Vở kịch Thiên mệnh: Chữ tình trong mắt người nhìn xa

Vũ Nga
Chia sẻ
(VOV5) - Vở kịch Thiên mệnh với câu chuyện gần cuối đời của Trần Thủ Độ khi ông quyết định chém đầu hai người anh của mình là An Bang và An Hạ...

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:

 Vở diễn Thiên mệnh được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng với bàn tay đạo diễn Đỗ Kỷ, sau nhiều tháng bị gián đoạn vì đại dịch, đã đoạt huy chương vàng trong Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua diễn ra tại Hải Phòng.
Vở kịch Thiên mệnh: Chữ tình trong mắt người nhìn xa - ảnh 1Câu chuyện trong vở kịch "Thiên mệnh" xoay quanh cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ phần nào giúp khán giả hiểu hơn về nhân vật lịch sử này - Ảnh: Minh Khánh/Báo Văn hóa.

Trước đó, kịch bản Thiên mệnh của tác giả Hoàng Thanh Du từng được Nhà hát cải lương Hà Nội thực hiện phiên bản cải lương vào năm 2020. Về góc độ tiếp cận đối với nguyên mẫu trong đề tài lịch sử, tác giả Hoàng Thanh Du tâm đắc: "Ở Việt Nam bây giờ viết về lịch sử hoặc là những vở diễn về lịch sử đa phần là minh họa cho những câu chuyện đã được ghi chép lại và chưa có tính sáng tạo nhiều hoặc chưa đưa ra được góc nhìn của ngày hôm nay với những việc làm của người xưa.  Khi tôi viết vở này thì cũng không muốn minh họa thêm nữa mặc dù kịch của tôi vẫn phải bám lịch sử bám vào những sự kiện của lịch sử, nhưng tôi nhìn những sự kiện ấy bằng con mắt của ngày hôm nay."

Bên cạnh việc tái hiện bức tranh về một giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc, vở diễn còn ca ngợi công đức của Thái sư Trần Thủ Độ trong công cuộc kiến thiết đất nước cũng như suy tôn, xây đắp cho cơ nghiệp của nhà Trần. Khác với những hình dung của người xem về một con người đa mưu, túc kế thao túng cả triều đình như đã được đóng đinh trong các vở diễn trước đó, kịch bản Thiên mệnh mang đến một Trần Thủ Độ đậm chất đời hơn. Ở ông không hoàn toàn là sự tính toan, mưu lược mà cũng có lúc trầm mặc suy tư, luôn thiết tha với một chữ tình.

PGS – TS Nguyễn Thị Minh Thái khen ngợi: "Nhân vật chủ yếu thiết kế nên nhà Trần là Trần Thủ Độ. Tôi cũng đã xem những vở diễn khác, cách khai thác khác. Ví dụ, Rừng trúc khác, Mỹ nhân và anh hùng khác và trong TP Hồ Chí Minh có vở là Thăng Long Thành thuở ấy cũng khác. Lần đầu tiên có một kịch bản xây dựng trên mối quan hệ ba anh em mà Trần Thủ Độ là em út, giải quyết quan hệ giữa ba anh em, rồi quan hệ với cha và cách thực hiện lý tưởng của một con người giữ vai trò nòng cột của một gia tộc mà gia tộc này tồn tại khoảng 200 năm. Nếu không có cách xử lý ở trình độ  này thì tôi tin toàn bộ triều đình của nhà Trần sẽ không thể tồn tại, vị  kiến trúc sư này đã xây dựng ngôi nhà  và cực kỳ kiên quyết."

Chữ tình của thái sư Trần Thủ Độ không thể nào là sự yếu mềm ủy mị  của kẻ thường tình mà là nỗi đớn đau tột độ của bậc ở ngôi cao vì nghĩa lớn mà gác lại tình riêng. Vì quốc gia đại sự vì sự an nguy của trăm họ mà quyết diệt mầm họa dù đó chính là hai người anh phản nghịch của mình. Giọt nước mắt đắng chát phải nuốt vào trong với biết bao day dứt nhưng mãi đến tận sau này ông mới được hậu sinh công nhận.

Vở kịch Thiên mệnh: Chữ tình trong mắt người nhìn xa - ảnh 2NSƯT Tạ Tuấn Minh khắc họa thành công hình tượng Trần Thủ Độ - Ảnh: Minh Khánh/Báo Văn hóa

NSƯT Tạ Tuấn Minh chia sẻ khi anh được hóa thân vào vai thái sư Trần Thủ Độ.: "Hạnh phúc của người diễn viên được thể hiện những vai, những hình tượng nhân vật khó, những nhân vật đa chiều, đa màu và có những cách khai thác khác nhau. Ở Thiên mệnh là câu chuyện gần cuối đời của Trần Thủ Độ khi ông quyết định chém đầu hai người anh của mình là An Quốc và An Hạ. Tất cả những việc làm của Trần Thủ Độ đều mang một ý nghĩa cao cả vì đất nước, vì dân và sẵn sàng hi sinh những lợi ích của gia đình của cá nhân mình. Tôi cho rằng đây là một góc nhìn mới."

Được giao thể hiện nhân vật bà Trần Thị Dung, nghệ sỹ Khuất Quỳnh Hoa đánh giá về tầm quan trọng của các vai diễn lịch sử: "Bởi vì kịch lịch sử các người diễn viên luôn muốn được chạm tay tới, vì nó phát huy được mọi khả năng mọi thế mạnh của người diễn viên. Vì kịch lịch sử thứ nhất là nó đưa diễn viên về đúng nguyên dạng của từng vai diễn. Thứ hai là phải làm thế nào để khi tác phẩm đến với khán giả và được tất cả khán giả chấp nhận. Đó là những khó khăn. Và càng khó khăn thì sẽ càng là động lực rất lớn đối với các nghệ sĩ."

Chữ tình lớn thứ hai của vị thái sư Trần Thủ Độ dành cho người đàn bà tri kỷ là Trần Thị Dung, người vợ duy nhất của ông nhưng cũng đã phải gánh theo biết bao lời thị phi, dè bỉu của người đời. Sống trong cái thời đại mà tình riêng luôn đặt trong sự xét soi của biết bao thứ bậc.

Cho nên sự an vui của hai người cũng có lúc đã chập chờn trong danh giới đảo điên của thiện – ác, đúng – sai, riêng – chung, tốt – xấu. Về thủ pháp thể hiện, NSUT Doãn Bằng chia sẻ thêm: "Điều đầu tiên là vở diễn mang tính chính luận. Đạo diễn đưa vào các ngôn ngữ mới như chiếu projector kết hợp vũ đạo thể hiện được tình cảm của Trần Thủ Độ với Trần Thị Dung. Cách sử dụng ngôn ngữ ấy làm mềm mại đi, tự dưng người xem thấy một Trần Thủ Độ rất đời."

Để khắc họa sự phức tạp nội tâm và các góc cạnh tình cảm của Trần Thủ Độ việc dùng hình hình ảnh những cây đàn cũng đã phát huy được nhiều ẩn ý nghệ thuật. Đây còn là một nhạc cụ mang tính biểu tượng cho sự đồng điệu, hòa hợp của tình cảm anh em ruột thịt.

Khi hai người anh chết, tình cảnh gia đình ly tan thì tiếng đàn của Trần Thủ Độ ở cuối vở cũng hóa cô đơn, vô hồn và lạc điệu. NSUT Tạ Tuấn Minh đã có những cảm nhận: "Tôi nghĩ tiếng đàn rất Việt Nam, trong tác phẩm đều sử dụng nhạc cụ Việt Nam. Và tiếng đàn đó như một cách gợi lại về tuổi thơ của cả ba anh em, để đến phút cuối cùng khi Trần Thủ Độ chơi lại bản đàn ấy nhưng không phải là tiếng đàn của sự sum vầy hạnh phúc, của sự ăm ắp tiếng cười và yêu thương nhau nữa, mà ở trong đó vẫn còn sự yêu thương nhưng sự yêu thương này như cứa vào lòng khán giả cũng như chính ông - Trần Thủ Độ, khi gẩy những khúc nhạc cảm giác như đang ứa từng giọt máu."

Đề tài lịch sử luôn mang đến cho sân khấu một không gian nghệ thuật đầy tính chiêm nghiệm. Ở đó người ta không chỉ được thấy lại những nhân vật những câu chuyện một thời còn vang bóng. Mà còn có thể nhìn vào đó để soi mình để cảm nhận những dòng chảy của văn hóa dâ tộc theo chiều dài của thời gian. Và chỉ có cách ấy thì những giá trị của quá khứ lại ghim lại được trong tâm thức của thế hệ trẻ hôm nay.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu