Từ lịch sử tới tiểu thuyết lịch sử…

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Khi nhà văn tiếp cận lịch sử có lợi thế hơn nhà sử học, bởi ở chỗ nào nhà sử học run tay không dám hạ bút thì nhà văn dám..."

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tiểu thuyết lịch sử là địa hạt ít người dám đặt chân. Phần vì đường xa dễ nản, khi công cuộc tìm kiếm tư liệu vốn đã nhiều vất vả. Phần vì dễ gì mà phục dựng lại một nhân vật, một thời đại đã qua, nhất là khi nhân vật ấy, thời đại ấy đã ít nhiều có một hình dung “cố định” trong lòng độc giả.

Tiểu thuyết lịch sử có bao nhiêu phần trăm là tiểu thuyết, bao nhiêu phần trăm là lịch sử? Câu hỏi này không những làm đau đầu các nhà văn, mà còn khiến nhiều nhà sử học băn khoăn.

Từ lịch sử tới tiểu thuyết lịch sử… - ảnh 1Trường An là tác giả trẻ nhưng rất xông xáo với đề tài lịch sử, khi ra mắt một loạt các tiểu thuyết theo thể loại này, gồm 'Hồ Dương' (2 tập), 'Thiên hạ chi vương', 'Vũ tịch'.. - Ảnh: Hà Nội mới

Cách đây nhiều năm, các tác phẩm viết về đề tài lịch sử của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, cho tới thời điểm hiện tại, việc phê phán tiểu thuyết lịch sử vì một vài yếu tố được cho là bất kính, xúc phạm người xưa đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”.

Vậy những nhà nghiên cứu sử học, họ nghĩ gì về tiểu thuyết lịch sử? Giáo sư sử học Lê Văn Lan có quan điểm tương đối cởi mở: “Chúng tôi đã phân biệt được lịch sử là hiện thực khách quan chảy trôi, tung hoành ở khắp không gian thời gian. Còn sử học, gọi tắt của chữ “lịch sử học”, là do những người như chúng tôi làm. Thầy Dương Trung Quốc có một thời dùng từ “làm sử” bị chê trách rất nhiều. Tại sao lại “làm”, phải gọi là “chép sử”, “viết sử” chứ? Nhưng đến bây giờ, “chép” và “viết” không chỉ là phương thức duy nhất để làm sử nữa, mà chúng ta có vẽ tranh, có làm phim, có viết truyện.”

Từ lịch sử tới tiểu thuyết lịch sử… - ảnh 2 Giáo sư sử học Lê Văn Lan nói chuyện tại buổi ra mắt bộ tiểu thuyết lịch sử Tù Dụ Thái Hậu của nhà văn Trần Thùy Mai - Ảnh: P.Hà

Với quan điểm “lịch sử là cố định”, còn “làm sử” thì có nhiều cách và nhiều phiên bản, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng “viết tiểu thuyết cũng là làm sử”, là góp thêm một góc nhìn, một phiên bản về điều có thể đã diễn ra. Tương tự, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đặt ra câu hỏi gây nhiều tranh cãi là “lịch sử có một, hay có nhiều lịch sử?”. Đối với anh, “lịch sử vừa hấp dẫn, vừa đáng sợ với người Việt. Do vậy, nó dẫn đến việc vừa muốn đi vào vừa muốn né tránh. Lịch sử chỉ có một hay có nhiều lịch sử? Nếu như lịch sử có một thôi thì chỉ cần viết duy nhất một lần, còn những người sau đó hạ bút, không viết nữa. Vì thế, khi nhà văn tiếp cận lịch sử có lợi thế hơn nhà sử học, bởi ở chỗ nào nhà sử học run tay không dám hạ bút thì nhà văn dám.”

Tác giả Nguyễn Triệu Luật từng nói “Gốc tre nó xù xì như thế, hãy cứ gọi nó là gốc tre, không cần mô tả nó thành hình hóa long, hóa rồng”. Nhưng Alexandre Dumas cũng nói “Lịch sử là cái đinh để tôi treo mắc áo vào đấy”. Trong khi đó, nhà văn Trần Thùy Mai gọi cách “làm sử” của mình ở tác phẩm “Từ Dụ thái hậu” là dung hòa cả hai hướng đi: “Những chỗ lịch sử không ghi là chỗ nhà văn có thể phát huy trí tưởng tượng. Nếu lịch sử đã ghi quá chi tiết thì mình khó mà viết. May là lịch sử chỉ ghi những nét chính thôi, cho nên tâm trạng của nhân vật, mục đích của nhân vật, các chi tiết trong cuộc đời của nhân vật, mình phải phát huy trí tưởng tượng và vận dụng các truyền thuyết trong dân gian.”

Từ lịch sử tới tiểu thuyết lịch sử… - ảnh 3Tiểu thuyết lịch sử Kẻ sĩ thời loạn của Vũ Ngọc Tiến cũng vừa ra mắt. 

Lịch sử luôn có những vùng mờ, những góc khuất, những khoảng tối đòi hỏi sự tiếp cận từ nhiều khía cạnh của các nhà sử học, và “tiếp sức” cho trí tưởng tượng của nhà văn. Và ngược lại, nói như nhà văn Vũ Ngọc Tiến, văn chương chính là cách diễn giải lịch sử của người viết: “Tiểu thuyết lịch sử là lịch sử được viết lại bằng trí tưởng tượng và minh triết của nhà văn. Cho nên, các nhà viết tiểu thuyết lịch sử có quyền hư cầu, diễn giải lịch sử theo hiểu biết của mình, theo tư tưởng riêng của mình. Vấn đề là nhà văn làm sao hư cấu bịa mà như thật.”

Từ lịch sử tới tiểu thuyết lịch sử… - ảnh 4Bộ tiuêỷ thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải. 

Tuy vậy, cũng chính ở khoảng chạng vạng sáng tối ấy, sự va chạm, đụng độ giữa các nhà sử học và nhà văn về tiểu thuyết lịch sử là không thể tránh khỏi. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: ‘Tôi rất mong rằng các anh chị, nhất là nhà văn, đã tiếp cận lịch sử thì tiếp cận đến cùng. Có anh chị bảo rằng lịch sử là lơ mơ. Có cái lơ mơ thật, nhưng như thế bỏ qua những cái anh em lịch sử nỗ lực như thế nào. Tôi nghĩ nhiều anh không chịu đọc, không chịu theo dõi đời sống sử học. Chúng ta đừng đứng góc này mà chẳng nhìn góc khác.”

Khoảng cách từ lịch sử tới tiểu thuyết lịch sử là bao xa? Đó có thể chỉ là một lằn ranh ngăn cách mỏng manh, cũng có thể xa xôi vời vợi “cùng trông lại mà cùng chẳng thấy”. Và giữa muôn vàn những điều có thể đã xảy ra, độc giả hi vọng được đón đợi nhiều hơn nữa những cuộc dấn thân vào địa hạt “khó nhằn” này của người viết.  

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu