Tính bản địa trong kiến trúc

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Dấu ấn bản địa là một thuộc tính đã có từ lâu của kiến trúc trong suốt chiều dài lịch sử.

Trong sáng tạo văn hóa nghệ , người nghệ sỹ luôn đề cao yếu tố bản sắc dân tộc. Nghệ thuật kiến trúc cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với các kiến trúc sư hiện đang hành nghề ở địa phương, họ nhận ra rằng, đưa các yếu tố bản địa vào trong tác phẩm kiến trúc cũng chính là góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Vậy giới kiến trúc sư đang áp dụng “tính bản địa trong kiến trúc” như thế nào và gặp khó khăn ra sao? 

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:
 
Tính bản địa trong kiến trúc - ảnh 1Những công trình sử dụng tre, gỗ của Võ Trọng Nghĩa không chỉ là thành tựu trong việc nghiên cứu sử dụng tre trong xây dựng mà còn giúp hình thành một xu hướng mới trong việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường để thiết kế xây dựng tại Việt Nam.
“Tính bản địa” trong kiến trúc là một khái niệm mới biểu hiện cụ thể hóa mối quan hệ thống nhất giữa Thiên nhiên – Kiến trúc và Con người trong phạm vi một địa phương. Tính bản địa thể hiện rõ nhất trong kiến trúc dân gian truyền thống. Bởi nó mang đậm dấu ấn của “cái bản địa” như một đặc trưng không thể thiếu, cho thấy kiến trúc đó thuộc về vùng đất và của cộng đồng dân cư ở đó. Kiến trúc bản địa không tự nhiên xuất hiện và phát triển một cách ngẫu nhiên, mà gắn liền với truyền thống văn hoá của chủ thể là con người và cộng đồng.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Hồ ở TP.HCM, môi trường tự nhiên cho chúng ta nhiều khả năng để lựa chọn, và con người quyết định chọn cho mình cái phù hợp với nền tảng văn hoá của họ: "Giữ bản sắc địa phương phải dựa vào 3 yếu tố. Thứ nhất, phải bám vào lịch sử. Thứ hai, phù hợp với khí hậu. Thứ ba, địa hình. Đà Lạt là đô thị có bản sắc kiến trúc rất rõ là núi đồi, cây xanh. Sài Gòn là đô thị của sông nước. Còn Hà Nội là đô thị của đầm hồ…Đô thị mà không có bản sắc tất nhiên sẽ dẫn đến thất bại."

Cách TP.HCM không xa là Long An, nơi đây có nhiều sông ngòi kênh rạch, những hàng cây xanh ngát, các khu vườn xum xuê cây trái, không gian thoáng đãng. Vì thế cũng như nhiều kiến trúc sư khác ở vùng đất này, kiến trúc sư Lương Trung Ải luôn tâm niệm một phong cách sáng tác: "Các thiết kế gần gũi thiên nhiên, tôn trọng hiện trạng của địa phương, làm sao cho tác phẩm kiến trúc phải hài hòa…"

Điều kiện tự nhiên, khí hậu và văn hóa ứng xử của con người đã quyết định những đặc điểm của kiến trúc. Như vậy, dấu ấn bản địa là một thuộc tính đã có từ lâu của kiến trúc trong suốt chiều dài lịch sử.

Song, theo kiến trúc sư Tô Thị Toàn, kiến trúc nước ta hiện đang bị xáo trộn, sao chép và hỗn tạp. Nó thể hiện từ việc thiết kế một công trình kiến trúc đơn lẻ, cho đến một khu dân cư; quy hoạch xây dựng một đô thị, cho đến một vùng lãnh thổ: "Phát triển phải đi đôi với bảo tồn. Hà Nội cũng như các đô thị khác phải giữ gìn di sản để cho con cháu có vốn quý của dân tộc."

Đà Nẵng là thành phố căng tràn sức trẻ, có biển có sông có núi. Đó là một hệ thống cảnh quan tự nhiên hài hòa, không tách biệt mà lại đan xen hòa quyện vào nhau. Đó là tiền đề (điều kiện cần) để các nhà kiến trúc quy hoạch đô thị Đà Nẵng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi bản sắc kiến trúc Đà Nẵng. Tuy nhiên, cũng giống như các đô thị lớn khác, Đà Nẵng đang phải đối mặt với sự mất cân bằng cần thiết cho việc phát triển bền vững. Đó là sự cân bằng giữa quá khứ và hiện tại, giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn văn hóa…

Tính bản địa trong kiến trúc - ảnh 2Bảo tàng Đắc Lắc – công trình kiến trúc phản ánh rất tốt vấn đề kiến trúc bản địa, tìm tòi thể hiện bản sắc đậm nét với ngôn ngữ hiện đại - Ảnh: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Là thế hệ KTS trẻ, từng đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế, kiến trúc sư Huỳnh Công Vũ ở Đã Nẵng nhận định: "Kiến trúc hiện đại đòi hỏi các KTS đổi mới và sáng tạo liên tục. Tuy nhiên, đổi mới, nhưng vẫn giữ bản sắc, phát huy giá trị truyền thống…"

Có thể thấy, kiến trúc mộc mạc, bình dị, phản ánh đời sống xã hội, giàu tính dân gian, mang dấu ấn bản địa, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn bó chặt chẽ với cảnh quan thiên nhiên, sử dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương (gỗ, tre, đất, đá, gạch, lá cọ…) phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, đề cao giá trị cộng đồng…là điều rất cần và nên có trong phong cách kiến trúc Việt Nam. Chẳng thế mà kiến trúc sư  Nguyễn Thanh Tùng ở Hải Dương luôn quan tâm tới kiến trúc xanh: "Kiến trúc xanh là một xu thế, thân thiện với môi trường, đem lại không gian sống cho cộng đồng…"

“Tính bản địa” và “Bản sắc địa phương” trong kiến trúc là biểu hiện cụ thể hóa bản sắc văn hóa. Nó thể hiện những đặc điểm riêng để nhận diện kiến trúc ở nơi này khác với ở nơi khác. Vì vậy, rất cần những kiến trúc sư tài năng và tâm huyết như kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào luôn đề cao tính bản địa, yếu tố văn hóa, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường trong các công trình kiến trúc. Đó cũng là cách để giới kiến trúc sư góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu