Trịnh Lữ Ghi chép: Lắng lại tâm tư một khúc này

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tác phẩm “Ghi chép” của dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ là cuốn sách chọn lọc những ghi và chép về đời và về nghệ thuật, được tác giả lưu lại trong vài chục năm qua, vừa được ra mắt trong sự mong đợi, mến mộ của bạn đọc.  
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Quỳnh Anh:
 
Trịnh Lữ Ghi chép: Lắng lại tâm tư một khúc này - ảnh 1

Ghi chép” mở ra bằng nỗi nhớ cái Tết hơn 60 năm trước: “Ai có xa quê hương hàng chục năm trời mới hiểu được cái cảm giác được về nhà như thế này. Mà phải là sắp Tết kia. Mà phải đi cái xe đạp cũ đã mấy chục năm mới gặp lại kia…”

Phần 1 là những ký ức rất riêng tư của tác giả về bố mẹ, đặc biệt là người cha - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc khi còn học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; rồi về bạn bè, đồng nghiệp. 

Phần 2 -“Chuyện nghệ thuật, chữ nghĩa…” - là những suy nghĩ, kiến giải và bài học tâm đắc từ việc vẽ, dịch, viết của chính tác giả, nơi mà người đọc như bước chân vào thế giới của nghệ thuật hội họa, với những “Tranh vẽ của cha tôi”, “Jean Dunand - Thợ Việt và sơn mài Art Décor”, “Hiện thực và trừu tượng”, “Vẽ chân dung là gì?”…

Dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ: mỗi lần dọn dẹp nhà cửa thường thấy những cuốn sổ sách cũ, dở ra xem thì những cảm xúc kéo về. Ông vẫn thường có thói quen viết lại những câu chuyện ấn tượng, những kỷ niệm không quên. Những ghi chép của ông được bạn bè tán thưởng, đề nghị in sách. Cuốn Trịnh Lữ Ghi chép là tuyển chọn các trang viết tay ấy:

"Thực ra cuốn sách này ra đời một cách cũng rất tình cờ. Bởi vì bấy lâu nay tôi cũng quay trở lại Việt Nam và  bắt đầu sống ở đây nhiều. Mình  lục lọi và dọn dẹp những giấy tờ cũ thấy rất nhiều những cuốn sổ cuốn vở từ những thời 1968 - 69 - 70 cho đến những quãng sau này nữa. Tôi thấy đọc lại như là những mẩu chuyện thú vị mà rất xúc động, rồi cộng với những sách vở ghi chép sau này nữa , mình mới thấy chắc là có thể tập hợp lại, chọn lọc ra một cuốn sách với tinh thần rất đơn giản là, cứ như từng mẩu chuyện mình ngồi với từng người bạn, rồi kể lại cho họ nghe những trải nghiệm ấy một cách rất giản dị và thân mật. Khi trình bày với một anh bạn làm ở ban cố vấn xuất bản của Alpha Books, anh ta rất thú vị và anh ta kết nối tôi với đơn vị làm sách. Trong đơn vị có một bộ phận cũng mới ra đời đặt tên là Sống, chuyên làm về những đầu sách của các tác giả Việt Nam viết.

Nhận được bản thảo, họ muốn tôi đặt tên là "Góp nhặt dông dài", nhưng mà nghĩ một lúc tôi nói với các bạn trẻ là, thực ra tôi cũng chẳng bao giờ sống dông dài, không có cái ý mua vui hay giải trí, mà chỉ muốn chia sẻ một cách rất thân tình, mình cứ gọi cuốn sách ấy là Ghi chép có được không? Các bạn trẻ cũng đồng ý. Tôi bảo hay thêm cái tên của mình vào nữa thành Trịnh Lữ ghi chép, "ra điều" là từ xưa đến giờ mình cũng hay ra mắt sách nhưng toàn là Trịnh Lữ dịch sách thôi, bây giờ có một quyển Trịnh Lữ ghi chép cho vui." - Dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ.

Trịnh Lữ Ghi chép: Lắng lại tâm tư một khúc này - ảnh 2Họa sĩ Trịnh Lữ và các biên tập của đơn vị làm sách tại tư gia của ông - Ảnh: Fb nhân vật.

Họa sĩ Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948, tại Hà Nội. Năm 1993 ông được tờ Ithaca Journal (New York, Mỹ) trao giải "Nghệ sĩ của năm" với cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại Ithaca - khi đang theo học ở Cornell. Sau đó, Trịnh Lữ tiếp tục có các triển lãm cá nhân tại Mỹ cũng như ở Việt Nam. Trong vai trò dịch giả, Trịnh Lữ từng được giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam và của Hội Nhà văn Hà Nội với cuốn “Cuộc đời của Pi”. Ngoài nhiều dịch phẩm quan trọng về văn học và hội họa, ông còn viết sách tiếng Việt và tiếng Anh.

Trịnh Lữ Ghi chép: Lắng lại tâm tư một khúc này - ảnh 3Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ trả lời phỏng vấn báo chí trong Lễ ra mắt sách. - Ảnh: Fb nhân vật.

Trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội, chia sẻ với bạn đọc, ông nói: “"Con chữ trên giấy sống ghê lắm. Chữ trên Internet đã qua "môi giới" của kỹ thuật số với những phông chữ khác nhau. Đến giờ, con người đã làm ra những phần mềm, thiết bị công nghệ để chăm sóc nhau, giao đãi với nhau… Vì vậy, việc dùng chữ viết - sản phẩm vĩ đại của con người - là cách để ta ghi lại sự tồn tại của mình. Tôi ghi chép và chia sẻ những ghi chép này cũng là để tự nhắc mình không xa rời chất người"

Trịnh Lữ Ghi chép: Lắng lại tâm tư một khúc này - ảnh 4Tranh vẽ Sen Tây Hồ của họa sĩ Trịnh Lữ - Tác phẩm được in trong cuốn Trịnh Lữ Ghi chép - Ảnh: FB nhân vật.

“Mở đầu cuốn sách bằng câu chuyện Đạp xe đón Tết viết từ khi mới ở bên Mỹ về Việt Nam, khoảng năm 2003-2004.  Bài đấy để lên đầu sách, kết thúc là bài cũng về Tết, Tết Tân Sửu này "Tết này có chuyện vẽ sen". Vì sau mấy chục năm xa nhà, không bao giờ ở nhà vào mùa hè, thì năm 2020 vừa rồi tôi mới có dịp ở nhà trọn vẹn một mùa hè, một mùa sen Tây Hồ, vẽ được một bộ tranh sen rất thích.

Tôi lấy cả 12 cái bức tranh sen đấy bảo anh em in thêm để kết thúc cuốn sách bằng một bài chúc Tết mọi người và cũng có những bức tranh sen của mình, để cho đầy đủ tình cảm của mình đối với độc giả.

Vì thật ra trước đây năm 2015 tôi có ra một cuốn sách viết đầu tiên bằng tiếng Việt ở Việt Nam,  tên là "Đi vẽ".  Năm 2014 ở bên Mỹ tôi đi vẽ rất nhiều phong cảnh ngoài trời, mỗi lần đi về mình lại ghi chép những suy nghĩ và những tình cảm của mình trong chuyến đi vẽ đấy, mỗi một câu chuyện nhỏ lại có bức tranh mà mình nói về nó. Đấy là cuốn ghi chép đầu tiên của tôi về hội họa. Cuốn Ghi chép này có thể coi là cuốn thứ hai nhìn lại những trải nghiệm về cuộc sống của mình, gia đình, những người mình quen biết, những người đồng nghiệp cho đến những suy nghĩ và tình cảm của mình đối với công việc nghệ thuật, với việc vẽ,  ngay cả việc dịch thuật nữa.” - Dịch giả Trịnh Lữ tâm sự.

 Không chỉ bằng câu từ, với Trịnh Lữ, vẽ cũng là ghi chép, lưu giữ những giao đãi của mình với sự vật và tha nhân. “Tết này có chuyện vẽ sen”, kèm theo 12 bức tranh sen in màu, như một ghi chép bằng hội họa để khép lại cuốn sách. Đây cũng như lời “Cung chúc Tân Xuân” của tác giả tới bạn đọc, như ông chia sẻ: “Nhìn lại năm 2020 này như một bức tranh, giữa một bố cục rất nhiều tương phản sáng tối gay gắt, chắc ai cũng vẫn thấy mình có những mảng đường nét nhẹ nhàng màu sắc trong sáng đẹp đẽ đầy cảm xúc tốt lành. Với tôi, đó là cuộc gặp lại mùa sen Hồ Tây sau hơn 30 năm xa cách, mà tôi đã có duyên may ghi lại trong những bức tranh của mình”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu