Văn xuôi trẻ - Có gì ngoài hiện thực?

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Các bạn trẻ bây giờ đã dám dấn thân vào những lĩnh vực vốn không có điểm tựa nào của truyền thống

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Để chuẩn bị cho hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3, Hội nhà văn Hà Nội phối hợp cùng Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội đã tổ chức một số buổi tọa đàm, góp phần nhận diện văn học trẻ về đội ngũ sáng tác, xu hướng sáng tác…

Từ đây, diện mạo văn học xuôi trẻ cũng được phác họa, với những đường nét mới, hướng đi mới, là những khởi đầu cần được động viên và khích lệ.

Văn xuôi trẻ - Có gì ngoài hiện thực? - ảnh 1Các diễn giả tại buổi tọa đàm. (từ trái qua): Đặng Thiên Sơn, Nhật Phi, tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu. - Ảnh: FB Đặng Thiên Sơn.

“Văn xuôi trẻ - Có gì ngoài hiện thực” cũng là chủ đề buổi tọa đàm gần đây của các bạn trẻ đang sống và viết tại Hà Nội.

Một câu hỏi vừa gợi mở, vừa tự tin, vừa như thách thức. Có gì ngoài hiện thực, khi chính các cây bút 9x đều thừa nhận rằng, thế hệ họ lớn lên cùng với truyện tranh và game, những trải nghiệm cuộc sống còn ít. Và đó là lý do họ đeo đuổi những đề tài bên ngoài hiện thực.

Một trong những cây bút sớm gặt hái được thành công với dòng văn học fantasy (kì ảo) là Nhật Phi. Anh  sinh năm 1991 tại Hà Nội. 5 năm trước, tác phẩm “Người ngủ thuê” của anh được giải nhất cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần thứ 5. 

Nhật Phi cho rằng, trí tưởng tượng là thế mạnh của người viết trẻ: “Các tác giả trẻ đang có xu hướng đi về phía ngoài hiện thực. Một phần là bởi vì trẻ thì sẽ thiếu vốn sống thiếu trải nghiệm. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy vẫn nói với tôi đấy là sự “thiếu chất sống”. Vì thế cho nên vừa là sự thiếu sót, mặt khác cũng là lợi thế khi điều đó được bù vào bằng trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng là một thứ gần như là được coi thuộc về tuổi trẻ. Giống như là ngọn lửa vậy. Ngọn lửa là một thứ do con người tạo ra và từ đây tạo ra nên văn minh

Không mặn mà với lối viết nệ thực, các cây bút trẻ thích thú theo đuổi các dòng văn học dã sử, trinh thám, kỳ ảo. Đây là sự lựa chọn như thể họ thuộc về. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Nếu lấy tuổi thơ như một không gian tiền đề của công việc viết lách, thì tuổi thơ của thế hệ 9x, 2k, nhất là với các bạn trẻ sống ở thành thị sẽ vắng hình ảnh cánh cò, bờ đê, con đò, lũy tre, hay trái sấu rơi trên hè phố như tuổi thơ của thế hệ đầu 8x trở về trước. Tất cả khung cảnh quen thuộc của thành thị, nông thôn Việt thường hiện hữu trong truyện ngắn, tiểu thuyết, đến thế hệ hôm nay đã mờ nhòa.

Đó là hiện thực bên ngoài, còn hiện thực tâm trạng bên trong càng khác biệt hơn. Khoa học công nghệ đã làm thay đổi mọi phương diện đời sống. Chỉ cần một cú nhấp chuột, cả thế giới ào vào những tâm hồn đang còn đầy hăm hở, nhiệt huyết.

Với góc nhìn cởi mở, tiến sỹ Trần Ngọc Hiếu – giảng viên khoa Ngữ Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội đánh giá cao sự dấn thân của các bạn trẻ khi theo đuổi những thể loại sáng tác này: “Có những thể loại mà các bạn viết trẻ theo đuổi mà tôi dám chắc ở Việt Nam ít người biết đến. Đó là thể loại dystopia. Ở nước ta có hai cách dịch là “Phản không tưởng” hoặc “phản địa đàng”.

Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng đó là những thể loại gắn liền với cảm thức phương Tây, tư duy phương Tây và với cảm quan chính trị của phương Tây. Nhưng gần đây tôi nhận thấy rằng có khá nhiều cây bút, như bạn Maik Cây chẳng hạn, giải nhì văn học tuổi 20 lần thứ 6 với tác phẩm “Wittgenstein của thiên đường đen”. Đấy chính là một tác giả đã đẩy không gian thời gian trong tác phẩm của mình lên chiều kích”tận thế”.

Với tôi đấy là những tín hiệu rất lạc quan. Các bạn trẻ bây giờ đã dám dấn thân vào những lĩnh vực vốn không có điểm tựa nào của truyền thống. “

Văn xuôi trẻ - Có gì ngoài hiện thực? - ảnh 2Các tác giả cùng trao đổi trong buổi tọa đàm về văn xuôi trẻ. - Ảnh: FB Đặng Thiên Sơn. 

Văn học kỳ ảo, viễn tưởng, trinh thám, kinh dị, hay dã sử… đều là những thể loại đã có lịch sử ra đời hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm như các bộ sử thi, thần thoại lớn của Ấn Đô, Hy Lạp, gần gũi hơn là hệ thống thần thoại sử thi của các tộc người Tây Nguyên, người Mường, người Kinh.

Tuy nhiên, do sự phát triển tột bậc của khoa học công nghệ, những yếu tố kỳ ảo, viễn tưởng, kinh dị, trinh thám… cũng thay đổi, biến hóa, phân làm nhiều dòng khác nhau. Và thêm nữa, các yếu tố này cũng không tồn tại độc lập mà “mix” (trộn) vào nhau, gia tăng thêm sức hấp dẫn, thêm gia vị cho tác phẩm, phục vụ thị hiếu người đọc người viết trẻ.

Các trò chơi điện tử, trò chơi truyền hình cũng là nguồn cảm hứng để người viết trẻ sáng tạo, như chia sẻ của tiến sỹ Trần Ngọc Hiếu: “Tại sao chúng ta mê game? Game là hình thức kể chuyện cực kỳ lôi cuốn, bởi vì nó không chỉ khiến chúng ta thưởng thức câu chuyện một cách thụ động từ tư cách khán giả như khi xem một bộ phim, mà ta còn hoàn toàn có thể nhập vai nhập thân vào trò chơi đó.

Những kiểu truyện game đó, bây giờ có hết trong văn học trẻ. Và sáng tạo này cần phải được ghi nhận. Một nền văn học mà chúng ta có quá nhiều điểm tựa vào truyền thống thì đôi khi cũng không phải là tốt. Có những thứ không thuộc về truyền thống thì mới tạo nên sức bật.”

Nhật Phi, Đức Anh, Maik Cây, Fan Cuồng… là những cái tên khá quen thuộc trong văn trẻ 9x. Họ quan niệm viết văn cũng là quá trình khám phá chính mình, và chống lại chính mình.

Sống thế nào thì viết như thế” là suy nghĩ của Nhật Phi. Bước vào thế giới ảo, không gian mạng internet cũng là nơi chốn thật thoải mái rộng rãi.

Nói riêng về văn học mạng, thì từ đây lại cho ra đời những kiểu viết mới như tiên hiệp, cung đấu, điền văn…, và bạn đọc say mê văn học mạng không hề ít, như chia sẻ của bạn Lê Ngọc – sinh viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy: “Văn học mạng hiện nay mở ra rất nhiều không gian rộng và nhiều thể loại, trong đó có một số thể loại mới như Tien hiệp, Tương lai, Cơ giáp, Cung đấu, Điền văn, Dã sử. Khi mình đọc, cũng thấy hấp dẫn. Đội ngũ tác giả rất phong phú, mỗi người viết một thể loại truyện khác nhau.

Chúng em đọc nhiều thì nhận thấy rằng văn học mạng rất đa dạng, mỗi người dám dấn thân một thể loại khác nhau, đưa ra nhiều ý tưởng, viết những câu chuyện mới chứ không đi theo motip cũ như văn học hiện thực đã xuất bản mà mọi người thường đọc.”

Văn học trẻ hôm nay dẫu còn là những phác thảo rời rạc, nhưng đã mang diện mạo mới tinh thần mới. Ý thức cá nhân mạnh mẽ đã giúp các bạn trẻ dấn thân vào những thể loại văn xuôi còn lạ ở nước ta. Quan niệm về viết và đọc, đến thế hệ họ cũng nhiều đổi khác. Tác phẩm văn học còn là một sản phẩm hàng hóa mang tính chuyên biệt, phục vụ từng đối tượng độc giả. Hành trình phía trước còn rất dài. Hãy cứ trải nghiệm và tìm kiếm chính mình trên những cung đường mới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu