Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Tranh Việt thời mỹ thuật Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tranh Việt cũng đối mặt với không ít thách thức trên thị trường mỹ thuật.

Vào tháng 5/ 2019, tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong, bức tranh “Khoả thân” của Lê Phổ được mua với giá kỷ lục 1,4 triệu đô. Những bức tranh quý của của nhiều danh hoạ mỹ thuật Đông Dương như Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân… cũng đạt mức giá vượt kỷ lục. Xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn đấu giá nghệ thuật uy tín, tranh Việt nói chung và tranh thời kỳ Đông Dương nói riêng đang dần khẳng định được sức hấp dẫn cũng như vị trí của mình trên thị trường quốc tế. Song song với đó, tranh Việt cũng đối mặt với không ít thách thức của thị trường. Để mỹ thuật Việt Nam phát triển vẫn còn là và cần sự chung tay dốc sức của rất nhiều phía.

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Tranh Việt thời mỹ thuật Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế - ảnh 1 Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi. - Ảnh do nhân vật cung cấp

PV: Thưa ông, trong chục năm trở lại đây, tranh Việt đặc biệt là tranh Đông Dương có nhiều cơ hội nở rộ, bứt phá trên trường quốc tế. Ông nhận định thế nào về điều này?

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Trước khi nói về thị trường tranh trên quốc tế cũng nên nói trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời như thế nào. Trước khi trường mỹ thuật Đông Dương ra đời nền mỹ thuật Việt Nam rất sơ khai, họ không có trường mỹ thuật nói riêng. Khi trường mỹ thuật thành lập bởi ông Victor Tardieu và ông Nam Sơn, đã lập ra một nền hội họa hoàn toàn khác biệt với nền hội họa khác. Các học sinh trường Mỹ thuật Đông dương được vẽ theo cách Tây nhưng dùng tâm tình của người Việt. Điều đó đã tạo nên một dòng nghệ thuật hoàn toàn khác biệt với nền hội họa Trung Quốc và Nhật Bản. Khi người ta nhìn thấy tranh Đông Dương và tranh Việt Nam người ta biết ngay.

Hiện nay tranh Việt Nam và nhất là tranh thời kỳ Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế. Các nhà đấu giá danh tiếng như So the by hay Christie đã đặt sàn đấu giá ngay ở châu Á như Hong Kong hay Singapore để thuận tiện cho việc tổ chức các phiên đấu giá dành cho tranh Á châu. Và trong đó tranh Đông Dương luôn chiếm một vị trí quan trọng. Tại Pháp, những nhà đấu giá bây giờ vẫn có những buổi đấu giá dành riêng cho nên mỹ thuật Đông Dương.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Tranh Việt thời mỹ thuật Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế - ảnh 2 Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi trong một buổi trò chuyện về tranh thời kỳ Đông Dương

PV: Được công nhận có lẽ cũng là một thách thức, nhất là trong thời kỳ tranh giả đang là một vấn đề nhức nhức nhối. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề tranh giả trong thời gian gần đây?

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Tranh giả là một vấn đề muôn thuở trên thị trường tranh Việt Nam. Thực sự tranh giả Việt Nam không phải mới đây mới có. Trước đây đã có giai đoạn có sự sao chép tranh trong bảo tàng để tặng quà văn hóa, có những bức tranh đôi khi chép ra đến mấy phiên bản. Những sự sao chép này có tính chuyên nghiệp chứ không ghi rõ bản chép hay bản thứ mấy, việc này gây hệ lụy rất nhiều cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Thời gian đã qua không biết phân biệt đâu là nguyên bản, đâu là bản sao, nhất là tranh của cụ Nguyễn Phan Chánh hay Tô Ngọc Vân

Đa số thị trường tranh giả hiện nay là do người Việt mình hại người Việt mình. Vì tại thị trường Pháp, người Pháp không vẽ giả được tranh Việt hay tâm hồn người Việt. Cho nên các tranh giả hầu như đều do người Việt vẽ rồi đưa vào các phòng trưng bày thị trường quốc tế như Pháp hay Mỹ. Các nhà sưu tập lại tưởng đó là tranh đã được kiểm chứng. Trong khi đó mối quan hệ giữa phòng trưng bày, phòng môi giới và người chép tranh rất phức tạp. Điều này gây ra những tác hại rất lớn. Tôi mong các nhà sưu tập cần học hỏi để tự cứu mình chứ không thể tự tin cậy vào các nhà đấu giá được.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Tranh Việt thời mỹ thuật Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế - ảnh 3 Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi và khán giả

PV: Quay trở lại với tranh Đông Dương, vào tháng 5 năm ngoái, bức Khỏa thân của họa sĩ Lê Phổ cán mốc 1,4 triệu đô la. Bức tranh của Lê Phổ đã cán mốc triệu đô, theo ông tranh thời kỳ Đông Dương có thể còn có thể có giá trị nhiều hơn thế không?

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Tôi cho rằng mỹ thuật Đông Dương luôn có một sức quyến rũ với người sưu tầm. Hiện bây giờ giá trị tranh Đông Dương trên thị trường quốc tế vẫn chưa có thể gọi là chính xác so sánh với các dòng tranh khác tại châu Á như Trung Quốc hay Nhật Bản. Tôi cho rằng giá trị tranh Đông Dương phải hơn thế. 1,4 triệu đô la cho tác phẩm của Lê Phổ, tôi cho rằng kỷ lục này sẽ bị phá vỡ rất gần. Bởi ông Nam Sơn, người đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương đi Pháp có học chung với các đồng môn là họa sĩ Fujita của Nhật Bản, họa sĩ Từ Bi Hồng của Trung Quốc. Tranh của ông Nam Sơn không phải thua kém. Tranh của Từ Bi Hồng đã lên đến hàng chục triệu đô la trong khi tranh của mình mới cán mốc 1,4 triệu. Tầm mức tranh Đông Dương nào kém tranh của họ.

Tôi cho rằng những bức tranh thời kỳ Đông Dương sẽ có giá trị nhiều hơn. Theo tôi biết, các nhà sưu tập Việt Nam có rất nhiều tranh có giá trị. Họ chưa bán ra thôi, một khi đã ra thị trường quốc tế thì tranh 1,4 triệu đô của Lê Phổ sẽ bị phá vỡ trong một ngày rất gần.

PV: Hiện nay đã có một vài tác phẩm của tên tuổi họa sĩ trẻ Việt xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế. Ông nhận định thế nào về họ cũng như tương lai nào cho mỹ thuật Việt?

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Nói đến họa sĩ Việt đương đại cần lý giải tại sao họ vẫn cứ khó khăn trong thị trường tranh Việt, ngày xưa trường mỹ thuật Đông Dương lựa chọn rất khắt khe, mỗi năm chỉ có 10 đến 11 người. Còn hiện nay các trường mỹ thuật rất nhiều nên đôi khi họ thấy cái bóng của nền mỹ thuật Đông Dương quá lớn

Mỹ thuật đương đại đang trong thời kỳ tìm cho mình một con đường mà bị mỹ thuật Đông Dương che lấp đi. Tuy bây giờ mức độ so sánh của họ với các bậc tiền bối chưa đặc sắc lắm nhưng hiện nay tên tuổi của mỹ thuật đương đại cũng vẫn xuất hiện. Chúng ta có những Hồng Việt Dũng, Nguyễn Trung, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Quang Em, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương… Đó là những thế hệ kế tiếp gần đây, thêm nữa là Nguyễn Trường Linh, Đinh Thị Thắm Poong…

Các họa sĩ trẻ hiện nay đang tạo cho mình một xu hướng sáng tác đặc biệt, trộn lẫn chất liệu và phong cách. Họ luôn có những con đường đi mới. Riêng tôi cho rằng nghệ thuật sắp đặt là sự thành công của nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay, và một người làm cho tôi đáng chú ý hiện nay là Thủy Nguyễn. Thủy Nguyễn là một nhà thiết kế nổi tiếng ở Việt Nam, và vừa rồi tôi có xem một tác phẩm sắp đặt của Thủy Nguyễn tại miền Nam nước Pháp, một tác phẩm sắp đặt tạm dịch tên là Cái nhà bạc. Thủy Nguyễn là người đầu tiên có triển lãm sắp đặt tại đây đặt bên cạnh những nghệ sĩ danh tiếng của Pháp.

PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi có hơn 30 năm làm nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương và được sự công nhận của giới mỹ thuật Pháp và toàn thế giới. Ông được mời làm đối tác nhiều bảo tàng lớn trong vai trò nhà nghiên cứu chuyên sâu mỹ thuật Đông Dương và được mời thẩm định tranh cho các cuộc đấu giá uy tín tại Pháp, châu Âu và Hồng Kông (Trung Quốc) …

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu