Những người lính “viết sử bằng phim"

Việt Anh – Quang Quyết
Chia sẻ
(VOV5) - Những thước phim trả giá bằng xương máu họ để lại, vẫn vẹn nguyên giá trị tư liệu, lịch sử và nghệ thuật cho đến ngày hôm nay. 

Nghe âm thanh bài viết qua giọng đọc PTV Kim Phượng và ca khúc Người lính viết sử bằng phim (nhạc sĩ Trần Tùng, ca sĩ Lê Khoa và tốp nam) tại đây:

Trong 60 năm hình thành và phát triển (17/8/ 1960 - 17/8/2020), Điện ảnh Quân đội nhân dân, một tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật điện ảnh Việt Nam, đã sản xuất gần 1.400 bộ phim các thể loại (tài liệu, khoa học,phóng sự và phim truyện); quay hàng chục vạn mét phim tư liệu nhựa và hàng nghìn phút phim tư liệu số.

Trong số đó, có những thước phim vô giá, được đổi bằng xương máu của các thế hệ nghệ sĩ quay phim trực tiếp tại các chiến trường trong những năm tháng chiến tranh cứu nước.

Những người lính “viết sử bằng phim" - ảnh 1Các nghệ sĩ, cán bộ Điện ảnh quân đội chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: ĐAQĐND cung cấp. 

Được thành lập tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn Điện ảnh Quân đội ra đời đánh dấu bước phát triển mới về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền trong Quân đội nhân dân Việt Nam, từng bước qua 60 năm phát triển thành Xưởng phim Quân đội, rồi đến nay với phiên hiệu chính thức là Điện ảnh Quân đội Nhân dân. Giám đốc Điện ảnh Quân đội, Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường cho biết: "Ra đời vào tháng 8/1960 với tên gọi là Đoàn điện ảnh quân đội, cùng với tất cả các quân binh chủng khác. Điện ảnh Quân đội Nhân dân kịp thời thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là phản ánh những chiến công của bộ đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta."

Những người lính “viết sử bằng phim" - ảnh 2Các nghệ sĩ Xưởng phim quân đội trong một lần quay phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Từ trái qua hàng 1: Đại tá Nguyễn Huyên - thư ký của Đại tướng, thu thanh Kim Loan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NSUT, đạo diễn Hà Tài, lái xe Ngô Văn Tất, quay phim Hoa Đình Đạt. Hàng 2 ngoài cùng bên phải: cố đạo diễn Phạm Quốc Vinh) - Ảnh: ĐAQĐND cung cấp.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, tuy trang thiết bị còn hạn chế, nhân lực còn thiếu thốn, non trẻ về nghề nghiệp; nhưng để có được những thước phim chân thực, sống động, về tinh thần sống, chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã có mặt trên mọi nẻo đường mặt trận.  

Đại tá, nhà biên kịch Phạm Minh Lợi chia sẻ: “Phim tài liệu thì yếu tố hàng đầu là chân thực. Có thể dùng nghệ thuật,hay các thủ pháp này khác trong việc xây dựng phim, nhưng tính chân thực thì vẫn là yêu cầu hàng đầu.và nó chính là thế mạnh của phim tài liệu. Vì sự chân thực đó mà chúng ta phải trả giá rất nhiều trong thời kỳ làm phim về chiến tranh. Mấy chục đồng chí hy sinh, đặc biệt là các nhà quay phim. Đấy là bằng chứng rõ nhất cho sự gian khổ, hy sinh, cái giá phải trả cho từng thước phim. Có những bộ phận phải vào ở hẳn chiến trường như điện ảnh B2, khu 5, khu 6 có những phóng viên (bây giờ gọi là thường trú, ngày xưa gọi là cài cắm trước) ở chiến trường. Còn đại bộ phận khi bắt đầu mở những chiến dịch lớn, như đường 9 Nam Lào, chiến dịch 1972 chiến dịch Quảng Trị, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên thì anh em phải đi theo,  có bao nhiêu lực lượng chúng ta đi hết phục vụ chiến dịch."

Những người lính “viết sử bằng phim" - ảnh 3 Đạo diễn, NSND Lê Thi.

Hơn 40 năm trong Quân đội, và cũng từng ấy năm gắn bó với máy quay, có mặt ở những chiến dịch quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, NSND Lê Thi cùng với những đồng nghiệp của mình đã để lại nhiều thước phim tư liệu quý giá không chỉ với riêng Điện ảnh Quân đội nhân dân mà còn cho cả nền phim tài liệu Việt Nam.

Những người chiến sĩ, nghệ sĩ quay phim, đạo diễn ngày ấy luôn có mặt ở những chiến trường khốc liệt nhất, cứ nhận lệnh là khoác balô lên đường. Ngoài hành trang đầy đủ như những người lính bộ binh, các nghệ sĩ còn mang theo máy quay phim nặng trên 20kg, chưa kể bọc gạo sấy chống ẩm cho máy, với nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ được mất máy quay. Khi có nổ súng tại trận địa thì những người lính quay phim cũng chính là những người đầu tiên nhô lên để đảm bảo công tác lưu giữ hình ảnh.

Hồi ức về những người đồng đội, nghệ sĩ nhân dân Lê Thi kể lại: "Có hy sinh ở chiến trường, có hy sinh trong địch hậu. Có những người ở trong hầm, phía trên thì địch thuốn tìm, nên đinh ninh rằng sẽ hy sinh, bàn nhau hủy phim ra sao, hy sinh thế nào. Rõ ràng cái giá phải trả không phải là những thước phim bình thường mà bằng máu. Và số lượng hy sinh ấy chứng minh rằng những thước phim đó là đánh đổi bằng xương máu và nước mắt."

Cũng chính từ nơi mưa bom bão đạn ấy, nhiều thước phim chân thực và sinh động nhất về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của quân dân ta được các nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân ghi lại. Những ngày tháng ấy, Xưởng phim Quân đội đã hợp tác cùng với những cơ quan điện ảnh hàng đầu khác như Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương…, để có những bộ phim ra đời rất kịp thời, mang hơi thở nóng bỏng của mặt trận, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội và nhân dân vượt qua mọi khó khăn gian khổ chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà.

Nhớ về ngày đó, kỹ sư âm thanh Thanh Ngà, Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương bùi ngùi: "Tôi còn nhớ trong những năm đầu chiến tranh thống nhất đất nước, bên Quân đội đã cử một số các anh chị sang. Các anh chị rất có lợi thế vì thường từ bên văn công Quân đội - công tác âm thanh cần cả kỹ thuật và nghệ thuật thì các anh chị đã có sẵn vốn khi làm văn công  nên về âm nhạc hoặc xử lý âm thanh rất tốt. Hồi đó những thước phim của Quân đội hoặc là Hãng phim tài liệu gửi về, các anh quay phim, đạo diễn rất vất vả đổ mồ hôi xương máu, nên chúng tôi rất trân quý những thước phim đó. Chúng tôi làm ngày làm đêm. Khi có phim gửi về từ chiến trường, chúng tôi thậm chí thức suốt đêm ở phòng dựng, nếu ai mệt lắm thì nằm nghỉ ngay dưới máy dựng. Điện ảnh Quân đội có chị Trần Ngà, anh Hoán, anh Thu, chị Tuyết cùng làm, cả những anh kỳ cựu bên Hãng phim tài liệu khoa học… Bên Quân đội có nhiều đồng chí quay phim hy sinh, (bên tôi cũng có cả một tổ làm phim hy sinh khi mang phim từ vĩ tuyến 17 ra, hoặc anh Giá hy sinh tại miền Nam). Nên những người làm hậu kỳ như chúng tôi hết sức trân trọng và đã làm hết sức mình để có thể ra được những phim tốt."

Trong chiến tranh và cả thời bình, 38 nghệ sĩ, chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội nhân dân đã ngã xuống vì sự nghiệp chung, hàng chục nghệ sĩ khác bị thương hoặc vẫn mang trong cơ thể di chứng của chiến tranh để có được những thước phim vô giá. Trong số các liệt sĩ có những người đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Nhưng những thước phim trả giá bằng xương máu họ để lại, vẫn vẹn nguyên giá trị tư liệu, lịch sử và nghệ thuật cho đến ngày hôm nay. Nhiều thước phim tư liệu của Điện ảnh Quân đội đã được các đạo diễn tên tuổi nước ngoài sử dụng.

Những người lính “viết sử bằng phim" - ảnh 4Đạo diễn Mai Trung Tuyến (thứ hai từ trái qua) và quay phim Nguyễn Hợi (áo trắng) trong một lần chọn cảnh quay.

Thế hệ hôm nay, những làm phim Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp bước cha anh, tiếp tục có mặt trên khắp các nẻo đường từ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để phản ánh đời sống, công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ đầy gian khổ và hy sinh. Ngọn lửa truyền thống được tiếp nối, trao truyền và gìn giữ trong trái tim nhiệt huyết của những người nghệ sĩ, chiến sĩ trẻ.

Những tác phẩm ra đời trong thời gian gần đây tham gia Liên hoan phim Việt Nam, Giải Cánh diều, Giải Báo chí Quốc gia, Liên hoan Truyền hình toàn quốc… đã gặt hái được nhiều giải thưởng, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong nền điện ảnh Việt Nam.

Những người lính “viết sử bằng phim" - ảnh 5Đại tá, NSUT Phạm Tiến Cường (mặc vest) cùng các nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tại LHP VN lần thứ 20. Đây là một trong những đơn vị điện ảnh có nhiều phim tham gia nhất của LHP Việt Nam lần thứ XX với 2 phim tham dự toàn cảnh, 8 phim tranh giải, và đã giành được 2 giải Bông Sen Bạc cho 2 bộ phim "Ngày về" và "Nuôi cấy tinh tử trong điều trị vô tinh nam". Bộ phim “Bảy "Cồ" - Đồng Tháp” được tặng Bằng khen của Ban Giám khảo LHP.  

Trong thời gian tới, Điện ảnh quân đội nhân dân tiếp tục thực hiện các đề án: phim chân dung các tướng lĩnh quân đội, phim tài liệu dài tập “Con đường đã chọn” về cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc …vv. Đại tá, NSUT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội khẳng định: "Từ nay đến hết năm 2022. trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất phim theo kế hoạch đã được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị phê duyệt, chúng tôi có nhiệm vụ hợp tác điện ảnh với một số nước trên thế giới, để sản xuất các bộ phim tài liệu kỷ niệm 70 năm mối quan hệ quốc phòng Việt Nam - Liên bang Nga, 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, rồi 50 năm chiến thắng thành cổ Quảng Trị với bộ phim truyện Mưa Đỏ. Đây là một bộ phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng được thực hiện trên quy mô rất lớn. Tôi tin tưởng rằng với bộtài liệu trên và bộ phim truyện Mưa đỏ sẽ nói được nhiều về cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc chúng ta.”

Những người lính “viết sử bằng phim" - ảnh 6Đoàn làm phim truyện Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền (bộ phim đoạt giải Cánh Diều Bạc 2016). 

Với sự cố gắng tiếp lửa truyền thống, trau dồi không ngừng về nghề nghiệp, hy vọng những tác phẩm do các nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện, sẽ tiếp tục chạm đến trái tim người xem khi đi sâu khai thác những đề tài, góc nhìn bình dị về người lính, tình quân dân trong thời chiến cũng như thời bình.

Điện ảnh Quân đội nhân dân đã đoạt 15 giải thưởng quốc tế; các giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam gồm: 31 Bông sen Vàng, 47 Bông sen Bạc, 13 Giải thưởng cá nhân xuất sắc, 30 Giải Khuyến khích và Bằng khen. Giải Báo chí Quốc gia gồm: 1 Giải A, 8 Giải B, 5 Giải C, 5 Giải Khuyến khích và Bằng khen cùng nhiều giải thưởng của Bộ Quốc phòng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu