Nghe âm thanh bài tại đây:
Tổ chức thường niên hai năm một lần, luân phiên ở hai đầu Nam - Bắc từ năm 2010, Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn nhằm thúc đẩy sự phát triển của điêu khắc hiện đại Việt Nam và không ngừng kết nối đưa các tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Một góc không gian triển lãm |
Mang đến nhiều ấn tượng cho công chúng, Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn 2024 hội tụ khối lượng đồ sộ gần 100 tác phẩm của các điêu khắc gia thuộc nhiều thế hệ, từ nhiều vùng miền trên cả nước, bao gồm những gương mặt quen thuộc và sự xuất hiện của những tên tuổi mới.
Điểm nhấn năm nay là cuộc đối thoại giữa cũ và mới trong nỗ lực xác định vị thế của điêu khắc hiện đại trong tiến trình chung của nền điêu khắc Việt Nam.
Khán giả đến xem triển lãm |
Nghệ sỹ điêu khắc Thái Nhật Minh, Đại diện Ban tổ chức triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn 2024 cho rằng: “Triển lãm Hà Nội Sài- Gòn có khoảng gần 100 tác phẩm, các tác phẩm khá đa dạng từ loại hình chất liệu cho đến kích thước. Năm nay là năm có chất lượng tác phẩm nổi trội và đồng đều, có những tác phẩm cao tới 3m, có tác phẩm nặng tới trên 200kg, có những sắp đặt 8m x 3m, đấy là những tác phẩm có công sức, tầm vóc vượt qua giới hạn một triển lãm nhóm thông thường. Quan điểm nghệ thuật của nghệ sỹ hai miền Bắc - Nam tương đối khác nhau. Nghệ sỹ miền Bắc các tác phẩm thâm trầm hơn, câu chuyện luôn ở đằng sau hình thể tác phẩm. Còn các miền Nam thì kể câu chuyện trực tiếp, khuếch trương, hài hước. Hai màu sắc này tương đối bổ trợ cho nhau.”
Một góc triển lãm |
Điểm nhấn của triển lãm năm nay không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở sự phong phú trong khuynh hướng sáng tạo và chất liệu sử dụng như kim loại, gỗ, đá, gốm, composite, sợi thủy tinh…
Các tác phẩm chứa đựng những suy tư và chiêm nghiệm của nghệ sĩ về đời sống: từ những vấn đề phổ quát như tự do, thời gian, chuyển động, thiên nhiên… cho tới những câu chuyện cụ thể của người đương thời, ký ức tuổi thơ, sự cô đơn, những khao khát…, qua đó phản ánh phần nào những diễn biến đa dạng, nhiều chiều của điêu khắc Việt Nam đương đại.
Một góc triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn. |
Nhà nghiên cứu - phê bình nghệ thuật Vũ Huy Thông nhận định: “Sự phát triển trong hoạt động của Nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam với vai trò là một tổ chức nghệ sĩ điêu khắc độc lập tiên phong, những người kích thích nỗ lực sáng tạo, mở rộng tiếng nói của nghệ thuật điêu khắc. Nhưng trên hết, điểm nhấn sau một thập kỷ hoạt động chính là sự ghi nhận các cá nhân - những người vượt ra tên tuổi của nhóm, định vị được tiếng nói riêng trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam”.
Ảnh hưởng từ những nền văn hóa bản địa đặc sắc, cùng chiêm nghiệm cảm xúc cá nhân, các nghệ sĩ điêu khắc hiện đại tiếp nối và mở rộng khuynh hướng sáng tạo của mình bằng tài nguyên của thời đại mới. Trong đó, các tác phẩm bao gồm những chất liệu độc đáo như vật liệu tổng hợp, kim loại, đá, sợi, keo bọt nở, các vật dụng hàng ngày… với niềm cảm hứng phong phú từ những chủ đề như tình yêu hay thiên nhiên, cho tới những nỗi niềm, suy ngẫm mang tính thời sự, cá nhân hóa.
Toạ đàm giao lưu, thảo luận giữa các nghệ sỹ điêu khắc với công chúng. |
Nghệ sỹ điêu khắc Nguyễn Thế Trường cho biết:“Quan điểm của mình về nghệ thuật nói chung và điều khắc nói riêng là mình sẽ luôn tìm cách cô đọng lại tất cả những vấn đề mà mình nhìn thấy, trải nghiệm sự vật sự việc theo góc nhìn của bản thân mình để trình diễn cho công chúng. Tác phẩm của mình thiết âm, còn bên kia là hệ thống mũi nhọn. Thời gian tạo tác phẩm Thiết âm lâu hơn, mất thời gian hơn , nó thể hiện hai trường phái đối lập, đánh dấu hai chặng đường trải nghiệm nghệ thuật của bản thân mình.”
Tác phẩm tại triển lãm Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn |
"Đây là triển lãm hội tụ rất nhiều nhà điêu khắc ở Bắc Trung Nam. Họ mang về đây rất nhiều tác phẩm, quan trọng nhất nữa là ngoài việc mọi người giao lưu với nhau và trao đổi với nhau về kiến thức hay là về phong cách. Ngày nay nghệ thuật điêu khắc khá kiệm lời, không phô trương như hội họa, văn thơ, cho nên cũng cần không gian. Đây là một triển lãm thành công, vừa có thể kết nối tác phẩm với bên ngoài, bên ngoài có thể vào trong triển lãm xem các tác phẩm điêu khắc.” Nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
Tác phẩm tại triển lãm. |
Bên cạnh phong cách nghệ thuật đa dạng, một số tác phẩm nghệ thuật còn được sắp đặt độc đáo, kích thước lớn, có tính tương tác với khán giả mang đến những ấn tượng và trải nghiệm độc đáo: Bạn Mai Anh, sinh viên trường Kinh tế Quốc dân cho biết: “Mình khá thích tác phẩm Trâu lá đa, tác phẩm làm từ đất sét, một trò chơi dân gian của trẻ con ở nông thôn thời xưa, họ buộc dây vào cái cuống lá để rút qua rút lại ngắn lại tạo hình ảnh con trâu đang gục đầu cày ruộng, nó rất sinh động và gợi nhớ tuổi thơ mình từng chơi trò này ở sân trường.”
Bạn Trần Đức Dũng, Đại học kiến trúc Hà Nội chia sẻ: “Rất ấn tượng với những tác phẩm mang kích thước lớn trong khuôn viên của buổi triển lãm, đó là bức Thần nông thấu hiểu. Ấn tượng đầu tiên là về giá trị tinh thần con người, qua những nét chạm trổ văn hóa dân gian và hai nữa nghệ sĩ đã sử dụng rất tốt về chất liệu sắt. Qua đó càng thể hiện sự phân hóa, rỉ sét của thời gian, chúng ta nhìn nó không bị quá cứng nhắc, nhưng lại đem đến sự mới lạ.”
Thừa hưởng di sản về ngôn ngữ tạo hình cũng như chất liệu của những nền văn hóa bản địa đặc sắc, các nghệ sĩ điêu khắc hiện đại tiếp nối và mở rộng khuynh hướng sáng tạo của mình bằng tài nguyên của thời đại mới. Trong đó bao gồm những chất liệu độc đáo như vật liệu tổng hợp, kim loại, đá, sợi, keo bọt nở, các vật dụng hàng ngày…; và nội dung phong phú từ những chủ đề muôn thuở như tình yêu hay thiên nhiên, cho tới những nỗi niềm, chiêm nghiệm mang tính thời sự cụ thể.
Tác phẩm tại triển lãm. |
Diễn ra từ nay đến ngày 3/9, tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), quận Thanh Xuân, Hà Nội, Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn 2024 quy tụ các nghệ sĩ, cộng đồng nghệ thuật giao lưu, thảo luận, chia sẻ về nghề nghiệp, cũng như truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp nối vươn xa hơn trong sự nghiệp cá nhân của mình, từng bước định hình tương lai của điêu khắc Việt Nam.
Bên cạnh đó, VCCA cũng kết hợp tổ chức các hoạt động giáo dục nghệ thuật như tọa đàm, workshop… để giúp công chúng dễ dàng tiếp cận hơn với tinh thần, thông điệp của triển lãm nói riêng và loại hình nghệ thuật điêu khắc nói chung.