Nhà văn Nguyễn Đình Tú ra mắt truyện cho thiếu nhi dịp 1/6: "Ba nàng lính ngự lâm"

Phùng Hà/CTV
Chia sẻ
(VOV5)- “Ba nàng lính ngự lâm” - tập truyện cho thiếu nhi đầu tiên của nhà văn Nguyễn Đình Tú ra mắt độc giả nhí đúng dịp Tết thiếu nhi 1/6.
(VOV5)- “Ba nàng lính ngự lâm” - tập truyện cho thiếu nhi đầu tiên của nhà văn Nguyễn Đình Tú ra mắt độc giả nhí đúng dịp Tết thiếu nhi 1/6.

“Ba nàng lính ngự lâm” được kể lại dưới hình thức “Nhật kí của một bạn trai lớp 1G trường Hoa Mai”. Mọi chuyện đều bắt đầu và xoay quanh ba bạn gái là My xinh, Phương hot girl và Lam Anh “hung thần”.

Cuốn sách gồm 17 câu chuyện nhỏ xảy ra ở lớp 1G trường Hoa Mai dưới cái nhìn của một cậu bé tên là Xuân Chinh. Nào là chuyện trốn trong toa-let để không phải ăn cơm, chuyện một lớp phó học tập được bầu ra đơn giản chỉ vì cậu ta… quậy nhất lớp hay nỗi băn khoăn tại sao bạn này lại thân với bạn kia mà không phải là thân với mình. Câu chuyện chọn nghề của các bạn nhỏ cũng thật bất ngờ: bạn thì thích làm nghề lái xe, làm phi công, làm lính cứu hỏa, làm bộ đội, bạn thì thích làm nghề nặn tò he, và có bạn còn thích cả làm nghề… hoa hậu. Đó là những cái thích rất đúng với tâm lý của trẻ thơ, là những gì các bạn nhỏ đã được nhìn thấy, thích thú hay ngưỡng mộ. Cả chuyện cãi nhau, đánh nhau của các bạn lớp 1G cũng lắm li kì. “Quảng Nam trong Việt Nam hay gần Việt Nam” là một đề tài tranh cãi gay gắt, phần thắng tất nhiên thuộc về kẻ “có uy” rồi. Màn đánh nhau tụt quần tét mông đen đét, rồi giật chân làm bạn ngã xõng xoài, bổ ngửa, xước cả khuỷu tay khi không còn đối thoại được có vẻ vô cùng căng thẳng, nhưng “đánh nhau vậy thôi, ngày mai chúng tớ lại quên hết sạch... lại cười hihi bên cạnh nhau mà chả nhớ gì đến chuyện giận nhau hôm trước.”

Nhà văn Nguyễn Đình Tú ra mắt truyện cho thiếu nhi dịp 1/6: "Ba nàng lính ngự lâm" - ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ “những chuyện này là do con gái tôi kể lại, thậm chí viết lại vì cháu có thói quen viết nhật ký từ rất sớm, có những chuyện mẹ cháu ghi lại trên facebook, tôi đã tập hợp lại, lọc đi, biến tấu chúng thành những câu chuyện sinh động theo một chuỗi hoàn chỉnh phù hợp với quá trình một bé học sinh cắp sách tới trường từ đầu lớp lớp 1 đến khi vào lớp 2.”

Chính vì được sự “hậu thuẫn” của con gái, nên đọc cuốn sách, ta thấy khẩu ngữ, ngôn ngữ đời sống của trẻ thơ được đưa vào một cách thật tự nhiên, sống động: “Trong lòng luôn hậm hực với các nàng ngự lâm xinh đẹp, nhưng chúng tớ chả dại gì thể hiện ra bên ngoài. Vì ngay lập tức các nàng í sẽ cho chúng tớ biết thế nào là “cần chi cái đôi mắt kiếng vì đôi mắt đã sưng u, cần chi cái giầy cao gót vì vóc dáng đã lăn quay”… Ai chứ Lam Anh, nó quật cho một phát thì cái thằng còi mười tám cân như tớ hôn đất ngay.”

Am hiểu thế giới trẻ thơ, hiểu những gì các bạn nhỏ nghĩ, những trò chơi của các bạn nhỏ hiện nay, với lối dẫn chuyện “có nghề”, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã thu hút độc giả đi từ câu chuyện này đến câu chuyện khác một cách say mê. Với cách kể hài hước và có duyên, ngôn ngữ đậm chất trẻ thơ, nhà văn Nguyễn Đình Tú khiến cho không chỉ các bạn nhỏ bật cười khanh khách bởi sao mà giống mình thế; mà cả những người lớn, những ông bố bà mẹ cũng sẽ mỉm cười vì thấy hình như trẻ con đứa nào cũng thế thì phải.

Cảm hứng để Nguyễn Đình Tú viết cuốn sách này là từ cô con gái của mình và động lực để anh đặt bút viết cũng là từ đòi hỏi của cô con gái sau những buổi được cùng bố tham dự ra mắt sách của các nhà văn.

“Ba nàng lính ngự lâm” là tác phẩm dành cho các em thiếu nhi, đây là một đối tượng độc giả hoàn toàn mới của Nguyễn Đình Tú, khác xa với những tác phẩm trước đó của anh. Nhà văn chia sẻ “Tôi cũng hơi e ngại về thái độ tiếp nhận của bạn đọc vì họ đã quá quen với một văn phong rất khác, rất "người lớn" của tôi, nay bỗng thêm một giọng điệu mới, một kiểu kể chuyện mới, liệu họ có... ủng hộ. Nhưng bây giờ sách đã ra lò, tôi tin là tôi có thể viết tiếp những cuốn truyện khác cho bạn đọc nhỏ tuổi.”

Nhà văn Nguyễn Đình Tú hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Là tác giả của nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết như: Hồ sơ một tử tù (2002); Bên dòng Sầu Diện (2006); Nháp (2008); Phiên bản (2009), Kín (2010), Hoang tâm (2013)

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu