Nhà sưu tập tranh: Anh là ai?

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Trong câu chuyện về hội họa Việt Nam đương đại, ngoài chuyện của các nghệ sĩ, còn có câu chuyện của những người đằng sau đó: các nhà sưu tập tranh. 

Sau thời kỳ nhà sưu tập hội họa Đức Minh (sinh năm 1920- mất 1983), một thời gian dài Việt Nam vắng bóng dần các nhà sưu tập. Gần đây, đất nước đổi mới, kinh tế phát triển thì một thế hệ nhà sưu tập mới xuất hiện, và cũng là tác nhân thúc đẩy cho hội họa Việt Nam phát triển hơn

Những cái biển giơ lên, tiếng rao giá, tiếng búa gõ, tiếng chuyện trò rì rầm, tiếng vỗ tay…vang lên. Đó là không khí thường thấy ở Nhà đấu giá Chọn - một nhà đấu giá mới  tròn 1 năm hoạt động, nhưng đã có thương hiệu và là địa chỉ quen thuộc để các nhà sưu tập tranh, người yêu hội họa lui tới.

Nhà sưu tập tranh: Anh là ai? - ảnh 1 Nhà sưu tầm Nguyễn Minh bên những bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm. - Ảnh: Báo Công nhân dân.

Sự tham gia của họ khiến cho mỗi phiên đấu giá tại Nhà đấu giá Chọn sôi nổi và thành công hơn: “Ngoài anh Nguyễn Minh thì gần đây có các nhà sưu tập trẻ như anh Nguyễn Phan Huy Khôi, Phùng Quang Việt, Kevin Việt, rồi anh Cường, tạo nên một sân chơi, một cộng đồng người sưu tập tranh phong phú, đa dạng mà chúng tôi lấy giá trị là cái đẹp, cái sự trao đổi về cái đẹp làm hình thức và có một cái lõi là chúng tôi cùng nhau trả lại giá trị đích thực của nghệ thuật Việt Nam về mặt tài sản. Mà sự tham gia của các nhà sưu tầm cũ và mới thì làm cho Chọn rất là vui và Chọn cũng là một phần của họ”

Thạc sĩ Trần Quốc Hùng Giám đốc đấu giá -Nhà đấu giá Chọn cho biết thêm, khi nghệ sĩ, nhà sưu tập và sàn đấu giá hiểu hết về quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như vai trò của từng thành phần thì nghệ thuật sẽ được định giá chính xác và giúp tạo ra sự luân chuyển lành mạnh trên thị trường nghệ thuật.

Nhà sưu tập tranh: Anh là ai? - ảnh 2 Nhà sưu tập tranh Đức Minh - tranh Bùi Xuân Phái.

Từng tham gia nhiều phiên đấu giá tại Nhà đấu giá Chọn, nhà sưu tập Phạm Việt Phương bày tỏ: “Chơi tranh vừa là thú chơi vừa là cái nghề. Kinh tế ngày càng phát triển. Cuộc sống ngày càng được nâng cao thì nhu cầu chơi văn hóa nghệ thuật cũng phát triển hơn. Bây giờ lực lượng chơi tranh rất đông đảo. Tạo nên một sân chơi vừa lành mạnh vừa sôi động. Thứ nhất, lan tỏa sức chơi ngày một rộng hơn trong cộng đồng người Việt mình. Thứ hai, nâng tầm giá trị nghệ thuật của các tác phẩm hội họa và trả nó đúng vị trí của các tác giả nổi tiếng xứng tầm…

Một trong những huyền thoại của giới sưu tập Việt Nam là nhà sưu tập Đức Minh, sở hữu khoảng 2.000 tác phẩm. Nhà sưu tập Lê Thái Sơn sở hữu gần 700 tác phẩm, trong đó bộ sưu tập có giá trị nhất là hơn 300 bức ký họa thời chiến. Nguyễn Văn Lâm, chủ quán “Cà phê Lâm” thường được biết đến với các tên “Lâm Toét” cũng có gần 200 tác phẩm mà phần lớn trong số đó là tranh của các họa sĩ hay đến quán ông uống cà phê và để lại tranh thay vì trả tiền…

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, khi còn công tác ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có may mắn được gặp gỡ các nhà sưu tập kỳ cựu trên. Theo bà, các nhà sưu tập này từ khi biết được giá trị tranh của các họa sĩ tên tuổi thì đã bắt đầu sưu tập một cách có hệ thống, khác với các nhà sưu tập thế hệ sau:

“Các nhà sưu tập hiện nay lại có quan niệm khác các nhà sưu tập trước. Họ giống như các nhà sưu tập nước ngoài thường chọn những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ đã nổi tiếng. Mỗi tác giả họ cố gắng chọn được tác phẩm đỉnh cao của tác giả đó, sau đó họ chăm chút tác phẩm ấy khiến cho những người mua tranh yên tâm về giá trị của tác phẩm…”

Sau thời của các nhà sưu tập như Đức Minh, Lê Thái Sơn, Nguyễn Văn Lâm thì một cái tên được người trong giới nhắc đến nhiều hơn cả là nhà sưu tập Nguyễn Minh-người có cơ duyên khi mua lại được một số bức tranh của nhà sưu tập Đức Minh khi gia thế có nhiều sa sút do khách quan, bộ sưu tập của ông bị chia năm xẻ bảy.

Cũng từ đó cái tên Nguyễn Minh gắn với những chuyến đi đấu giá tranh ở nước ngoài để đưa về những tác phẩm của các danh họa như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu…“Số tranh mà mình đã sưu tập ở nước ngoài phải nói là cũng nhiều. Trong khi đó đa phần đi mua về có rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là mình phải hiểu về nó, rồi khi đấu xem tranh có phù hợp với tài chính của mình hay không. Rồi đi nước ngoài thì xa xôi, như đi Mỹ phải bay gần 20 tiếng đồng hồ mệt mỏi lắm, chưa kể tốn kém tiền bạc, rồi hạn chế về ngoại ngữ…Mua được tranh ở nước ngoài đã là một vấn đề, mang nó về Việt Nam cũng có nhiều cách trở. Ví như thủ thục hải quan, thuế má rồi xin phép Bộ Văn hóa…”

Nhà sưu tập tranh: Anh là ai? - ảnh 3 Quang cảnh một phiên đấu giá tại Chọn - Ảnh: VTV News

Năm ngoái, phiên đấu giá số 5 tại Nhà đấu giá Chọn đã diễn ra thành công ngoài mong đợi. Ở đó, bức Tình yêu đầu tiên của danh họa Trần Văn Cẩn có giá khởi điểm 6.000 USD đã được trả giá cao kỷ lục: 41.000 USD (gần 1 tỷ đồng). Bức Con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có giá 16.000 USD. Bức Phố cũ của danh họa Bùi Xuân Phái được gõ búa với giá gần 13.000 USD.

Điều đặc biệt có thể nhận thấy ở phiên đấu giá này là tình yêu với hội họa Việt từ các nhà sưu tập trẻ. Người thắng đấu giá bức tranh Tình yêu đầu tiên là Hà Huy Thanh (sinh năm 1982) và người thắng đấu giá bức tranh Phố cũ là Phùng Quang Việt (sinh năm 1987).

Là người từng tham gia nhiều phiên đấu giá ở các nhà đấu giá trong nước và các nhà đấu giá danh tiếng trên thế giới như Sotheby’s và Christie, nhà sưu tập trẻ Nguyễn Hoàng Việt có cách liên tưởng khá thú vị:

“Tôi quan niệm đi sưu tầm tranh cũng giống như khi đi chinh phục một cô gái đẹp, phải kiên trì. Thứ nhất phải tìm hiểu tranh trước khi phiên đấu giá diễn ra. Thứ hai phải xác định tiêu chí của bạn trong sưu tầm tranh là gì. Trong một phiên đấu giá có nhiều bức tranh nhưng không phải bức nào bạn cũng thích cho nên bạn phải đưa ra những hệ thống tiêu chí của bạn: Bạn thích sưu tầm tranh theo trường phái nào, cá nhân họa sĩ nào. Bạn phải xác định bức tranh bạn đấu giá và mức giá chấp nhận được…”

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho rằng: “Thực chất, nhà sưu tập chính là gạch nối giữa các thành phần khác nhau trong thị trường mỹ thuật. Nếu không có con mắt tinh đời để đánh giá tác phẩm cộng với sự nhạy cảm trong kinh doanh của nhà sưu tập thì nhiều tài năng mỹ thuật sẽ vẫn cứ ở trong bóng tối, khó lòng được công chúng biết đến và bán được tranh với giá cao:

Với con mắt xanh các nhà sưu tập đã chọn lọc được tác phẩm tốt, tạo điều kiện cho hội họa Việt Nam tăng thêm giá trị. Họ làm việc vừa tâm huyết vừa khoa học khiến cho các họa sĩ yên tâm sáng tác và làm cho thị trường tranh Việt Nam trong sáng, minh bạch đồng thời có giá trị...”

Như vậy, có thể khẳng định vai trò hết sức quan trọng của các nhà sưu tập chuyên nghiệp trong sự phát triển nền hội họa của một đất nước. Họ chẳng khác gì những ông bầu của một nền mỹ thuật, thông qua các hoạt động đầu tư, quảng bá để nâng giá trị lao động sáng tạo của nhiều họa sĩ.

Cần lắm những nhà sưu tập tranh có tâm có tài, góp phần đẩy lùi những tệ nạn như tranh chép, tranh nhái, tranh giả khiến nền mỹ thuật nước ta đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, chưa vượt ra khỏi khu vực, chứ chưa nói đến tầm châu lục và thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
My dung
Toi muốn bán Tranh Cổ có khoản trên 150 năm thì tôi liên hệ ở đâu vậy