Những làng nghề hối hả vào Tết

Lê Hiếu-Đoàn Sĩ/VOV-Miền Trung
Chia sẻ
(VOV5) - Những ngày cuối năm, người dân các làng nghề truyền thống  bận rộn với công việc làm ra các sản phẩm phục vụ Tết .
(VOV5) - Những ngày cuối năm, người dân các làng nghề truyền thống  bận rộn với công việc làm ra các sản phẩm phục vụ Tết .

Những ngày cuối năm, người dân các làng nghề truyền thống ở tỉnh miền Trung, Thừa Thiên-Huế như làng nghề mứt phường Kim Long, thành phố Huế; làng nghề hoa giấy Thanh Tiên hay làng Sình làm tranh dân gian ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang bận rộn với công việc làm ra các sản phẩm phục vụ Tết . Đây cũng là thời điểm các nhà vườn ở tỉnh Bình Phước, miền Đông Nam Bộ tất bật với những công đoạn cuối chăm sóc hoa, cây kiểng kịp thời đưa ra thị trường để phục vụ trong dịp Tết.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Nằm ở phía hạ lưu sông Hương, làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế nổi tiếng về nghề truyền thống làm hoa giấy. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, hoa giấy Thanh Tiên đã trở thành một nét đẹp trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và các tỉnh lân cận. Hoa giấy được đặt trên bàn thờ gia tiên, tế lễ đình chùa, thờ phụng trong những ngày Tết.  Hiện, ở làng Thanh Tiên có trên 30 hộ dân làm nghề hoa giấy. Ông Nguyễn Hóa, Trưởng thôn Thanh Tiên, cho biết:  Dịp Tết, bình quân mỗi gia đình ở Thanh Tiên làm từ hai đến ba nghìn cặp hoa, mỗi cặp hoa có giá từ 7 đến 10 nghìn đồng : “Nghề hoa giấy làng Thanh Tiên có từ lâu đời rồi, cách đây 300 năm. Hằng năm, vào dịp Tết, bà con tranh thủ  ngoài ruộng vườn làm hoa giấy để thêm thu nhập trong gia đình. Ngày công thu nhập từ làm hoa giấy truyền thống không cao nhưng là để mình giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời cũng tôn vinh nét đẹp truyền thống của làng quê”.


Những làng nghề hối hả vào Tết - ảnh 1


 Gác lại công việc đồng áng, người dân làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang cũng hối hả làm tranh dân gian phục vụ Tết Nguyên đán. Gần 500 năm tồn tại, tranh dân gian làng Sình chủ yếu phục vụ tín ngưỡng thờ cúng vào ngày rằm, mồng một và Tết cổ truyền. Tranh cúng rất đa dạng, từ tranh nhân vật đến tranh đồ vật. Tranh dân gian làng Sình chủ yếu được in theo các khuôn bằng gỗ đã khắc sẵn rồi tô màu.  Nghệ nhân dân gian Kỳ Hữu Phước, người hơn 60 gắn bó với nghề tranh làng Sình, cho biết: Ngoài làm tranh phục vụ thờ cúng, gần đây người dân còn in  tranh dân gian  trang trí và làm lịch treo tường trên giấy dó để phục vụ du lịch: “Nói về tranh làng Sình chủ yếu là tranh để thờ cúng, tới thời vụ thì sản xuất tranh để người ta mua về cúng, cúng xong họ đốt. Từ xưa đến nay, tới thời vụ thì cung không đủ cầu. Năm nào cũng vậy, nhu cầu rất lớn. Không những ở đây mà từ Quảng Bình, Quảng Trị rồi tới Quảng Nam, Quảng Ngãi đều có tranh làng Sình”.


Những làng nghề hối hả vào Tết - ảnh 2
Chị Ánh Nguyệt - một trong những người làm mứt gừng nổi tiếng ở đất Kim Long. Ảnh: dulichhue.com.vn


 Làng nghề mứt gừng ở phường Kim Long, thành phố Huế cũng tất bật vào vụ. Từ lâu, mứt Kim Long nổi tiếng nhờ "bí quyết" riêng. Tất cả các khâu từ chọn gừng, thái lát, rim đường cho đến than lò đều rất quan trọng. Gừng trồng tại Huế nhỏ củ nhưng thơm nồng nên rất đắt hàng. Ông Trương Đình Thử, một trong những người có thâm niên hơn 50 năm làm nghề mứt truyền thống ở Kim Long, cho biết: Vào dịp này, các cơ sở sản xuất mứt gừng ở phường Kim Long đồng loạt đỏ lửa: “Mứt gừng Kim Long đặc biệt là mình làm gừng ở Huế rất thơm ngon, không pha lẫn mùi vị gì hết. Nhưng giờ ở các nơi khác họ làm mứt gừng quá nhiều nên ở Huế mình đây làm cầm chừng lại, năm ngoái tôi làm 3-4 tấn nhưng năm nay chắc làm ít hơn. Cái nghề này mình không bỏ được. Nhiều ít gì thì mình cũng làm cho vui rồi có thu nhập để tiêu Tết”.


Không chỉ những làng nghề ở Huế mà các nhà vườn ở tỉnh Bình Phước những ngày này cũng hối hả vào Tết. Vợ chồng anh Lưu Chí Cường ở tổ 1, khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đang tất bật với công việc cắt tỉa, tạo dáng cho hơn 250 cây quất để bán đúng dịp Tết. Theo anh Cường, thời tiết những tháng cuối năm thuận lợi, nên cây quât phát triển tốt. Hiện vườn quất nhà anh cao hơn 1 mét đang chuẩn bị cho vào chậu, trên cây đã có trái chín màu vàng kim, chen lẫn những trái xanh bóng mượt trông rất bắt mắt. Để có được cây cao to như thế này, gia đình anh phải mất công chăm sóc trong vòng gần 5 năm: “
Năm nay, cây tương đối lớn nếu giá vẫn như năm ngoái thì trúng to. Vì năm ngoái cây lớn như thế này bán được 3 triệu, còn năm nay chưa bán nên tôi cũng chưa biết. Nhìn cây đẹp lắm nhưng chưa biết thị trường như thế nào”.


Những làng nghề hối hả vào Tết - ảnh 3
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước vẽ tranh chuẩn bị Tết. Ảnh: vovgiaothong.vn


 Năm nay, gia đình ông Đỗ Văn Tuyến ở khu phố Sơn Long, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước chọn cây hướng dương để trồng phục vụ cho dịp Tết. Hiện nay, hơn 500 cây hoa hướng dương của gia đình ông Tuyến phát triển tốt và đã ra nhiều nụ, hứa hẹn sẽ mang đến cho gia đình ông một khoản thu nhập khá cao trong dịp Tết này. Ông Tuyến cho biết: “Làm cái này nếu canh đúng mùa đúng vụ phải là 3 tháng, còn gần Tết 25 ngày nữa thì mới cho nó ra nụ. Nếu mình không muốn nó ra hoa sớm thì mình phải luôn tưới nước, sáng tưới, trưa tưới, chiều tưới. Còn nếu không tưới, nó bị cằn thì sẽ mau ra hoa. Làm cây này hên xui theo thời tiết, nếu đúng như ý của nhà nông thì phấn khởi lắm. Bên cạnh mai vàng là cây chủ lực và các loại hoa được thị trường ưa chuộng trong dịp Tết như cúc, lay ơn…, năm nay, nhà vườn Bình Phước còn có thêm cây quất cảnh, hướng dương. Cùng các sản phẩm truyền thống của người dân xứ Huế, những vườn cây rực rỡ sắc màu ỏ Bình Phước đã góp “hương” cho mùa Xuân mới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu