Trao giải văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch: tiếp tục ươm những mầm xanh

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5)- "Biểu tượng của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch là đoàn tàu, có nghĩa là nó vẫn tiếp tục tiếp diễn, và sau đây ga đến tiếp theo chính là NXB Kim Đồng."

(VOV5)- "Biểu tượng của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch là đoàn tàu, có nghĩa là nó vẫn tiếp tục tiếp diễn, và sau đây ga đến tiếp theo chính là NXB Kim Đồng."

Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do NXB Kim Đồng phối hợp với Hội nhà văn Đan Mạch thực hiện đã tròn 10 năm hoạt động. 10 năm liên tục bền bỉ thực hiện các mục tiêu Dự án đã thu được nhiều thành tựu. Tiếp nối các hoạt động trong khuôn khổ Dự án ,  cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2013 – 2015 đã đi đến hồi kết bằng một Lễ trao giải trọng thị, với những gương mặt mới cho văn học thiếu nhi Việt Nam.

Trao giải văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch: tiếp tục ươm những mầm xanh - ảnh 1
Những tác phẩm đoạt giải


Tại Lễ trao giải, bà Lê Thị Dắt Giám đốc Dự án hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam – Đan mạch cho biết, từ dự án, những cuộc thi sáng tác truyện và tranh truyện cho các em đã được tổ chức thường niên. Liên tục trong 10 năm qua, Ban tổ chức Dự án đã tổ chức thành công 8 cuộc vận động sáng tác: “Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi VN – Đan Mạch là món quà tuyệt vời mà chính phủ Đan Mạch đã dành cho Việt Nam, được NXB Kim Đồng – Hội Nhà văn Đan mạch triển khai từ 2006 đến nay. Linh hồn của dự án là các cuộc vận động sáng tác, và trải qua 10 năm thì dự án đã thu nhận gần 4000 bản thảo, trong đó có 216 tranh truyện, và 104 tác phẩm đã được trao giải, NXB Kim Đồng đã in và giới thiệu trong cả nước…”

Trao giải văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch: tiếp tục ươm những mầm xanh - ảnh 2


Theo bà Lê Thị Dắt, trong khuôn khổ của Dự án, các cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện cho các em là một công việc khó khăn nhưng cũng đầy ý nghĩa. Bên cạnh phương pháp sáng tác hiện thực, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Đan Mạch, Dự án đã mở ra một phương pháp sáng tác mới cho các em: phương pháp giả tưởng với các chủ đề như: Một ngày kì lạ; Đối thoại với thiên nhiên; Bước qua hai thế giới…Dù sáng tác bằng phương pháp nào, chân thực hay giả tưởng, thì vượt lên trên tất cả là những câu chuyện nói về lòng yêu thương nhân ái với con người cũng như loài vật, được các nhà văn, họa sĩ thổi hồn vào tác phẩm, và  nâng lên cao hơn chính là tình yêu tổ quốc. Bởi vì giáo dục con trẻ, không cần những điều lớn lao mà cần bắt đầu từ những điều bình dị nhất: “Cuộc vận động lần này là một cuộc gặt hái rất thành công với hơn 700 tác phẩm, trong đó có 40 tác phẩm tranh truyện, gấp đôi năm ngoái, điều đó cho thấy sự hấp dẫn của đề tài cũng như đam mê sáng tác cùng với lòng yêu con trẻ của các nhà văn, các họa sĩ đã dành tâm huyết cho các em, tạo nên những tác phẩm mà chúng tôi nghĩ rằng sống trong lòng bạn đọc.”

Trao giải văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch: tiếp tục ươm những mầm xanh - ảnh 3


Chọn lựa chủ đề Gõ cửa trái tim, như nhà văn Trần Đức Tiến, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, trong bài tổng kết về cuộc thi cho biết, cuộc thi hướng tác giả “khi cần thiết, hãy biết gõ cửa trái tim, chạm vào miền linh thiêng sâu thẳm đó để đánh thức tình người, đánh thức những tình cảm cao đẹp”. Theo nhà văn Trần Đức Tiến: “…chủ đề này chưa bao giờ cũ, nhưng vừa dễ, vừa khó, bởi vì vì đòi hỏi sự chân thành, sự rung động sâu sắc từ trái tim của chính tác giả. Một chút dễ dãi, một chút hời hợt cũng có nguy cơ trở thành khiên cưỡng, thậm chí giả dối. Thực tế cuộc thi cho thấy, đa số cây bút muốn “gõ cửa trái tim” bạn đọc bằng những số phận bất hạnh, những cảnh đời éo le: trẻ em bị tật nguyền, bị ngược đãi, bị bỏ rơi… Điều này hoàn toàn không sai. Những đứa trẻ thiếu may mắn đó rất cần sự quan tâm chia sẻ, sự nâng niu đùm bọc của cộng đồng. Nhưng với người viết, như thế chưa đủ. Chủ đề cuộc vận động cần có sự tìm tòi thấu đáo hơn, sự sáng tạo mới mẻ hơn để có thể đi hết chiều sâu ý nghĩa của nó.”


Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương cho biết: “Thế hệ chúng tôi, bên cạnh những chuyện cổ tích của Việt Nam, những chuyện thần thoại, thì chúng tôi cũng rất say mê truyện cổ Andecxen, cũng rất khâm phục Những chú lính chì dũng cảm. Và đến bây giờ khi nói đội bóng Đan Mạch thì mọi người vẫn nói đấy là đội bóng của “những chú lính chì dũng cảm”. Nói như vậy để thấy rằng tình cảm của thiếu nhi Việt Nam các thế hệ đã được thẩm thấu qua sự truyền bá của văn học. Qua buổi lễ hôm nay 1 lần nữa chúng tôi được nhìn lại 10 năm của dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch và thấy dự án đã làm được rất nhiều việc thể hiện qua những con số cụ thể của những cuộc vận động sáng tác, những câu lạc bộ, những chuyến tàu văn học đã được hình thành.”


Dự án trong nhiều năm qua đã có rất nhiều hoạt động. Việc các nhà văn, các họa sĩ đã đi đến cùng bạn đọc là các em nhỏ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa…với mong muốn để các em được tận hưởng những cuốn sách, những món quà tinh thần làm giàu thêm cuộc sống tinh thần của các em trong thời hiện đại. Không chỉ từ các cuộc thi, mà thông qua các hình thức Câu lạc bộ đọc sách – với 16 CLB ở 16 tỉnh thành, thông qua những Chuyến tàu kể chuyện, 43 ngàn bản sách truyện đã mang tới cho thiếu nhi các vùng miền, để các em khám phá ra sự kì diệu của việc đọc sách. Cũng như các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm về sáng tác cho thiếu nhi, do các nhà văn, họa sĩ Việt Nam và Đan Mạch tham gia dự án đã nỗ lực thực hiện suốt những năm qua, thành quả đạt được, được minh chứng cụ thể qua chính tác phẩm tranh truyện đoạt giải nhất của Tạ Lan Hạnh – một nữ tác giả trẻ đã tham gia các lớp học của các nhà văn họa sĩ Đan Mạch, như cô bày tỏ trong lễ trao giải: “Tôi nghe dự án của Đan Mạch hỗ trợ sáng tác cho thiếu nhi đã được 5 năm, nhưng tôi học làm ở mảng sáng tác truyện., còn đây là lần đầu tiên tôi tham gia cuộc thi này. Thực ra là học trò của hai chuyên gia Đan Mạch đã 5 năm rồi nên tôi coi như đây là một thành quả đánh dấu tất cả những gì mình đã học được từ hai chuyên gia, Đây là một cơ hội để thực sự cảm ơn hai nhà giáo đã hướng dẫn mình trong suốt năm năm này.”


Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam, trong bài đánh giá về những tác phẩm tranh truyện trong cuộc vận động sáng tác với chủ đề “Ngày tôi gặp”dành cho lứa tuổi từ 3 đến 6, đã nhận xét về tác phẩm đoạt giải nhất của nữ họa sĩ trẻ Tạ Lan Hạnh: “Tạ Lan Hạnh sinh năm 1991 ở HN cho ta một người bạn tuyệt vời. Câu chuyện của Hạnh gắn với chủ đề cuộc thi, đem lại một cảm giác ấm áp về tình bạn dù cả hai đều không hoàn hảo. Và để có một người bạn tuyệt vời thì nào phải đâu xa, họ luôn hiện hữu ở quanh ta. Với kỹ thuật sử dụng màu nước tinh tế, kết hợp với sử dụng công nghệ thuần thục, họa sĩ là người rất điêu luyện khi sáng tạo hình ảnh mang đến cho người đọc sự thỏa mãn vô bờ về thị giác.”

Trao giải văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch: tiếp tục ươm những mầm xanh - ảnh 4
Trao giải nhất cho hai tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa và Tạ Lan Hạnh - Ảnh: BTC


Nhận xét về tác phẩm được giải nhất cuộc thi truyện chủ đề Gõ cửa trái tim của nữ tác giả trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa, nhà văn Trần Đức Tiến cho rằng: “Hoàng tử Rơm” của Nguyễn Thị Kim Hòa thật hiền hòa, dễ thương. Nhưng trước hết, truyện ngắn này là một sáng tạo đặc sắc về sự thức tỉnh tình thương yêu và sự đồng cảm. Viết về trẻ khuyết tật, nhưng tác giả không khai thác khía cạnh bất hạnh, thiệt thòi của nhân vật dễ làm mủi lòng bạn đọc. Trái lại, toàn bộ câu chuyện như chìm đắm trong một thế giới tưởng tượng mang màu sắc cổ tích. Tác giả dẫn dắt khéo léo, đưa bạn đọc từ chuyện này qua chuyện khác, từ ngỡ ngàng này qua ngỡ ngàng khác. Chi tiết chàng “hoàng tử mặt buồn” 9 tuổi không biết nói, không biết cười, quanh năm câm lặng bỗng vui sướng bật lên tiếng kêu khi chị gái và bạn gái làm lành với nhau thật bất ngờ, cảm động. “Như có phép màu, một nụ cười đang dần bung ra trên môi hoàng tử. Một nụ cười rạng rỡ, sáng bừng”… Rõ ràng tưởng tượng bay bổng, tình cảm hồn nhiên, trong sáng của những đứa trẻ – chứ không phải những giọt nước mắt – đã lay động trái tim một cách mạnh mẽ và sâu sắc. Tuyệt nhiên không thấy vẩn lên chút u ám hay bi lụy nào. Đó chính là điểm độc đáo của tác phẩm, được tất cả thành viên của hội đồng chung khảo ghi nhận.” Phát biểu trong lễ trao giải, Nguyễn Thị Kim Hòa rất vui vì đề tài thiếu nhi là con đường cô theo đuổi đã rất lâu, giải thưởng như một động lực để cô tiếp tục con đường này,  cũng giống như thông điệp cô đã gửi gắm cho các em nhỏ đó là từ bất hạnh của chính mình hãy tìm ra niềm vui, để vươn lên, lạc quan và yêu đời.

Trao giải văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch: tiếp tục ươm những mầm xanh - ảnh 5
Trao giải nhìcho hai tác giả Trương Bảo Châu và Lý Minh Phúc - Ảnh: BTC


Trong suốt 10 năm Dự án luôn nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. Đại sứ Đan Mạch Charlotte Laursen cho biết: “Tôi nghĩ đối với trẻ em, tranh, truyện và truyện tranh gần như là những tiếp xúc đầu đời của các em đối với thế giới truyện viết. Vì vậy tôi nghĩ truyện và truyện tranh hết sức quan trọng trong việc khơi dậy sự đam mê và sự tưởng tượng trong thế giới của trẻ em. Chính vì vậy Đan Mạch rất vinh dự được tham gia vào dự án cùng NXB Kim Đồng để có thể phát triển nền văn học cho trẻ em. Chúng tôi biết văn hóa hai nước rất khác nhau, nhưng chúng ta có thể tìm được nhiều cách làm việc với nhau để tạo ra những tác phẩm văn học tốt đẹp dành cho các em thiếu nhi. Tôi nghĩ rằng chúng ta đã tạo ra một nền tảng về văn học rất tốt cho thiếu nhi, và hy vọng dự án kết thúc nhưng NXB vẫn tiếp tục đưa ra được những tác phẩm hay nữa cho các em đọc trong 10 năm tới.”


Bà Lê Thị Dắt cũng cho biết, năm nay NXB Kim Đồng đã có chủ trương in lại toàn bộ những tác phẩm đã đoạt giải từ các cuộc thi của Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam Đan Mạch. 13 tác phẩm văn xuôi và tranh truyện đoạt giải được NXB Kim Đồng tuyển lựa in sách, ra mắt độc giả trong dịp này.


Đáp lại lòng mong mỏi của những tác giả và những độc giả thiếu nhi đã luôn theo dõi hành trình của Chuyến tàu văn học thiếu nhi này, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó giám đốc, TBT NXB Kim Đồng cho rằng: “Biểu tượng của dự án là đoàn tàu, có nghĩa là nó vẫn tiếp tục tiếp diễn, và sau đây ga đến tiếp theo chính là NXB Kim Đồng. NXB Kim Đồng sẽ là điểm đến tiếp theo cho tất cả các nhà văn, họa sĩ. Chúng tôi sẽ tiếp nối tất cả những gì mà dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi đã ươm mầm, đã gây dựng.. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện và phát huy những thành quả này. Xin được đồng hành và đón nhận các tác giả và các họa sĩ trong thời gian tiếp theo.”

Trao giải văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch: tiếp tục ươm những mầm xanh - ảnh 6
Các tác giả đoạt giải chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Dự án, NXB Kim Đồng và Đại sứ Đan Mạch - Ảnh: BTC

Dự án Văn học thiếu nhi Việt Nam Đan Mạch đã kết thúc sau 10 năm thực hiện, bằng những tác phẩm văn chương thiếu nhi đầy hứa hẹn. Nói như nhà văn Trần Đức Tiến trong bài tổng kết cuộc thi, thì “Văn chương xưa nay luôn luôn là câu chuyện của những cuộc đua đường dài. Ai sẽ trở thành cây bút chuyên nghiệp, gắn bó lâu bền với công việc sáng tác cho các em? Tên tuổi nào nổi bật qua một cuộc thi, rồi nhanh chóng chìm khuất vào số đông thầm lặng? Không ai dám nói trước. Nhưng có điều chắc chắn: cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch tổ chức trong những năm vừa qua, luôn là kỉ niệm đẹp trong đời mỗi người tham dự, và là sự khích lệ quý giá đối với những cây bút giàu ước mơ.”

Ở thể loại truyện ngắn, chủ đề "Gõ cửa trái tim", giải nhất thuộc về Nguyễn Kim Hòa với truyện Hoàng tử rơm, giải nhì dành cho Trương Bảo Châu với Mùa đông ở xóm chân cầu, giải ba dành cho Võ Diệu Thanh, cùng bốn giải tư thuộc về Nguyên Hương, Nguyễn Mạnh Hà, Văn Thành Lê và Du An.

Cuộc vận động sáng tác thể loại truyện tranh có chủ đề "Ngày tôi gặp", với các giải thưởng dàng cho: Tạ Lan Hạnh (giải nhất với tác phẩm Người bạn tuyệt vời), Lý Minh Phúc (giải nhì với tác phẩm Những ngón tay không vâng lời), Nguyễn Phương Thảo (giải ba với tác phẩm Quả trứng này là của ai) và Lại Hiền Lương, Linh Vương, Quang Phúc - Vũ Tường (đồng giải tư).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu