Trò chuyện cùng nhà văn người Pháp gốc Việt Hồng Vân về những nghịch lý cá nhân dưới ngòi bút của tác giả

Thu Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Đâu là căn tính của một người luôn thường trực nỗi ám ảnh thiếu quê hương… 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Cuộc tọa đàm văn học “Mây Hồng thì thầm với gió - Trò chuyện cùng nhà văn người Pháp gốc Việt Hồng Vân về những nghịch lý cá nhân dưới ngòi bút của tác giả” do Viện Pháp tổ chức diễn ra vào 5/11.
Trò chuyện cùng nhà văn người Pháp gốc Việt Hồng Vân về những nghịch lý cá nhân dưới ngòi bút của tác giả - ảnh 1

Tác giả Hồng Vân bước chân vào công việc viết lách bằng tác phẩm có tên dịch sang tiếng Việt là Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo, lấy bối cảnh Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và bao cấp, xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp, trên đất Pháp năm 2013 trước khi được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam năm 2017.

Tác phẩm thứ hai của chị, 120 ngày Mây thì thầm với gió lấy bối cảnh chính là nước Pháp và Việt Nam trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, được viết bằng tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam năm 2021.

Trò chuyện cùng nhà văn người Pháp gốc Việt Hồng Vân về những nghịch lý cá nhân dưới ngòi bút của tác giả - ảnh 2Tác giả Nuage Rose (Hồng Vân)
Hồng Vân vốn là là Kỹ sư tin học, từng giữ vị trí Tùy viên kinh tế - thương mại Pháp tại Việt Nam, Tổng thư ký phụ trách ASEAN - Đại sứ quán Pháp tại Singapore… Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cho đến nay, chị đã sinh sống và làm việc tại Paris hơn bốn mươi năm.

Với Ba áng mây trôi dạt xứ bèo, dựa trên những sự kiện có thật và hồi ức trẻ thơ, trong cuốn tự truyện mang màu sắc của một tiểu thuyết này, tác giả người Pháp gốc Việt Nuage Rose (Hồng Vân) kể về những năm tháng rời Hà Nội theo gia đình đi sơ tán.

Tác giả làm sống lại những hương vị quê mùa, mùi hoa quả thơm, chua, ngọt như còn đọng đầu lưỡi, thu hút người đọc rong ruổi trên những chặng đường quê, hòa nhập vào những phiên chợ làng…

Giữa những u ám, đói khát và sợ hãi mà chiến tranh gieo rắc, là lấp lánh tình yêu. Chọn cách kể những câu chuyện nhỏ của những người bình thường trong lịch sử phi thường của đất nước, bằng văn phong đầy nhạc tính, khi trầm ngâm suy tư, khi hồn nhiên hóm hỉnh, Nuage Rose - hay áng Mây Hồng - không ngừng khiến bạn đọc ngạc nhiên, khóc, cười và suy ngẫm về một thế giới tưởng chừng đã mất.

Cả cuốn chuyện là những bức thư tình yêu mà cô gửi tới Ông, Bố, Mẹ, quê hương, làng quê, những người đã cưu mang, yêu thương và bảo vệ cô những năm chiến tranh. Nhờ có họ mà chiến tranh đã không cướp đi hoàn toàn mười năm hạnh phúc tuổi thơ!

Bìa sách được thực hiện từ các bức họa do chính bố tác giả phác lại theo trí nhớ: từ những cánh trí đến con người đang dần bị lãng quên. Tất cả đặt trên nền hoài cổ của bức tường vôi ve đã cũ.

Sau cuốn sách nổi bật mùa hè 2017 Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo, Hồng Vân trở lại với tác phẩm văn chương phi hư cấu mới lấy bối cảnh đại dịch COVID-19: 120 ngày Mây thì thầm với gió – Ghi chép từ cuộc chiến sống còn xua đuổi Cô Vy. Sau một độ lùi thời gian, Nuage Rose chọn kể những điều có thật – câu chuyện của những cá nhân nhỏ bé trong tương quan với các vấn đề lớn của quốc gia, châu lục, thế giới, bằng thái độ khách quan, sự nhìn nhận thấu đáo. Virus Corona – Những bài học từ nước Pháp đến nay vẫn nguyên tính thời sự, và đắt giá.

Trò chuyện cùng nhà văn người Pháp gốc Việt Hồng Vân về những nghịch lý cá nhân dưới ngòi bút của tác giả - ảnh 3Ảnh: Báo Thanh niên

Lấy bối cảnh từ tháng Hai đến tháng Năm 2020, câu chuyện được ghi chép thành các tuyến song song giữa Việt Nam và Pháp, giữa tiếng còi xe cứu thương cứu hỏa và những phản chiếu của tâm hồn, giữa những nỗi niềm dành cho nơi mình sinh ra lớn lên và nơi đã chở che mình trưởng thành... Gắn với làn sóng COVID-19 đầu tiên, cuốn sách khai thác những mâu thuẫn, nghịch lý từ nhỏ – những câu chuyện mắt thấy tai nghe trong khu cách ly tại Việt Nam với đủ sắc thái như một xã hội thu nhỏ mà chính tác giả có cơ hội trải nghiệm, đến lớn hơn như mâu thuẫn, nghịch lý trong lòng nước Pháp – nơi tác giả coi như quê hương thứ hai, giữa châu Âu và WHO, giữa các quốc gia phương Tây trong “cuộc chiến” khẩu trang và trang thiết bị y tế…

Mọi mâu thuẫn, mọi nghịch lý lớn nhỏ đưa ra ở đây thực tế đến từ mâu thuẫn trong chính con người tác giả: kẻ ra đi từ Việt Nam đầu những năm 1980 – luôn trăn trở giữa Đi và Về, về căn tính bản thân và những đứa con lai của mình. Chính trong đại dịch - và đại dịch chỉ là một cái cớ, một lớp áo bọc ngoài - chị mới có cơ hội và can đảm để đối diện với nỗi trăn trở đó, để đến khúc vĩ thanh của cuốn sách, chị đã thực sự làm lành được với quá khứ, từ đây trong tim chị luôn có “nắng ấm quê hương”.

Sách được kết cấu như một phóng sự nội tâm với những mô tả tâm lý chân thực, thuyết phục, ngày tháng - sự kiện - con số - quan sát - cảm nhận đan dệt giữa Việt Nam và Pháp, giữa quá khứ và thực tại. Mâu thuẫn được đẩy lên liên tục, nhưng như một nhạc trưởng tinh tế thông qua văn phong giàu nhạc tính, tác giả khi làm tăng khi làm dịu căng thẳng bằng những đoạn thơ thị giác xen kẽ trong mỗi chương, cho độc giả một nhịp đọc dễ chịu, và những ý tưởng bất ngờ.

Nếu như Ba áng Mây trôi dạt xứ bèo tác giả thể hiện bằng tiếng Pháp trước khi được dịch ra tiếng Việt thì 120 ngày được tác giả viết trực tiếp bằng tiếng Việt – trong một nỗ lực “bảo tồn” những từ ngữ, câu chữ đẹp đẽ của Hà Nội cho đến những năm 80 mà ngày nay đã ít nhiều mai một, bên cạnh đó là những từ lạ nhưng cũng đẹp và hàm súc không kém của chính chị sáng tạo ra và không thiếu những cái “nháy mắt” hài hước của ngôn ngữ Pháp mang lại.

Bìa sách được thiết kế dựa trên bức tranh Phố Hàng Giấy của họa sĩ lai Pháp - Việt Marcelino Trương Lực. Chọn những mảng màu đối lập, Marcelino khắc họa rõ hơn hết những nghịch lý: hình ảnh của Việt Nam - quê cha thân thuộc, thủ pháp sáng tạo lại của một người xa lạ từ bên ngoài nhìn vào; con phố bán đồ dành cho một thế giới khác nhộn nhịp giữa cuộc sống của thế gian sinh động; những hoạt động vốn dĩ bình thường trên phố, ta thản nhiên bỏ qua, giờ đây đã trở thành trạng thái bình-thường-cũ không bao giờ trở lại, nhường chỗ cho thế giới bình-thường-mới.

Tác giả Hồng Vân chia sẻ, thứ thôi thúc chị cầm bút chính là những nghịch lý khó giãi bày trong chính con người chị. Liệu sẽ viết ra hay không viết ra những nỗi đau từ chiến tranh, về sự bỏ rơi, rời bỏ - những thứ có lúc chị muốn từ chối nhớ lại. Người “không thấy bản thân nữ tính chút nào” làm sao để viết ra thứ văn chương không khô khan? Đâu là căn tính của một người luôn thường trực nỗi ám ảnh thiếu quê hương… Trong buổi giao lưu này, lần đầu tiên chị sẽ chia sẻ bằng lời những nghịch lý đã dai dẳng đeo bám bản thân và cả những nghịch lý đã được trút bỏ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu