Tiếng Việt trong những nỗ lực làm mới thơ

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Làm mới thơ không phải là chuyện bây giờ mới kể, song với những hướng đi của các nhà thơ trong thời gian gần đây thì có vẻ như Tiếng Việt được trân trọng đề cao hơn.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Giữa những ngày cả nước lo thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch bệnh Covid 19 bùng phát thì ba tác giả: Phạm Đức, Võ Gia Trị, Nguyễn Việt Anh lại hồ hởi đón chào tập sách in chung có nhan đề “Thi phẩm 14 chữ”, màu sắc trang nhã, tươi tắn, khổ 21x14,5 cm. Cuốn sách tích hợp ba tập thơ: “Đối thoại mới” của Võ Gia Trị, “Vời vợi theo” của Phạm Đức, “Khúc xạ” của Nguyễn Việt Anh.

Tiếng Việt trong những nỗ lực làm mới thơ - ảnh 1

Mỗi trang sách cũng được chia thành ba phần trình bày, cho thấy sự đồng hành của họ, không chỉ ở trong không gian chữ, mà còn ở không gian sống bên ngoài, với sự cộng hưởng, chia sẻ về quan niệm và sáng tạo nghệ thuật. Và điều đặc biệt nằm ở dung lượng mỗi bài thơ: chỉ 14 chữ.

Hồng nở

 trong

nắng mai

sương trong

ngẩn ngơ

yêu

Hao gầy

tan biến

Đó là bài “Tình yêu của sương” của nhà thơ Võ Gia Trị. Hay bài “Cờ” của nhà thơ Phạm Đức:

Thuở binh nhì

cờ

treo

ve áo

tim

giờ

thăm thẳm

thắm

cờ

xưa

Bài “Mặt trời” của tác giả Nguyễn Việt Anh:

Tim anh

mọc

ở phương em

nên

bầu trời ấy

không đêm bao giờ…

14 chữ là một thể thơ được tính theo đơn vị bài, bài thơ chứ không phải câu thơ – đó là lời khẳng định của nhà thơ Phạm Đức: “Đây là một bài thơ và hình thành một thể thơ mới là thơ 14 chữ. Chỉ với14 chữ thậm chí có thể kéo tới 14 dòng. Xuất phát của chúng tôi là từ những câu ca dao. Tôi nghĩ chúng ta gọi “câu ca dao” là  oan uổng mà phải là bài ca dao. Hay những câu song thất gắn liền với nhau như trở thành một câu đối, nhưng tôi coi đấy là một bài thơ. Trên cơ sở của thực tiễn đó thì tôi nghĩ rằng cần định hình thành một thể thơ, và để khẳng định cái thể thơ vốn đã có rồi chứ không phải nghĩ ra, không phải sáng tạo ra mà chỉ gọi tên nó ra thôi. Từ đó mình suy nghĩ về hướng viết những bài thơ mười bốn chữ như thế nào. Ví dụ phải có đầu đề. Rồi vần như thế nào, kết cấu của bài thơ đó ra sao để cho nó mới mẻ và vẫn thể hiện sự chặt chẽ của một bài thơ.”

Gọi tên một thể thơ mới, song nhóm tác giả cũng thừa nhận rằng, điểm xuất phát của thể thơ 14 chữ là ca dao dân ca. Theo tác giả Nguyễn Việt Anh, sáng tác của anh vốn đã chịu ảnh hưởng của ca dao, nên anh bắt nhịp vào thể thơ này rất nhanh: “Thể thơ 14 chữ rất phù hợp với tôi. Theo cảm nhận riêng của tôi thì thể thơ này rất gần với ca dao tục ngữ truyền thống của Việt Nam. Và có thể ai đó sẽ cho rằng đây là một dạng lục bát vắt dòng, nhưng thực tế, viết theo thể thơ 14 chữ này thì bản thân tác giả cũng có những dụng ý nhất định trong việc hạ dòng chia câu. Ví như thơ tôi viết: “Đời/ như khúc gỗ/ trong tay/ vui/ buồn/ hai lưỡi/ gọt ngày/ gọt đêm”, hay “Vúc lên/ một biển/ trên tay/ vẫn xô sóng biếc/vẫn bay mây/ chiều”.- Việt Anh nói.

Nếu tác giả Nguyễn Việt Anh là người cộng hưởng, thì nhà thơ Phạm Đức và nhà thơ Võ Gia Trị đã ấp ủ về thể thơ 14 chữ từ hơn chục năm trước, với ý tưởng ban đầu là thơ hai câu, sau tiến tới thơ 14 chữ, trang bị cho nó cả lý luận và thực hành. Vẻ đẹp kì diệu và biến ảo của vần và thanh điệu tiếng Việt thôi thúc họ sáng tạo. Việc khó nhất chính là ở tìm tứ, chọn chữ, gieo vần.

Nhà thơ Phạm Đức hào hứng nói: “Chỉ với mười bốn chữ - không biết nó sẽ thành bao nhiêu dòng. Và việc biến dòng đó đã là một thử thách. Nếu một chữ một dòng mà hoàn toàn hợp lý thì nó sẽ thành một ý khác. Nếu ba chữ một dòng ở trường hợp cụ thể thì nó lại hàm ý khác, có thể nặng hơn, nhẹ hơn về mặt cảm xúc. Không phải tôi cứ làm cho bài thơ dài ra 14 dòng hoặc 8 dòng. Không. Hoàn toàn do nội tâm, do nội dung của bài thơ quyết định. Đấy là cái thứ nhất. Thứ hai, là nó có vần. Ví dụ, tôi có bài “Đường làng”:

Xa rồi

đường sống trâu

vẫn thương

ngón chân bấm

tõe

mầu

nâu non.

Từ chữ “trâu” mà bắt xuống tận chữ “mầu” ở dưới này, làm các câu thơ như móc nối với nhau, mà hoàn toàn đây không phải lục bát. Thơ Việt không có vần thì tôi nghĩ là chúng ta đã hành động dại dột, bỏ mất một yếu tố đặc biệt quyến rũ của nó”

Làm nghệ thuật tức là sáng tạo ra cái mới. Trong thơ, sáng tạo cũng thể hiện ở rất nhiều phương diện, như kiếm tìm đề tài, chủ đề, hình tượng, cấu tứ…

Ở góc độ ngôn ngữ, thì xu hướng làm mới câu thơ bài thơ cũng rất đa dạng. Có người vặn vẹo làm xô lệch câu xô lệch dòng. Có bài chỉ một chữ, nhan đề thì lại là một câu. Có tập chỉ có hình, tối giản chữ. Lại có trường ca dài đến 700 trang in đặc chữ như trường ca”Phồn sinh” của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, xuất bản năm 2018, khiến một nhà phê bình phát biểu rất vui rằng “Phải có sức khỏe tốt và hơn thế mới đọc được Phồn sinh”.

Tiếng Việt trong những nỗ lực làm mới thơ - ảnh 2Nhà thơ Trần Quang Quý - Ảnh:  

Người tuyên bố “Tự do thơ”, người hào hứng với “lục bát biến thể”. Nhà thơ Trần Quang Quý vốn có sở trường tạo từ mới cho thơ gần đây cũng say mê với thơ 5 câu, và tập “Tho Namkau” của anh cũng  đã được ra đời năm 2016.

Mùa thu giặt những đám mây trắng
phơi lang thang bầu trời
vắt ngang gió một lườn sông sóng sánh

Trong rón rén bình minh chợt nhú
ban mai vừa cởi cúc mùa thu

Nhà thơ Trần Quang Quý khẳng định: “Với tập “Namkau” - đấy là tôi đẻ ra một hình thức. Thực ra là “năm câu” nhưng viết như thế để cho nó có vẻ hơi lạ, gần giống với tiếng Anh để thuận lợi cho dịch thuật.  “Namkau” là loại thơ năm câu chia làm hai khổ. Khổ thứ nhất là dẫn có 3 câu và khổ thứ  hai là kết và nghiệm. Trong tập thơ tôi cũng đã trình bày hết phần lý thuyết mà tôi đặt ra. Nếu các bạn đọc trên đó sẽ thấy được vì sao tôi lại sáng tác loại thơ năm câu và quan niệm của tôi như thế nào. Trong tập “Namkau” cũng có lời tựa của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đánh giá rất cao nỗ lực sáng tạo của tôi. Biết đâu đó,  cứ đi tiếp con đường này lại có thể tạo ra một hình thức - một hình thức thơ mới thật. Hiện nay trên mạng xã hội đã có rất nhiều người làm thơ “namkau” và có cả một trang “Những người yêu thơ Namkau trên face book”

Thơ năm câu là một dự án dài hơi của nhà thơ Trần Quang Quý và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng mạng.

Ở một hướng khác đi vào thanh điệu tiếng Việt, nhà thơ Vương Trọng tâm đắc với khái niệm “thơ đa thanh”, và sản phẩm trình làng của ông là tập “Đa thanh và phản biện”. Ông cho rằng: “Tiếng Việt là một ngôn ngữ rất đa thanh so với ngôn ngữ của nhiều nước khác, thậm chí có người nước ngoài nói rằng khi nghe người Việt nói chuyện với nhau cứ tưởng như là họ hát. Vì Tiếng Việt của chúng ta có những 6 thanh trong khi một số ngôn ngữ nước ngoài có 3 - 4 thanh thôi. Tôi nghĩ, một thanh tức là âm và  điệu rất quan trọng cho thơ. Cho nên đa thanh rất thuận lợi. Nhưng mà thực tế trong một câu thơ, ví dụ câu thơ có sáu chữ thì không mấy khi xuất hiện đủ 6 thanh.

Bây giờ vấn đề là làm thế nào để cho số thanh trong tiếng Việt được đưa vào một cách tối đa trong câu thơ, nghĩa là nếu câu thơ có 6 chữ thì cũng chứa đủ 6 thanh,  câu thơ có 7 chữ, 8 chữ thì cũng chứa đủ 6 thanh, còn một vài thanh lặp lại. Còn nếu câu thơ là 4 chữ 5 chữ thì phải chứa những thanh khác nhau. Từ ý tưởng như vậy, tôi nghĩ ra, cố gắng làm một loại thơ  - gọi là thơ đa thanh”

Làm mới thơ không phải là chuyện bây giờ mới kể, song với những hướng đi của các nhà thơ trong thời gian gần đây thì có vẻ như Tiếng Việt được trân trọng đề cao hơn, người viết không làm đau làm tối, làm mờ nó mà tôn vinh vẻ đẹp tiếng Việt ở các chiều cạnh khác nhau, về âm, về vần, về thanh điêu, nhạc điệu, độ dồn nén, hàm xúc và gợi mở. Những tâm đắc của các nhà thơ ít nhiều đều có cộng hưởng của bạn bè, người yêu thơ. Còn có trụ được với thời gian, tạo thành một trường phái hay không thì là câu chuyện khác chưa cần bàn đến ở thời điểm này.

Tôn trọng khác biệt, tôn trọng sáng tạo là một thái độ cởi mở và nhân văn, như chia sẻ của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, người cũng đang hào hứng với thơ Tân hình thức. Coi trọng vần điệu Tiếng Việt nhưng anh vẫn khao khát đi ra ngoài vần điệu, bởi như anh lý giải: “Trước đây, khi tôi làm thơ thì tôi còn nương theo những vần điệu. Nhưng khi những cảm xúc mất mát ập vào người, đòi hỏi mình phải giãi bay thế này thế kia thì vần điệu không đủ nữa và tôi chọn thể thơ tự do theo nhịp đi của mình, nhịp giãi bày của mình. Thế thì thơ tự do giải quyết được vấn đề giãi bày tâm trạng và giải tỏa được những ý tưởng trong người. Nhưng sau đó tôi bắt đầu tiếp cận được với những bài thơ tân hình thức. Thơ tân hình thức là một thể thơ giúp cho ta giải quyết được những vấn đề mà thơ tự do không giải quyết được, cũng giống như thơ tự do giải quyết những vấn đề mà thơ tân hình thức không giải quyết được. Nếu như chúng ta nắm trong tay được nhiều cách thức làm thơ thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của thơ hơn.”

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu