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định: Trong hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trong, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập tích cực.

Giáo dục Đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế - ảnh 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và các đại biểu dự hội thảo - Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, giáo dục Đại học Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, để phát triển giáo dục đại học Việt Nam bền vững, thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục đổi mới theo hướng đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Cần nhanh chóng thể chế hóa các quan điểm đổi mới đặc biệt liên quan đến tự chủ đại học. Như vậy việc hoàn thiện sửa luật giáo dục đại học cấp thiết. Nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học, hiện nay đang quy hoạch mạng lưới của các cơ sở giáo dục đại học, phải tính toán vấn đề về mạng lưới và đầu tư để nâng năng lực của hệ thống. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế tài chính giáo dục đại học để tạo ra động lực thực sự, các trường có tài chính bền vững thì các trường mới phát triển được”.

Một số đại biểu cho rằng cần nâng cao năng lực hệ thống giáo dục của Việt Nam, cần xây dựng theo hướng chuẩn hóa xác định chỉ tiêu theo hướng hội nhập, đối sánh với các quốc gia trên thế giới. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu