Một ngày cuối tuần trước, người cuối cùng của phong trào Thơ Mới - nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã ra đi. Và một dịch giả tài hoa của văn học Nga – dịch giả Đoàn Tử Huyến cũng từ biệt dương thế khá đột ngột...
Nghe toàn văn bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:
...Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, tác giả câu thơ "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà" nổi tiếng, là một gương mặt nổi bật trong nhóm "Xuân thu nhã tập" đầu những năm 40 của thế kỷ trước, một nhà văn, nhà thơ có nhiều thành tựu trong nền văn học Cách mạng"...
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh |
....."Thế hệ hậu sinh lại nhớ tới ông với những bài thơ đã đi vào sách giáo khoa tiểu học, những bài thơ đã không còn chút nào bí ẩn của Xuân Thu Nhã Tập nhưng vẫn nguyên vẹn sự tài hoa.
Nhà báo Cẩm Thúy, Trưởng ban chuyên đề báo Đại đoàn kết nhận xét: “Ký ức của tôi về những tác phẩm của ông thì không phải chỉ như một đại biểu ưu tú của phong trào Thơ mới, với những câu thơ mới mẻ, ảnh hưởng nhiều của phương Tây vào thời kỳ đầu tiên của thi ca Việt Nam khi tiếp xúc với buổi tân thời đấy; mà đọng lại trong ký ức còn là những bài thơ được đưa vào sách giáo khoa như bài Nhớ dừa hay là bài trong chương trình học "Cô giáo lớp em".
Những vần thơ trong trẻo vô cùng: Sáng nào em đến lớp/ Cũng thấy cô đến rồi" hay là Cô dạy em tập viết/ Gió đưa thoảng hương nhài/ Nắng ghé vào cửa lớp/ Xem chúng em học bài. Một lối diễn đạt thơ thiếu nhi mà viết như không, cảm giác như đơn giản, như mộc mạc mà lại hình tượng vô cùng, đi vào lòng người vô cùng, hay vô cùng. Quan trọng nhất là "việc đến được trong lòng bạn đọc, ở lại trong lòng bạn đọc bền lâu"...
Dịch giả Đoàn Tử Huyến |
Là một tên tuổi lớn của làng dịch thuật văn học tiếng Nga...."dịch giả Đoàn Tử Huyến cũng là người sáng lập Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - không gian văn hóa xuất hiện rất sớm tại Hà Nội, nơi dũng cảm thúc đẩy xuất bản các tác phẩm hay nhưng ít người đọc.
Biên tập viên Ngô Thu Ngần, Trưởng phòng Văn học nước ngoài của NXB Phụ nữ, người đã từng có nhiều năm làm biên tập dưới sự dìu dắt của dịch giả Đoàn Tử Huyến ở Trung tâm Đông Tây từ ngày mới thành lập, chia sẻ: “Ông Đoàn Tử Huyến không chỉ là một trong những tượng đài dịch văn học Nga sang tiếng Việt, đóng góp rất nhiều cho nền văn học nước nhà, mà ông còn là một trong những người có những đóng góp rất lớn cho nền xuất bản Việt Nam. Những năm 90 trên cương vị là Phó tổng biên tập Tạp chí văn học nước ngoài và đầu những năm 2000 là một trong những thành viên sáng lập và điều hành Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, trong suốt hai thập kỷ đó, ông và các cộng sự của mình đã giới thiệu với độc giả Việt Nam vô số những tác phẩm văn hóa và văn học có chất lượng.
Đoàn Tử Huyến là một người kỳ dị pha trộn của nhiều yếu tố: một người Tây học, một ông đồ gàn xứ Nghệ, một văn nghệ sĩ ham vui ham chơi... Quanh ông có rất nhiều giai thoại, rất nhiều chuyện lạ khó tin mà mình nghe từ chính ông hoặc nghe qua nhiều người khác, như việc ông từng bị bệnh lạ, bác sĩ bảo ông khó sống được một năm nữa rồi chính bác sĩ phấp phỏng theo dõi ông đến 10 năm sau mới làm hội thảo báo cáo; chuyện ông đạp xe từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình gặp bố mẹ người yêu lần đầu tiên (khi người yêu còn đang học ở nước ngoài) đến nơi mệt quá vứt xe ở sân rồi lao thẳng vào giường ngủ một giấc từ sáng đến chiều mới tỉnh dậy để ‘báo cáo’; chuyện con ông học trường A thì ông đến trường B đón... Ông sống một cuộc đời quá phong phú mà những ai biết tuổi của ông hẳn đều ngạc nhiên vì hoá ra ông ít tuổi hơn họ nghĩ.”
“Trước 2005, khi những tên tuổi nhà sách Nhã Nam, Alpha, Đông A... chưa xuất hiện, Đông Tây từng là một địa chỉ đỏ trong xuất bản sách văn học và văn hoá. Và Đoàn Tử Huyến là điển hình cho một cách làm sách kỹ lưỡng, tử tế và có giá trị.” - Biên tập viên Ngô Thu Ngần