Trần Đăng Khoa: Tô Hoài, tôi rất mê ông!

Trần Đăng Khoa
Chia sẻ
(VOV5) - “Nhà văn Tô Hoài đã giã biệt chúng ta để đi vào cõi không cùng. Đó là một tổn thất không gì bù đắp được”.

(VOV5) - Tôi rất mê ông. Mê từ khi mới lẫm chẫm bước chân đến trường. Hồi đó tôi đã có thơ tặng ông, dù chưa từng được nhìn thấy ông ở trong đời thực. Đó là dịp tháng 4/1967, tình cờ tôi đọc được một truyện ngắn viết cho trẻ em của ông. Cái truyện có tên là “Ò... ó... o...”.

Truyện kể một cậu bé ở thành phố, về nghỉ hè ở nhà bà ngoại. Bà sống ở quê. Suốt ngày cậu chạy nhảy, vui chơi với bao trò chơi thú vị mà ở thành phố không có. Mới chập tối, mệt quá, cậu thiếp đi. Ngủ chưa được bao lâu, mắt vẫn cay sè, đã nghe gà gáy inh ỏi. Ngoài cửa nhờ nhờ. Cậu bé nhìn ra, thấy bà vẫn cặm cụi thái lá dâu cho tằm, dì vẫn kì cạch dệt lụa. Chưa có ai đi ngủ cả. Trời mới tối được một lúc. Thế sao gà đã gáy? À, đấy là mấy chú gà nhầm, thấy ánh điện nhà máy bên kia sông hắt sang, gà tưởng sáng nên thi nhau gáy.

Trần Đăng Khoa: Tô Hoài, tôi rất mê ông! - ảnh 1
Nhà văn Tô Hoài


Cái truyện chỉ có thế. Nhà văn Tô Hoài ca ngợi sự đổi mới của nông thôn. Đấy là một chủ đề khá phổ biến trong văn chương Việt Nam những năm sáu mươi. Hồi ấy, tôi rất thích cái truyện ngắn này. Cái truyện gợi cho tôi viết bài thơ “Ò...ó...o...” với nội dung  khác hẳn. Nhưng “Ò...ó...o...” là chữ của Tô Hoài.

Trong sách “Tập đọc lớp ba” của chúng tôi thời ấy, tả tiếng gà, người ta lại dùng chữ “cúc cù cu”. Một bài Học thuộc lòng thời ấy thế này: “Cúc cù cu! Cúc cù cu! Sáng rồi đây. Nông dân vác cuốc vác cày. Ra đồng cày cuốc cho đầy nồi cơm”... Những bài học thời ấy phải nói là rất nôm na, dễ dãi.

“Cúc cù cu” là tiếng chim bồ câu gù chứ không phải tiếng gà. Nếu lấy tiếng chim bồ câu để báo sáng thì không phổ cập. Vì chỉ những gia đình trung nông trở lên mới nuôi chim bồ câu. Còn với những người nông dân “Vác cuốc vác cày. Ra đồng cày cuốc cho đầy nồi cơm” thì chỉ tiếng gà mới gần gũi với họ. “Ò... ó... o...” quả là một đóng góp của Tô Hoài. Tôi lấy mấy chữ ấy của ông. Và để tỏ lòng biết ơn ông, sau tên bài “Ò... ó... o...” tôi đã ghi một dòng rất trang trọng : “Kính tặng chú Tô Hoài”, dù lúc ấy, tôi chưa từng gặp ông, và ông cũng chẳng biết tôi là cái thằng bé nào...

Tô Hoài là một nhà văn lớn, một “người khổng lồ” với số lượng tác phẩm thật đồ sộ. Ông viết đủ các thể loại: từ tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi, cho đến cả các bài báo ngắn, các bài điểm sách chỉ bằng một... bàn tay trẻ con.

Tô Hoài thực sự là nhà văn chuyên nghiệp. Nghĩa là ông hoàn toàn sống được bằng nghề văn. Ngồi đâu, ông cũng viết được văn, kể cả trong những lúc hội họp. Có người còn kể rằng, trong một hội nghị quốc tế sang trọng, Tô Hoài ngồi ghế chủ tịch đoàn điều hành cuộc họp. Người ta ngạc nhiên khi thấy ông cứ lật sổ viết nhoay nhoáy. Tưởng Tô Hoài ghi biên bản hội nghị. Hoá không phải. Ông đang viết tiểu thuyết. Không ít tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài đã ra đời trong những hoàn cảnh đặc biệt như thế. Ta hiểu vì sao Tô Hoài có được một lượng sách thật đồ sộ: 215 tác phẩm, nhiều hơn gấp đôi số tuổi đã sống trên trần gian của ông. Đó là một con số kỷ lục mà không phải nhà văn lớn nào trên thế giới cũng có thể đạt tới được.

Tô Hoài là nhà văn không có tuổi già. Ở ông không có dấu hiệu của tuổi già. Một trí tuệ tỉnh táo và thông minh đến mức... tinh quái. Ông cũng là trường hợp duy nhất ở Việt Nam: Là một nhà văn lớn, một học giả lớn, với kiến thức khổng lồ, mà trình độ học vấn chỉ ở bậc… Tiểu học. Nói đúng ra, như ông kể với tôi, ông mới chỉ học hết lớp ba rồi đi kiếm sống. Cuộc sống chính là trường học lớn của ông. Ông bảo: “Đã là nhà văn thì phải có nhân vật và chi tiết. Mà chi tiết với nhân vật thì chỉ có ở trong cuộc sống thôi”. Đời sống chính là trường học vĩ đại của Tô Hoài.

Trong đời, may mắn sao, tôi cũng đã có dịp sống cùng Tô Hoài trong suốt nửa tháng ở Nhà Sáng tác Đại Lải, Vĩnh Phúc. Đó là dịp Bộ Giáo dục mời Ban Giám khảo cuộc thi viết về nhà giáo và Nhà trường. Trong Ban Giám khảo, gồm toàn những nhà văn lớn, Tô Hoài cao tuổi nhất, còn tôi lại ít tuổi nhất. Bởi thế, Ban Tổ chức đã xếp tôi ở cùng phòng với ông, để giúp ông những việc lặt vặt.

Tôi cũng rất khoái vì có dịp được chiêm ngưỡng bác… Dế Cụ, cha đẻ của chàng… Dế Mèn. Tôi rất kinh ngạc khi Tô Hoài ngủ rất sớm. Chưa đến tám giờ tối, ông đã ngủ rồi. Ngủ hồn nhiên như một chú bé 14 tuổi. Không ngáy, cũng không trằn trọc như một người già. Ông ngủ thẳng một mạch cho đến ba giờ sáng thì lặng lẽ dậy, rồi đi lại êm ru như một chú mèo nhung. Ông che đèn để không ảnh hưởng đến người bên cạnh và bắt đầu đọc./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu