Tác giả Quân khu Nam Đồng ra mắt tác phẩm thứ hai “Đi trốn“

PH
Chia sẻ
(VOV5) - Bình Ca đã dựng ra được cả một không khí riêng cho cuốn tiểu thuyết, với màu sắc lịch sử sắc nét, không gian địa lý chân thực, và một thế giới trẻ thơ sống động.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

 

Một tác phẩm vừa ra mắt nhưng đã rất được chờ đợi bởi sức hút từ tác giả của nó: cuốn Đi Trốn của tác giả Bình Ca. Không phải tự nhiên mà Bình Ca được chờ đợi như thế. Năm năm trước, cuốn Quân khu Nam Đồng xuất hiện trong làng văn như một hiện tượng thú vị. Cuốn sách bất ngờ gây sốt và đã được tái bản 15 lần trong 4 năm này là tác phẩm đầu tay của một cây bút không chuyên khi ấy với bút danh Bình Ca, "kể lại những câu chuyện Quân khu Nam Ðồng không có tên trên bản đồ quân sự nhưng trên bản đồ ký ức của một thế hệ thanh thiếu niên Hà Nội thập niên 1970 thì có thực một “quân khu” nổi tiếng và cả “tai tiếng”.

Năm năm sau, Bình Ca đã viết xong cuốn thứ hai, có tên Đi trốn, do Nhã Nam và NXB Hội nhà văn ấn hành.

Tác giả Quân khu Nam Đồng ra mắt tác phẩm thứ hai “Đi trốn“ - ảnh 1

Biên tập viên Diệu Thủy của Nhã Nam chia sẻ niềm vui khi trực tiếp được biên tập bản thảo thứ hai của Bình Ca: "Tôi rất may mắn vì được là biên tập viên của cuốn tiểu thuyết mới - Đi trốn của nhà văn Bình Ca. Nhà văn Bình Ca đã rất nổi tiếng từ sau cuốn Quân khu Nam Đồng, và khi cuốn thứ hai xuất hiện, tất nhiên nhiều biên tập viên cũng như nhiều nhà xuất bản muốn được đồng hành cùng anh ấy, nên có lẽ là đây là điều may mắn của tôi và Nhã Nam.

Ngay khi làm bản thảo tôi đã cảm thấy cuốn sách này rất hấp dẫn, ở những yếu tố sau: Thứ nhất, tác phẩm đã dựng lên không khí của cả một cuộc phiêu lưu ly kỳ của lũ trẻ con, khi lênh đênh trên một chiếc bè và luồn lách qua tất cả những hang động, giữa một bối cảnh thiên nhiên rất hoành tráng. Lũ trẻ vừa tìm cách để sinh tồn trên giữa thiên nhiên hung hiểm, đồng thời cũng được thiên nhiên tưởng thưởng rất hào phóng, thì hình ảnh chiếc bè đó giữa thiên nhiên hoành tráng là một hình ảnh đậm chất thơ mà sau khi đọc cuốn sách này sẽ lưu dấu vào tâm khảm rất nhiều người.

Nhưng yếu tố tạo chiều sâu cho tác phẩm chính là bối cảnh của cuốn tiểu thuyết, khoảng những năm 1965 -1966, khi Mỹ ném bom miền Bắc thì lũ trẻ được sơ tán từ Thủ đô về một vùng quê. Cuộc phiêu lưu diễn ra ở đó. Bối cảnh cuộc chiến tranh đó cho chúng ta hình dung được đời sống của lũ trẻ thời đó với rất nhiều thân phận đã được tái hiện trong câu chuyện này."

Tác giả Quân khu Nam Đồng ra mắt tác phẩm thứ hai “Đi trốn“ - ảnh 2Tác giả Bình Ca ký tặng sách cho bạn đọc trong buổi ra mắt tác phẩm "Đi trốn" tại Hà Nội. 

Lấy bối cảnh vào khoảng năm 1965-1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cuốn sách kể về cuộc phiêu lưu của một nhóm năm bạn nhỏ con nhà lính từ Thủ đô về nơi sơ tán gồm Tự Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc, Hoài Na. Lũ trẻ được đưa ra Hà Nội học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, đang ở tuổi mười hai, mười ba, cái tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá nhất. Lạc giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ hung hiểm, trong hành trình này, lũ trẻ dần trưởng thành lên, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn, chúng cũng phải đi tìm lối ra cho cuộc đời mình, trong một thời đoạn vô cùng nghiệt ngã của đất nước.

Biên tập viên Diệu Thủy cho rằng: "Tất cả những đứa trẻ này lớn lên trong chiến tranh. Chúng không có bóng dáng người lớn bên cạnh và mặc dù có bố mẹ đấy nhưng lớn lên thực sự rất hoang dã, coi súng đạn như đồ chơi. Điều đó Bình Ca mô tả rất thản nhiên nhưng cũng gợi lên rất nhiều sự xót xa vì nỗi buồn chiến tranh. Tôi vẫn nghĩ lũ trẻ không chỉ phải tìm ra lối thoát khỏi cuộc phiêu lưu trong hang động đó để tồn tại, mà sau này cũng phải tìm ra lối thoát trong cuộc đời của chúng, bởi vì có những đứa trẻ sẽ bước ra cuộc sống hòa bình với một mắt bị mù, có đứa sẽ lớn lên trong sự cô độc. Tuy nhiên, điều cuối cùng trong cuốn tiểu thuyết này mà tôi cảm thấy để lại rất nhiều hy vọng, đấy là sức sống của lũ trẻ, sự hồn nhiên trong sáng của chúng toát lên trong cuốn tiểu thuyết, giống như một ẩn dụ về niềm tin, về hy vọng trong cuộc sống."

"Đây là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi có nhân vật là con em của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneve 1954. Chúng được nuôi dạy tập trung trong các trại nhi đồng như Trại Nhi đồng Khe Khao, Trại Nhi đồng miền Nam và Trường học sinh miền Nam. Dù là con em cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao, đa phần lũ trẻ vẫn lớn lên hoang dã, thiếu vắng hơi ấm gia đình."

Tác giả Quân khu Nam Đồng ra mắt tác phẩm thứ hai “Đi trốn“ - ảnh 3Nhà báo Phạm Gia Hiền (bên trái) dẫn chương trình giao lưu. 

Trên cái nền ấy, câu chuyện diễn ra là một tiểu thuyết phiêu lưu thực sự, với nhiều hành động, nhiều lớp lang, nhiều nút thắt mở và tràn ngập hình ảnh. Nói như nhà bào Phạm Gia Hiền, người dẫn chương trình ra mắt sách của Bình Ca thì: "Đó thực sự là một cuốn sách không dứt ra được sau khi đã cầm lên. Bởi vì đó là những cuộc phiêu lưu càng ngày càng hấp dẫn hơn và đan cài trong đó rất nhiều các chi tiết có giá trị lịch sử, mà ai đã biết rồi sẽ nhớ lại, ai chưa biết sẽ đi hỏi. Đó là cuốn sách thú vị. Đã rất lâu rồi chúng ta mới có một quyển sách viết theo thể loại du ký, hư cấu dựa trên câu chuyện có thật.  Chúng ta nhớ đến Đất rừng phương nam của Đoàn Giỏi hay nhớ đến Hành trình ngày thơ ấu của nhà văn Dương Thu Hương, đều là những tác phẩm du ký rất hay. Nhưng đã rất lâu rồi chúng ta thiếu những quyển sách như vậy."

Biên tập viên Diệu Thủy nhận xét: "Mặc dù là hư cấu nhưng tính tư liệu, tính chân thực trong cuốn sách của nhà văn Bình Ca rất mạnh mẽ. Và đấy là điều mà không phải nhà văn nào cũng làm được, cũng có được, bởi vì cần phải có vốn sống, cần có một trải nghiệm: trải nghiệm về chiến tranh hay trải nghiệm về thiên nhiên.... Cái khác của cuốn tiểu thuyết này so với cuốn trước, là bối cảnh của Quân khu Nam Đồng diễn ra ở thành phố Hà Nội, còn cuốn này lấy bối cảnh vùng nông thôn sơ tán. Nhưng tôi thấy có điểm giống nhau: là tâm tính của lũ trẻ thời chiến tranh thì có sự hồn nhiên, sự hoang dã nhưng đồng thời cũng có một sức sống rất mạnh mẽ.

Cả Quân khu Nam Đồng và cả Đi trốn Bình Ca đều sử dụng một lối văn trực tiếp, không hoa lá màu mè nhưng rất tự nhiên và có độ mạnh mẽ của nó. Với cuốn tiểu thuyết này, cấu trúc được xây dựng khá tốt. Nó có rất nhiều hành động và có diễn tiến từ  hành động này sang hành động khác, lôi cuốn người đọc vào cuộc phiêu lưu của lũ trẻ. Thông thường đối với một cuốn tiểu thuyết như thế này, với văn phong ấy, với cấu trúc ấy thì người ta sẽ khó mà rời khỏi danh sách mà người ta sẽ phải đọc từ đầu đến cuối.

Tác giả Quân khu Nam Đồng ra mắt tác phẩm thứ hai “Đi trốn“ - ảnh 4Nhà văn Bình Ca cho rằng, miền ấu thơ được chọn vì thế hệ ông đã có một không khí sống dù gian khổ nhưng rất đẹp.

Kể lại câu chuyện tại sao ông lại lựa chọn một câu chuyện phiêu lưu cho tác phẩm mới, nhà văn Bình Ca chia sẻ: Ông không coi mình là một nhà văn chuyên nghiệp, không coi viết văn như một sứ mệnh, mà đó là một cuộc chơi để kể lại những câu chuyện thú vị: “Đã gọi là cuộc chơi thì chơi cho đẹp mà bây giờ lại lặp lại mình, lặp lại thành công của cuốn sách cũ thì không hay, mình cần đổi mới đi. Nhưng đổi mới như thế nào?

Tôi đã tình cờ đọc lại một bài báo trong đó nói mình chỉ viết về yêu đương và đánh nhau. Vậy không viết về yêu đương và đánh nhau, thì phải là tuổi nhỏ. Nhưng viết về trẻ con mà càng bé càng khó, làm sao mình phải nói đúng ngôn ngữ của nó đúng điểm đúng tuổi vô cùng khó. Nhưng mà thôi, khó thì thử, vì ký ức nhiều!

Thời của chúng tôi rất đẹp. Bây giờ nhìn lại cuộc sống của những thiếu nhiên ngày đó trong chiến tranh vất vả hơn thanh thiếu niên bây giờ cả trăm lần nhưng tôi thấy thời gian đó chúng tôi sống rất đẹp. Bây giờ nhiều khi tự hỏi nếu cho tôi đổi lại, được sống lại một lần nữa, thì tôi có mong muốn được sống như các bạn ở trong thời hiện đại này không? Tôi nghĩ đi nghĩ lại, và câu trả lời của tôi là: Không. Tôi vẫn thích sống kiểu ngày xưa. Thế thì viết lại câu chuyện ngày xưa là được rồi! Nhưng  làm sao cho hay? Không yêu đương, không đánh nhau mà lại hay thì phải cho nó ly kỳ.”

Tác giả Quân khu Nam Đồng ra mắt tác phẩm thứ hai “Đi trốn“ - ảnh 5 Một góc khán phòng buổi ra mắt sách.

Cũng theo biên tập viên Diệu Thủy, nhà văn Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh có tâm sự rằng, hồi trước, trong chiến tranh, ông luôn thầm ngạc nhiên khi thấy những đồng đội vốn là học trò thành phố, thậm chí có cả con ông cháu cha, nghĩa là những tay - như người ta thường định kiến - chỉ quen ăn trắng mặc trơn, vậy mà họ đã mau chóng nhập mình vào quân ngũ, cứng cáp lên rất nhanh, giỏi chịu đựng gian khổ, tháo vát lanh lẹ. Ông không hiểu bằng cách nào họ trở nên như thế. Và có thể nói tiểu thuyết Đi trốn của Bình Ca đã giúp ông tháo gỡ thắc mắc ấy.

Vậy điều gì mà Bình Ca muốn gửi gắm trong cuộc phiêu lưu tuổi nhỏ, cuộc phiêu lưu để trưởng thành này: "Tôi viết về những câu chuyện thơ ấu, cái thời ấy chúng tôi trên ra trên dưới ra dưới, trên bảo dưới nghe. Tôi nghĩ mình hãy viết một câu chuyện trẻ thơ, câu chuyện lùi thời gian lại khoảng nửa thế kỷ. Qua câu chuyện đó tôi muốn chuyển tải đến mọi người suy nghĩ của tôi, là cha ông, hay chính thế hệ các anh chúng tôi hay kể cả chúng tôi nữa, ngày xưa chúng tôi được sống (trong không khí) rất là tốt, rất là tử tế. Chúng tôi sống với tất cả tình cảm của mình, với tất cả sự chân thành. Những người cộng sản, những người bộ đội, những người nông dân họ tốt một cách chân thành. Để bây giờ chúng ta so sánh lại."

Như biên tập viên Diệu Thủy nhận xét: "Tôi nghĩ đây là cuốn sách mà phổ đọc của nó rất rộng. Người già để nhớ lại một thời đã qua, còn tuổi nhỏ sẽ đọc cuộc phiêu lưu đó, sẽ thấy sự hồn nhiên, sẽ thấy thế giới của chúng ở trong đó. Và sau này chúng lớn lên thì chúng bắt đầu sẽ tìm hiểu những tầng nghĩa sâu hơn. Cuốn tiểu thuyết này theo tôi là dành cho nhiều lứa tuổi.

Vốn sống giàu trải nghiệm, lối văn tự nhiên, tiết chế, không hoa lá cành, tốc độ vừa phải, chắc chắn, Bình Ca đã dựng ra được cả một không khí riêng cho cuốn tiểu thuyết, với màu sắc lịch sử sắc nét, không gian địa lý chân thực, và một thế giới trẻ thơ sống động." 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu