Tái bản những tiểu thuyết lịch sử kinh điển của văn học Việt Nam

Giáng Ngọc
Chia sẻ
(VOV5)- Đó cũng là những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử hay nhất trong văn học thiếu nhi Việt Nam của những tác giả nổi tiếng.

(VOV5)- Trước nhu cầu của độc giả hiện đại muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc và yêu cầu cấp thiết làm sao để lịch sử hấp dẫn thế hệ trẻ hôm nay, nhà xuất bản Kim Đồng đã tái bản hàng loạt cuốn tiểu thuyết lịch sử. Lần tái bản này gồm 9 cuốn tiểu thuyết lịch sử được thiếu nhi rất ưa thích: Các tác phẩm: Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần của nhà văn Tô Hoài; các tác phẩm Trên sông truyền hịch, Bên bờ Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương của nhà văn Hà Ân, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; Sao Khuê lấp lánh của nhà văn Nguyễn Đức Hiền; và cuốn Sừng rượu thề của nhà văn Nghiêm Đa Văn.

 Tái bản những tiểu thuyết lịch sử kinh điển của văn học Việt Nam - ảnh 1

Ngay từ khi thành lập cách đây vừa tròn 55 năm, Nhà xuất bản Kim Đồng đã đặt nhiệm vụ gây dựng những tác phẩm viết về đề tài lịch sử để giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam hiểu và yêu lịch sử đất nước, quê hương. Để có thể thấm nhuần các bài học lịch sử, yêu lịch sử, không gì hơn sức mạnh của các hình tượng nhân vật, và các câu chuyện kể, NXB Kim Đồng đã đặt hàng, song hành cùng các tác giả để có thể cho ra đời những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử phục vụ đông đảo bạn đọc cả nước. Đó cũng là những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử hay nhất trong văn học thiếu nhi Việt Nam của những tác giả nổi tiếng.

 
Bộ ba tác phẩm của nhà văn Tô Hoài dựng lên hình ảnh đất nước Việt Nam từ thuở còn sơ khai. Những câu chuyện với những nhân vật đã đi vào huyền sử. Đó có thể nói là những trang sử đầu tiên từ thuở khai thiên lập địa với những cư dân đầu tiên sống trên mảnh đất hình chữ S, đó là An Tiêm trong Đảo hoang, Chử Đồng Tử trong Nhà Chử và An Dương Vương Thục Phán trong Chuyện nỏ thần. Từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về các nhân vật đó, Tô Hoài đã bằng kiến văn được kinh lịch, sự hiểu biết kĩ càng về phong tục tập quán về con người Việt Nam và nhất là ông đã thể hiện một trí tưởng tượng vô cùng phong phú và sắc sảo đã làm hiện hình hóa các trang sử còn mờ ảo đó.   

 
Bộ ba tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân dựng lại cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Nguyên Mông của nhà Trần. Mỗi tác phẩm đều đi sâu khắc họa một nhân vật trung tâm, đó là Trần Quốc Tuấn: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã", đó là Trần Bình Trọng “ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”… Không chỉ tái hiện những chiến công hiển hách những nhân vật anh hùng đã đi vào sử sách, trong bộ ba tiểu thuyết của Hà Ân, xúc động và hay hơn cả đó là đã xây dựng những nhân vật vô danh, những người dân Việt Nam yêu nước nồng nàn, sẵn sàng xả thân để bảo vệ đất nước. Họ từ những thiếu niên đến cụ già, từ những người dân bình thường đến những người mang kiếp nô lệ, từ mọi miền đều chung một tình yêu và một lòng quyết tâm đánh đuổi quân giặc dù phải hi sinh của cải cho đến tính mạng. Chính họ đã làm nền vĩ đại cho bức tranh lịch sử hào hùng.

 
“Lá cờ thêu sáu chữ vàng” là tác phẩm cuối đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và cũng là một trong các tác phẩm xuất sắc nhất của ông viết cho thiếu nhi và viết về đề tài lịch sử. Nguyễn Huy Tưởng đã chọn ra từ vô vàn gương mặt anh hùng trong lịch sử chói sáng của dân tộc hình ảnh một trang thiếu niên tuấn tú, tấm gương sáng cho lớp lớp thiếu niên Việt Nam với tấm lòng yêu nước, dũng cảm, can trường, đó là Trần Quốc Toản. Một Quang Trung - người anh hùng áo vải cờ đào trong “Kể chuyện Quang Trung”. Và cũng ở tác phẩm này, với ngòi bút điêu luyện và xúc động, Nguyễn Huy Tưởng đã bất tử hóa hình ảnh “bóp nát quả cam” và lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch báo hoàng ân” còn tung bay trong mỗi tâm hồn người đọc.

 
“Sao Khuê lấp lánh” là tiểu thuyết lịch sử viết về Nguyễn Trãi, một danh nhân văn hóa của dân tộc. Số phận của ông là một trong những bi kịch cá nhân đẫm lệ, oan trái nhất trong lịch sử nước ta. Ở tác phẩm này, Nguyễn Đức Hiền đã xây dựng thành công một nhà tư tưởng Nguyễn Trãi. Thông qua tất cả các mối quan hệ cha – con, thầy- trò, vua - tôi, vợ - chồng, bạn bè… những mối quan hệ tạo nên rường cột của xã hội phong kiến, trong một bối cảnh vô cùng phức tạp loạn li và chiến tranh, Nguyễn Trãi bằng chính số phận cuộc đời mình đã thể hiện rõ tư tưởng Nhân nghĩa Việt Nam yêu nước, thương dân “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Đó là tư tưởng nhân nghĩa mới, không ràng buộc rập khuôn theo lễ giáo phong kiến, một tư tưởng nhân nghĩa rất Việt Nam.

 
Chân dung cuối cùng, một gương mặt cũng rất đặc biệt với số phận li kì bi tráng khác, đó là Lý Thường Kiệt qua ngòi bút Nghiêm Đa Văn trong “Sừng rượu thề”. Với “Sừng rượu thề” một giai đoạn hào hùng của lịch sử dựng nước và giữ nước đã được tái hiện. Tầm vóc của cả một thời đại đã được lồng trong tầm vóc của người anh hùng, người đã chấp nhận hi sinh tất thảy những gì thuộc về cá nhân để xả thân tận hiến cho đất nước, cho triều đại.


Chọn cách tiếp cận lịch sử từ những nhân vật lịch sử, từ những câu chuyện lịch sử có thật, sách về đề tài lịch sử của Nhà xuất bản Kim Đồng đã truyền được nguồn cảm hứng đến người đọc và với cả người sáng tác hôm nay.

 
9 cuốn tiểu thuyết - 9 tác phẩm độc lập với nhau trong cách tiếp cận lịch sử, kể chuyện lịch sử, xây dựng nhân vật lịch sử… Mỗi nhà văn đã thể hiện cá tính riêng, phong cách riêng. Đọc những tác phẩm đó, trào dâng cảm xúc tự hào và lòng yêu đất nước, yêu những trang sử của ông cha.

 
Trong lần xuất bản này, mỗi tác phẩm không những được minh họa mới mà còn có thêm các chia sẻ của các tác giả, các nhận định đánh giá về tác phẩm, tác giả của các nhà phê bình… điều này sẽ giúp độc giả có được những hiều biết sâu sắc hơn về tác phẩm./.

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu