ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2017

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5)- Ngày 10/04, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO), trong đó đề cập tình hình phát triển kinh tế Việt Nam - châu Á năm 2017. 

(VOV5)- Ngày 10/04, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO), trong đó đề cập tình hình phát triển kinh tế Việt Nam - châu Á năm 2017.

ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 - ảnh 1

Báo cáo của ADB ghi nhận trong năm 2017, những mức kỷ lục được duy trì trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ thúc đẩy ngành chế tạo trong nước, đồng thời giúp tăng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi dòng thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục suy giảm. Báo cáo cũng nhận định ngay cả khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương không thể thực hiện được thì Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc gia nhập các Hiệp định thương mại tự do mới, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2018. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam cho biết: “Mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay được dự báo ở mức 6,5%. Mức tăng trưởng này thậm chí sẽ tăng nhẹ vào năm 2018 ở mức 6,7%. Và mức tăng trưởng vẫn tiếp tục dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhu cầu tiêu dùng và chính sách mở cửa thị trưởng, tự do hóa thương mại thông qua các Hiệp định thương mại vừa được ký kết. Đồng thời, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ quá trình phục hồi giá toàn cầu trong năm nay và sự phát huy tác dụng của giá cả điều hành từ năm 2016."

Báo cáo của ADB cũng chỉ ra rằng sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng nhẹ trong năm 2017 với viễn cảnh lương thực toàn cầu tăng, thời tiết ít biến động hơn. Các chuyên gia kinh tế của ABD cho rằng để chuyển đổi nông nghiệp, Việt Nam cần giải quyết một số thách thức cơ bản trong chính sách – bao gồm tạo điều kiện cho cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các chuỗi cung ứng nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để hỗ trợ các mặt hàng nông sản mang lại giá trị gia tăng cao hơn, áp dụng các thông lệ quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn, và tích hợp hiệu quả hơn những cân nhắc về biến đổi khí hậu vào trong các quy trình ra quyết định.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu