“Sắc màu phố quê” trong tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Lê Tiến Vượng thích vẽ đa chất liệu, đồng hiện ở nhiều tầng không gian khác nhau.

Triển lãm “Sắc màu phố quê” của họa sĩ Lê Tiến Vượng diễn ra từ ngày 8/3 đến 15/3/2023, tại tầng 3 Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm đánh dấu sự trở lại với hội họa giá vẽ của anh sau nhiều năm chuyên tâm và gặt hái không ít thành công ở mảng tranh đồ họa.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:
 
“Sắc màu phố quê” trong tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng  - ảnh 1Tĩnh vật của Lê Tiến Vượng

Đến với “Sắc màu phố quê” công chúng yêu hội họa sẽ có cơ hội thưởng lãm 60 tác phẩm được thể hiện trên các chất liệu bột màu, sơn dầu, acrylic, màu nước, tổng hợp, in độc bản, in khắc cao su.

Chọn 60 tác phẩm để trình làng công chúng họa sĩ Lê Tiến Vượng cũng muốn qua đây ghi dấu mốc 60 tuổi đời của mình: "Sau khi nghỉ hưu tôi tập trung vào vẽ tranh. 60 bức lần này với chủ điểm là Sắc màu phố quê, chủ yếu những bức tranh về phố về quê-nơi tôi cũng như mọi người đều có một miền quê để sống, nơi có những ký ức đong đầy những năm tháng tuổi thơ…"

Trong số 60 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm có những bức họa sĩ Lê Tiến Vượng sáng tác từ khi mới hơn 20 tuổi và bức mới nhất anh vừa sáng tác năm nay. Các tác phẩm xoay quanh chuyện phố chuyện quê. Song người xem ấn tượng hơn cả là những bức tranh vẽ quê với tiếng thì thầm của đất, bóng dáng của giếng làng, mùa xuân, hoa quê, cỏ rối, chợ Tết, nhịp cầu quê hương; rồi sen, trăng, biển, tĩnh vật, bình minh... và cả những ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính...

“Sắc màu phố quê” trong tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng  - ảnh 2Họa sĩ Lê Tiến Vượng.

Chia sẻ về những tác phẩm hội họa về làng quê, họa sĩ Lê Tiến Vượng cho biết, xuất phát từ những chuyến về thăm quê ở một huyện ngoại thành Hà Nội, họa sĩ nhìn thấy vẻ đẹp óng ả của làng quê đang dần bị bê tông hóa và sự “hiện đại hóa” đang phá vỡ dần kiến trúc, không gian của làng quê.

Những đường làng, ngõ xóm, cây rơm, lũy tre làng, cây đa, giếng nước, bến sông, con đò… không chỉ bị thu hẹp mà đã không còn.

"Quê tôi bây giờ đã thay đổi, những bức tranh mà tôi vẽ thì hiện trạng nó không còn. Cho nên nó không chỉ là tranh mà còn là dấu ấn về văn hóa, dấu ấn về năm tháng và là một chứng nhân về lịch sử.

Tranh khác bức ảnh, ảnh chỉ ghi khoảnh khắc trong nháy mắt, nhưng tranh thì mình đặt tâm hồn mình vào đó, những sắc màu, đường nét và cả tâm tình của mình ở trong bức tranh đó. Người xem sẽ thấy rung cảm, nhớ về một thời những năm tháng ta đã sống, những năm tháng có thể nghèo khó nhưng biết thương nhau…" - Họa sĩ Lê Tiến Vượng nói.

“Sắc màu phố quê” trong tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng  - ảnh 3Hồn quê trong tranh Lê Tiến Vượng

Thật vậy có không ít khách tham quan là những người đã lên chức ông chức bà dừng lại rất lâu bên những bức tranh vẽ làng quê. Bà Nguyễn Thanh Tùng là một trong số đó: "Tôi thấy hầu hết tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng là vẽ trên nền báo cũ, có lẽ đây là cái rất đặc biệt của Lê Tiến Vượng. Những bức tranh về quê hương khá thú vị.

Tôi rất ấn tượng với bức tranh Cỏ rối, một chất liệu hoa lá, thể hiện cuộc sống rất nhẹ nhàng, nó rất bình yên, nhưng trong đó có điểm nhấn là những nút rối, và những nút rối ấy có những lúc nó thắt lại tưởng như không thể gỡ ra được, nhưng cuối cùng giống như kim chỉ có đầu nó càng ngày càng bớt những  nút rối ấy đi để nó hòa nhập với cuộc sống. Và có lẽ trong cuộc sống nếu không có những nút rối ấy thì chắc là không thành cuộc sống phong phú được."

Còn anh Nguyễn Xuân Thủy thì bày tỏ: "Tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng rất là thú vị, cái cách anh vẽ nó chân thật, gần gũi với cuộc sống thường ngày. Từ phố cho đến quê thì nó đều là những nét phảng phất mà ai cũng có thể nhìn ra được, ai cũng có thể cảm nhận được."

“Sắc màu phố quê” trong tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng  - ảnh 4Tranh Lê Tiến Vượng

Nhạc sĩ, họa sĩ Lê Tâm, người bạn thân của họa sĩ Lê Tiến Vượng, biết Lê Tiến Vượng từ những ngày đầu anh cầm cọ khi hai anh cùng đơn vị bộ đội. Theo Lê Tâm, tranh của Lê Tiến Vượng cũng giống hệt như con người họa sĩ vậy, nó giản dị lặng thầm, không phô trương nhưng càng ngắm càng thấy gần gũi, thân thương. Mỗi góc phố, mỗi làng quê đều mang kỷ niệm của bao người hôm qua và hôm nay.

"Anh Vượng là người có khả năng dùng hình rất là tốt, rất là vững. Nếu xem những bức tranh cũ của anh thì sẽ thấy tuổi trẻ của anh nằm trong bức tranh đấy. Hơn 40 năm trước tranh của anh trong veo, lúc đấy anh thường vẽ bột mầu nhìn nó toát lên vẻ óng ánh, có cảm giác ướt. Bởi vì các lớp lang, các phối nóng lạnh của anh trong màu và các tương phản sắc độ của anh rất là giỏi. Thời tuổi trẻ thì anh thường ký họa các chú bộ đội - đồng đội của mình, sau đó dùng những vốn hình đó để sử dụng trong các bức tranh…" - Nhạc sĩ, họa sĩ Lê Tâm nói.

“Sắc màu phố quê” trong tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng  - ảnh 5Lê Tiến Vượng thích vẽ đa chất liệu, đồng hiện ở nhiều tầng không gian khác nhau

Hơn 40 năm trước, có một chú bộ đội Lê Tiến Vượng say mê vẽ đề tài người lính và phong cảnh rừng cọ, đồi chè Thái Nguyên - nơi đơn vị anh đóng quân. Lúc ấy Lê Tiến Vượng vẽ chủ yếu bằng bột màu trên giấy báo. Theo anh, vẽ trên chất liệu giấy báo vừa để tận dụng báo cũ vừa có cái hay là những dòng chữ in báo ẩn hiện sau lớp màu có hiệu ứng "xốp" chứ không nhẵn lì như giấy. Và giấy báo có đặc điểm là ngấm màu, ngấm nước rất là tốt, đem lại thẩm mỹ cao: "Tranh của những năm tuổi 20 của tôi có cái gì đó rất là lạc quan, nó trẻ trung, màu sắc cũng tươi tắn. Giờ đến tuổi này mình cũng đã trưởng thành rồi, mình biết giá trị cuộc sống nên tranh của tôi thiên về ký ức mơ màng, nó gợi cho người xem biết trân trọng những gì đã sống, đang sống và sẽ sống".

Theo nhạc sĩ-họa sĩ Lê Tâm, mảng hội họa gần đây của họa sĩ Lê Tiến Vượng có những tìm tòi ở chất liệu. Anh thích vẽ đa chất liệu, đồng hiện ở nhiều tầng không gian khác nhau. Nhưng không câu nệ tả thực, Lê Tiến Vượng không quan tâm tới trường phái tân kỳ nhiều lý sự. Với anh, tranh phải để thưởng thức. Tranh của Vượng không "hack não" người xem, cứ hồn nhiên như nước chảy hoa trôi.

“Sắc màu phố quê” trong tranh của họa sĩ Lê Tiến Vượng  - ảnh 6Tranh Lê Tiến Vượng

"Tranh của anh Vượng hiện nay có một chút khác, nhưng vẫn nhìn ra anh Vượng, bởi đặc điểm anh là người vẽ hình rất là giỏi. Hình tốt, ánh sáng và màu đều tốt. Cái đấy anh không thay đổi, anh sử dụng đúng cái mặt mạnh của mình. Nếu xem những bức tranh gần đây của anh ấy thì thấy anh rất thích sử dụng các thủ pháp của đồ họa, sử dụng những đường viền nét để đưa vào tranh, nó tạo ra một sắc thái khác  -một sắc thái mang tính trang trí hơn…" - Họa sĩ Lê Tâm nói.

Trong khuôn khổ của triển lãm, họa sĩ Lê Tiến Vượng còn tổ chức ra mắt hai tập thơ mới của anh là “Lục bát thế thời” và “Lục bát đùa chơi”. Như vậy, thi họa song hành trong tâm hồn người nghệ sỹ mà bạn bè thường đùa là “lãng tử hồn quê”. Được biết, toàn bộ kinh phí thu được từ phát hành sách họa sĩ dùng để gây Quỹ Trái tim hồng “xây trường-dựng ước mơ” cho trẻ em vùng cao.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu