Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang: Trước âm nhạc thì phải hết mình

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Nhạc sĩ Nguyên Lê: "Quang vừa là một pho từ điển âm nhạc lại vừa là ca sĩ...một người có hành trang văn hóa và truyền thống đầy đặn"

Bài "Tiếng Việt" do Lê Tâm phổ đã được Ngô Hồng Quang hát rất thành công. Anh là một giảng viên âm nhạc trẻ, học âm nhạc tại Hà Lan, yêu say đắm âm nhạc dân tộc. Nhiều nơi Ngô Hồng Quang tới biểu diễn lần đầu, bà con Việt kiều đã đề nghị anh hát "Tiếng Việt". Nhưng hơn rất nhiều như thế, một Ngô Hồng Quang tràn trề năng lượng, với những giai điệu tràn khỏi 5 ngũ cung, kết hợp với những kĩ thuật phương Tây, đã đi một con đường mới chạm ngõ âm nhạc thế giới. 

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang: Trước âm nhạc thì phải hết mình - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết và bài hát Đàn cò của Ngô Hồng Quang tại đây:

Ngô Hồng Quang tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Lan, chuyên ngành sáng tác âm nhạc đương đại. Anh biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc, và có giọng hát trời phú. Năm 2016, từ Hà Lan trở về, anh đã làm khán giả kinh ngạc với phần trình diễn âm nhạc trong show múa đương đại Nón của Vũ Ngọc Khải.

Ngô Hồng Quang nói vui, anh chơi được bảy loại nhạc cụ, cả hát là tám: đàn môi, đàn nhị, đàn bầu, chiêng dây, kơ nia, đàn tính, trống đế, và hát. Anh học ở nhạc viện đàn nhị và đàn bầu, còn lại là tự tìm đến nghệ nhân để học.“Tôi học nhị từ lúc 9 tuổi, học qua một bác nghệ nhân khiếm thị. Một thời gian sau mới đi học nhạc viện. Bố tôi hướng cho tôi học đàn nhị. Lúc đầu không thích lắm vì mới đầu chỉ biết là ông nội chơi nhị, cũng biết là đàn nhị là một trong những nhạc cụ nằm trong dàn nhạc của nhiều loại high nghệ thuật khác nhau như chèo, tuồng, xẩm rồi trong phường bát âm, nhạc đám ma. Lúc đấy chỉ biết là như thế thôi. Nghe tiếng nhị cũng hơi buồn, không thích lắm. Tôi yêu nó từ sau khi học nhạc viện hai ba năm. Đàn nhị không chỉ có thể biểu diễn tính nhạc buồn, mà nó còn có thể biểu hiện rất nhiều trạng thái âm nhạc khác nhau, là một nhạc cụ rất giàu cảm xúc.”

Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang: Trước âm nhạc thì phải hết mình - ảnh 2Ngô Hồng Quang và nhạc sĩ Nguyên Lê

Nhưng khi học sáng tác ở Hà Lan, Ngô Hồng Quang phải tiếp cận với các nhạc cụ phương Tây, để biết đến các tính năng nhạc cụ. Tuy các loại bộ dây, bộ hơi đều phải biết nhưng anh không chơi. Ngô Hồng Quang cho biết, đối với anh, cảm hứng sáng tác đến từ môi trường xung quanh: “Có rất nhiều phương tiện, truyền thông, báo đài, đi dã ngoại, qua sách vở cũng nhiều. Tôi thường lấy cảm hứng sáng tác qua ý niệm cuộc sống, nhân sinh quan của từng nhóm người khác nhau, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Tôi cũng thích đọc về Phật học và triết học nói chung, đó là những thứ mình nên biết.”

Ngoài việc nghiên cứu và sáng tạo cho dự án, Ngô Hồng Quang còn kết hợp với các nghệ sỹ khác sáng tạo, thực hiện nhiều sản phẩm âm nhạc độc đáo, cuốn hút, gây ngạc nhiên với khán giả nước ngoài. trong đó có sự kết hợp với nhạc sỹ lừng danh người Pháp gốc Việt Nguyên Lê. Album  Hà Nội Duo do Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang hợp tác gây được tiếng vang lớn. Nói về Ngô Hồng Quang, nhạc sĩ Nguyên Lê cho rằng: “Cậu ấy thực sự là một nhạc sĩ chất lượng cao, học hành bài bản, học sáng tác đương đại và hiểu biết mọi thể loại nhạc truyền thống. Quang vừa là một pho từ điển âm nhạc lại vừa là ca sĩ, đúng là mẫu người tôi vẫn kiếm tìm bao lâu nay. Một người có hành trang văn hóa và truyền thống đầy đặn, lại trẻ trung cởi mở nên tôi có thể thỏa sức thử nghiệm cùng cậu ấy. Thật là tuyệt khi có cảm giác không có giới hạn nào hết ngoài trí tưởng tượng của chính mình”

Ngô Hồng Quang đã thực hiện tại Hà Lan dự án "Nghiên cứu về văn hóa Mông, khía cạnh ngôn ngữ, âm nhạc của họ". Tác phẩm tốt nghiệp của anh mang tên "Ông trời" là một bản nhạc thể hiện đầy đủ sắc thái ngôn ngữ - âm nhạc của người Mông. Ngô Hồng Quang cho biết: “Âm nhạc tôi đang theo đuổi là âm nhạc của dân tộc miền núi phía Bắc. Vì thích nên tôi tập và hát theo, không có ai dạy mà cũng chẳng ai dạy được cái đó. Tôi cũng có tiếp cận với một số nghệ nhân miền Núi, thu âm của họ rồi về tập hát theo. Mỗi khi về Việt Nam tôi cũng dành thời gian một hai tuần đi dã ngoại, để gặp các nhóm dân tộc miền núi khác nhau như Hà Giang, Sapa cũng có. Cũng gặp họ rồi sinh hoạt, giao lưu văn nghệ.”

Sử dụng chất liệu cốt lõi là nền tảng âm nhạc truyền thống, kết hợp với kĩ thuật phương Tây, để tự sáng tác thứ âm nhạc mà anh gọi là “nhạc của tôi”, Ngô Hồng Quang tâm sự: “Dựa trên âm nhạc truyền thống Việt Nam, sáng tạo qua cách của mình về mọi thứ xung quanh. Gọi đúng nhất thì là âm nhạc của tôi. Tôi cũng không dựa trên một style âm nhạc gì cụ thể. Một tác phẩm âm nhạc nên đến được với càng nhiều công chúng càng tốt, nhưng tôi luôn tôn trọng phát triển những sáng tạo cá nhân của mình. Việc đầu tiên là mình phải hết mình với nó, trau chuốt. Tôi đề cao chất lượng sản phẩm của mình trước. Người nghe thì tùy người thích không thích, nhưng cảm xúc, sự chân thành trong tác phẩm là điều quan trọng nhất. Nhưng trước âm nhạc thì phải hết mình và tôn trọng cái giá trị âm nhạc mà mình làm ra.”

Sau album Hà Nội Duo, Ngô Hồng Quang có một số dự án khác nữa, như  Nam nhi – một dự án âm nhạc quan họ kết hợp với tứ tấu đàn dây, và một dự án anh đang làm song song, là sáng tác trên lời thơ của chị Phan Lê Hà, một giáo sư dạy về sư phạm tại trường đại học Hawaii của Mỹ. Ngô Hồng Quang nói, anh chọn thơ của Phan Lê Hà vì có cái góc nhìn rất đặc biệt về những thứ xung quanh, từ ngữ đơn giản nhưng có nhạc tính. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu