Trương Minh Thy Nguyên: Một cánh chim tìm về

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Với Trương Minh Thy Nguyên, Việt Nam còn là một nơi mà nghệ thuật hiện đại đang có nhiều cơ hội để nảy mầm, bén rễ...

Trong những năm qua, có nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ gốc Việt từ các nước quay trở về Việt Nam để làm việc, trong đó có các nghệ sĩ tạo hình. Với những hoạt động tìm hiểu lại cội nguồn nghệ thuật Việt Nam, cũng như tìm tòi phong cách sáng tác cho riêng mình, họ cũng có đóng góp cho bảng màu của nghệ thuật hội họa, điêu khắc… Việt Nam đương đại thêm phần phong phú.         

Trương Minh Thy Nguyên: Một cánh chim tìm về - ảnh 1 Họa sĩ Trương Minh Thy Nguyên sáng tác trên đường phố - Ảnh:baoquocte.vn

Trong dòng chảy của một thế hệ xê dịch, trong thế giới đang được số đông hình dung là “thế giới phẳng”, có những người ra đi tìm kiếm những chân trời mới, những sự học hỏi mới, thì cũng có những người tìm về, như một cách học lại những giá trị từ nguồn cội, hay đơn thuần là tìm kiếm những cơ hội ở một vùng đất mới. Những họa sĩ Việt kiều trẻ không nằm ngoài quy luật ấy.

Trương Minh Thy Nguyên – một họa sĩ truyện tranh, cũng là một kỹ sư tin học, sinh năm 1982 tại Bruxelles, Bỉ,  là một người như thế: "Tôi có ý trở lại Việt Nam làm vì tôi rất thích văn hóa của Việt Nam, và thấy những người trong ngành mỹ thuật rất giỏi. Tôi muốn học thêm về những cái đặc biệt của Việt Nam như sơn mài, tranh lụa… Tôi rất là giới hạn {hiểu biết ít} với văn hóa Việt Nam. Vì ở bên Bỉ ở nhà hồi nhỏ cha mẹ dạy bằng tiếng Việt, dạy bằng văn hóa Việt Nam, mà ở trường thì cũng học như người Bỉ. Thành ra trong cuộc đời tôi có pha trộn hai nền văn hóa khác nhau. Trở lại Việt Nam với tôi cũng là chuyện rất mừng, vì có thể trở lại nguồn gốc Việt Nam của mình."

Cha mẹ Trương Minh Thy Nguyên đều gốc Việt, quê cha ở TP. Hồ Chí Minh, quê mẹ ở Biên Hòa, Đồng Nai. Cha mẹ anh quen nhau tại Bỉ, và nguồn gốc xứ sở đã luôn được ông bà nuôi dưỡng trong những đứa con của mình. Từ khi anh em Thy Nguyên còn nhỏ, mỗi thứ Bảy cha mẹ anh thường dạy con cái học tiếng Việt. Thy Nguyên cho biết, vì được cha mẹ cho về quê hương nhiều lần, nên quê cha đất mẹ với anh không phải là một vùng ngoại vi xa lạ.

Lúc đầu học tại trường Institut Paul Lambin về lập trình, phân tích và trí tuệ nhân tạo, sau này Thy Nguyên chuyển sang lĩnh vực đa ngành. Anh tốt nghiệp năm 2010 ngành tạo hình, về thị giác và không gian (tranh, kể chuyện, điêu khác và in lưới) tại trường École de Recherche Graphique của Bỉ:

“Trước khi học vi tính tôi cũng rất đam mê vẽ và sơn. Cũng có vẽ nhiều ở nhà, ngòai chuyện đi học thì tự học,  mò mẫm trong những cuốn sách nghệ thuật, về sau xem trên mạng tìm nhiều bài về vẽ, sơn, màu... Bố mẹ ban đầu cũng hơi sợ việc Nguyên chọn ngành nghệ thuật, cũng lo cho con, muốn con có một công việc ổn định. Lý do mà mình chọn vi tính trước, là do mong muốn của cha mẹ.”

Trương Minh Thy Nguyên: Một cánh chim tìm về - ảnh 2 Tác phẩm tranh tường của Trương Minh Thy Nguyên tại triển lãm sắp đặt Chuyển mình hứng khởi trong không gian L'Espace, Hà Nội từ 22/9 -4/11/2017. - Ảnh: Đặng Loan/Báo QĐND

Rẽ ngang sang nghệ thuật, và sống hết mình với nó, Trương Minh Thy Nguyên cùng đồng nghiệp đã thực hiện một số dự án thú vị tại Việt Nam như “Bảng chữ cái Sài Gòn”, “Máy xay sinh tố”.

"Bảng chữ cái Sài Gòn” là một dự án sách, trong đó mỗi chữ trong bảng chữ cái của tiếng Việt sẽ được gắn với một từ có liên quan đến các hiện tượng đô thị của Sài Gòn. Khán giả sẽ được hướng dẫn tham quan triển lãm, xem các tiết mục múa, video và âm nhạc. Dự án "Máy xay sinh tố" lại là một dự án nghệ thuật về chủ đề lai trộn văn hóa và biến đổi đô thị. Triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh từng được thực hiện với sự hỗ trợ của Trường trung học Pháp Marguerite Duras.

Thy Nguyên còn cùng với người em Như Sao Truong Minh - họa sỹ thiết kế đồ họa, là sáng lập viên của nhóm Colégram: “Dự án đó là một công ty về thiết kế đồ họa cho các khách về website, về bản in. Có thể trong tương lai em ruột cũng sẽ tham gia gia những dự án của Nguyên nếu nó thích, nếu nó muốn. Rất là vui vì thấy dự án ổn. Những bạn làm chung cũng muốn tiếp tục dự án này.”

Trương Minh Thy Nguyên: Một cánh chim tìm về - ảnh 3 Nghệ sĩ Trương Minh Thy Nguyên (áo xanh, giữa) cùng các đồng nghiệp và giảng viên Đại học Mỹ thuật TP HCM tại hội thảo “sách vỡ lòng về sự giao thoa đô thị Thành phố HCM” của đoàn nghệ thuật Pháp – Bỉ t.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e - Ảnh: hcmufa.edu.vn

Nếu từng có những tác phẩm bán được ở Bỉ, thì những tác phẩm ở Việt Nam của Thy Nguyên chưa từng mang lại lợi nhuận. Trong bối cảnh khó khăn chung về tài chính để hoạt động của các nghệ sĩ trẻ đương đại Việt Nam, hoạt động nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ gốc Việt như Trương Minh Thy Nguyên, đã may mắn có sự hỗ trợ từ những tổ chức văn hóa tại Việt Nam của chính phủ những nước quê hương thứ hai của họ: “Nhiều nơi tổ chức hỗ trợ, có Bỉ, Pháp, có Viện Pháp tại Việt Nam, L'Espace… những nơi đó hỗ trợ về vé máy bay, tiền tổ chức,  Những dự án như vậy mình có tiền để làm, coi như mình được tới nơi đây, làm tại chỗ, có vé máy bay, có chỗ ở là mình đã rất mừng rồi. Mấy tác phẩm mà tôi có làm ở Việt Nam là mấy tác phẩm tranh tường. Thành ra mình không thể bán được và sau triển lãm sẽ mất đi. Cái quan trọng nhất với mình là muốn sáng tạo ra tác phẩm, và mình muốn trao đổi với mấy nghệ sĩ ở Việt Nam. Hiện nay Nguyên rất muốn đi qua đi lại giữa bên Bỉ với Việt Nam. Dự án có ở đây lâu dài hay không mình chưa biết trước. Mong muốn là mình có thể có những dự án để mình tiếp tục."

Miền đất cố hương của cha mẹ  có thể với những nghệ sĩ trẻ như Thy Nguyên cũng là một vùng đất mới cần khám phá, cần tìm tòi, cần học hỏi, hoặc sẽ là nơi họ thấy những cơ hội để thể hiện tài năng. Với Trương Minh Thy Nguyên, anh thấy ở Việt Nam còn là một nơi mà nghệ thuật hiện đại đang có nhiều cơ hội để nảy mầm, bén rễ, và anh muốn được tham gia, hòa mình cùng tiến trình phát triển đó của nghệ thuật Việt Nam.

Và anh không ngại ngần, khi được làm nghệ thuật chỉ để thỏa mãn đam mê: “Tôi thấy bên Bỉ mấy người nghệ sĩ cũng khó khăn như ở đây thôi. Người nghệ sĩ nổi tiếng mới có thể sống bình yên được. Mà tôi có cảm tưởng có nhiều nghệ sĩ bắt buộc phải có công việc riêng khác để có thể sống được. Tôi cũng mừng là có học vi tính, thì mình có thể chừa thời gian để kiếm tiền để làm nghệ thuật được."

Hiện nay Nguyên làm cho một công ty Bỉ, trong một chương trình thiết kế và phát triển website cho các bệnh viện. Hiện nay chưa đủ sức để làm ăn với nghệ thuật ở Việt Nam. Nhưng trong tương lai tôi hy vọng là mình sẽ học thêm, sẽ biết thêm để tiếp tục được những dự án ở đây. Nếu tiếp tục thì mình sẽ tổ chức nhiều triển lãm hơn. Một mong muốn của mình là đưa những giảng viên nghệ thuật từ Việt Nam đến Bỉ hoặc Pháp để trao đổi với sinh viên bên Bỉ hoặc bên Pháp.

Hiện Thy Nguyên đang nỗ lực học về sơn mài Việt Nam. Người đồng hành với Thy Nguyên trong những dự án tại Việt Nam là vợ anh - biên đạo múa người Pháp Emmanuelle Vincent một trong hai thành viên của Đoàn nghệ thuật T.r.a.n.s.i.t.s.c.a.p.e. Cả hai đã bắt đầu các chương trình hợp tác về nghệ thuật cùng nhau dưới sự hỗ trợ của Bộ trưởng Bộ Liên bang Wallonie-Brussels.

Thy Nguyên cho biết, Emmanuelle luôn muốn tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều về văn hóa Việt Nam. Ở Bỉ, cả hai cũng tham gia hoạt động tại Đoàn nghệ thuật Trường Sơn thuộc Hội người Việt Nam.

Tìm. Về. Và Chia sẻ. Họ thuộc một thế hệ nghệ sĩ mới, mà chỉ riêng việc tìm kiếm và chấp nhận dung hòa giữa những nền văn hóa, cũng đã tạo ra cho họ một bản sắc riêng biệt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu