Nguyễn Thị Đạo Tĩnh - Con chim xanh trên cánh đồng cỏ hoang

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Nguyễn Thị Đạo Tĩnh là một gương mặt thơ đáng kể trong số những nhà thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV: 

 Năm, mười, mười lăm, hai mươi

em mỏi mòn đi tìm

năm năm đợi

mười năm đợi

hai mươi năm ngóng đợi…

Bằn bặt sân trăng từ đấy

đi hết một vòng đời

trò chơi vẫn chưa xong…

Đó là lần đầu tiên tôi nghe nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh đọc thơ, một bài thơ  khắc khoải về cuộc trốn tìm của những kẻ dự phần vào tình yêu. Người đàn ông trong vai người đi trốn, trốn quá kỹ trở thành biệt tăm. Người phụ nữ trong vai người đi tìm,  tìm hoài, đợi hoài, đợi hết cả cuộc đời mà trò chơi chưa kết thúc. Tôi vẫn nhớ giọng đọc thơ của bà lúc ấy, nhỏ nhẹ, đủ nghe. Từng câu thơ da diết thoát ra từ tâm trí. Đến đoạn cuối, bà đưa tay đặt lên ngực trái. Một cảm giác đau nhói trong tôi.

Nguyễn Thị Đạo Tĩnh - Con chim xanh trên cánh đồng cỏ hoang - ảnh 1 Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh

Nguyễn Thị Đạo Tĩnh thuộc thế hệ các nhà thơ 5X trưởng thảnh trong kháng chiến chống Mỹ, thơ vẫn mang nét truyền thống như các đàn chị thế hệ 4X nhưng bắt đầu tung tẩy hơn, thoải mái hơn và cũng cứng cỏi hơn trong giọng điệu, nhịp điệu.

Bằng chứng là bà luôn đằm thắm với thể lục bát, nhẹ nhõm với thể thơ 5 chữ 6 chữ, đầy nhạc tính với thơ 7 chữ, 8 chữ, song vẫn mở ra linh hoạt với thơ tự do, thơ văn xuôi, đôi lúc lại nghiêm nhặt khép lòng trong vài dòng ngắn ngủi.

Theo nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, nhịp điệu tâm hồn sẽ dẫn nhà thơ đến những lựa chọn hình thức, hoặc thơ vần điệu trong đó có lục bát, hoặc thơ tự do. Mỗi thể loại có sự thú vị riêng.Thơ lục bát có cái hay riêng của thơ lục bát, song cũng có những lúc mình cần phải phá cách hơn, nhịp điệu không cần phải trơn tru. Những khi thể hiện sự trắc trở, khắc khoải thì người ta có thể dùng thơ tự do, và tôi thấy thơ tự do giúp biểu đạt rất tốt đối với cảm xúc và tâm trạng của người viết. Lúc này dồn dập, lúc khác có thể khoan nhặt. Có khi người ta sẽ viết những đoạn rất dài, không sử dụng dấu câu, nhưng cũng có khi chỉ có một chữ, hai chữ. Tôi nghĩ đối với người viết thì ai cũng thế, sẽ tìm được một hình thức phù hợp để diễn đạt cảm xúc của mình”.

Nguyễn Thị Đạo Tĩnh viết không nhiều. Có lẽ lúc sung sức nhất, giàu cảm hứng nhất, bà vẫn không lạm dụng chữ. Thơ ùa ra khi năng lượng chữ đã đủ đầy, thậm chí cần giải phóng, để bớt đi những bộn bề, bớt đi niềm đau:

“Tháng bảy

 ngày rằm

 nơi Cửa Phật

những chiếc lồng tre

nhốt đầy sẻ đồng

Người đi lễ Chùa

mở lòng

tích đức

ba nghìn đồng một con

ba nghìn đồng

cho một lần làm phúc

bầy sẻ đồng

tíu tít

bay đi

dưới gốc đại

từ bi

không chạy được

những chiếc lồng

lim dim ngủ mê

Tôi đưa tay lên ngực

nơi con tim bị lưu đày

            ô hay

                sao không ai

                       phóng sinh!

Làm thơ để phóng sinh con tim bị lưu đày – Đó phải chăng cũng là một phần thuộc về ẩn ức của người sáng tác, trong đó có Nguyễn Thị Đạo Tĩnh. Bà vốn kín tiếng, nhưng những ai sống cùng thời và thân thiết với bà đều biết ít nhiều về mối tình sâu nặng mà bà đã dành hết thời tuổi trẻ để hướng về, chờ đợi, cả tin, rồi thất vọng “đi hết một vòng đời/ trò chơi vẫn chưa xong”. Và có lẽ, chính cái trò chơi trốn tìm dang dở ấy đã đưa bà đến với thơ, dùng thơ để phóng sinh trái tim, nặn cho nỗi đau thoát hết ra để tái tạo sinh lực, rồi lại nhận về nỗi đau, lại ngụp lặn trong mê man cơn sốt:

“Chao ơi nếu được về chốn cũ

 em sẽ lại đi tìm

 sẽ lại yêu anh

 nghẹn ngào đắng chát…”

Đâu chỉ là thơ. Đó còn tiếng nấc nghẹn trong nhói đau lồng ngực, là nước mắt hòa vào dòng chữ run rẩy chát đắng nhưng vẫn chưa thôi niềm hy vọng. Dại khờ quá chăng? Nông nổi quá chăng? Không phải. Người phụ nữ ấy đã mất quá nhiều thời gian để trải nghiệm, để thấm thía những cả tin. Người phụ nữ ấy đã có bao nhiêu đêm “nửa giường nửa chiếu nửa chăn/ hoang vu nửa phần trái đất”, từng cặm cụi  “vá lại đời mình/ vá lại bóng đêm đã hai mươi năm/ rách từng mảnh trống”, từng không dám ngả lưng vì sợ đè vào, sợ làm đau chiếc bóng vốn cô đơn của mình, hẳn bà quá thấm thía nỗi đau, đau đến tê dại, đau đến mức nhận ra tình thế hiểm nguy của mình, rằng nếu cố dấn thêm bước nữa sẽ sa vào vực thẳm.

Nguyễn Thị Đạo Tĩnh - Con chim xanh trên cánh đồng cỏ hoang - ảnh 2Một tập thơ đã được xuất bản của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh 

Nhà thơ Nguyễn Thị  Đạo Tĩnh thường tâm niệm: “Phụ nữ có những điều rất tuyệt vời, với thiên chức cao cả, đặc biệt là đức hy sinh. Đối với người phụ nữ Việt Nam thì đức hy sinh lại càng lớn. Họ sống vì người khác, ít khi nghĩ đến bản thân mình. Vì thế trong cuộc đời đôi lúc phải chịu những thiệt thòi, bất hạnh”

Nhiều khắc khoải cô đơn, nhưng trong thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh chưa bao giờ thôi niềm khát khao hạnh phúc, khiến người phụ nữ trong thơ bà chấp nhận cả những cảm giác “cứ vờ như vẫn có anh”, “vờ đang bên anh rảo bước” để nhìn đời, để thu nhận từ đời sống những sắc màu đẹp đẽ của nó.

“Hoa cúc sẽ chẳng vàng nếu không có mùa thu – nhưng cũng vì mùa thu mà tàn lụi

Anh đến cho em quá nhiều nông nổi – khi anh đi tất cả vẫn tràn đầy

Em – người đàn bà được sinh ra từ những đám mây”

Người đàn bà được sinh ra từ những đám mây sẽ chẳng thuộc về nơi nào cố định, có thể lơ lửng ở tầng thấp, có thể ở trên cao, rồi ngày nào đó tan thành nước. Biết thế và chấp nhận sống đúng với con người mình, như những đóa quỳ vàng “vắt kiệt mình trong cơn khát đam mê”, rực cháy một miền biên ải “gió và mưa chẳng thể nào tắt được/ cái màu tươi nguyên sơ”. Nguyễn Thị Đạo Tĩnh cũng viết về hoa hồng, nhưng bà viết nhiều hơn và viết hay hơn về hoa dại, những loài hoa “chẳng cần phải đắn đo/ nở cho ai/ nở để làm gì/ chọn cách nở ra sao/ chọn màu sắc ra sao/ để làm vui lòng người khác” mà cứ cần mẫn, nhiệt thành bung tỏa hết những gì mình có giữa đất trời bao la khoáng đạt, giữa nắng gió nhiệt thành nồng nã.

Nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh tâm sự: “Không biết có chủ quan hay không, nhưng tôi cho rằng phụ nữ luôn nhạy cảm trong mọi vấn đề. Nỗi buồn, nỗi bất hạnh thì nam giới cũng có, nhưng thường người ta dễ cho qua, và người ta sẽ đi tìm cái khác để giải tỏa. Còn đối với phụ nữ thì bao giờ cũng sâu sắc hơn, ngấm hơn. Nên người ta hoặc là chịu đựng, âm thầm chịu đựng, hoặc là tìm nơi chia sẻ, như với người có chút năng khiếu viết lách thì sẽ gửi gắm nó qua trang viết, bằng thơ, bằng văn. Tôi nghĩ rằng muôn đời thì phụ nữ cũng có những đặc thù riêng, đa đoan hơn trong cuộc sống”

 Người phụ nữ trong thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh hơn một lần ao ước muốn được hòa vào làm một nhánh dại không tên, để tự do bừng nở, không phải e ngại, không phải né tránh, không phải chiều theo lý lẽ người đời, dẫu biết sống như thế sẽ nhận về không ít thiệt thòi. Bà lặng lẽ đi từ nỗi đau của chính mình để cảm nhận những miền đau khác, nỗi đau của thân phận đàn bà vì chờ đợi mà hóa đá, vì chiến tranh mà mất mát lỡ dở, vì cuộc đời xô giạt mà đói nghèo vất vả, vì thất vọng mà trở thành cô độc... Không chạm đến vấn đề to tát, không tuyên ngôn, không thời thượng, mỗi tứ thơ của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh gieo từng giọt nước mát lành, thấm vào lòng đất để từ đó góp phần tạo sinh mạch nước ngầm, kết nối với những dòng suối dòng sông làm tươi xanh sự sống.

“Trên cánh đồng tình yêu của anh

Người ta đã hái lượm và mang đi

Những gì có thể

Chỉ còn lại

Bời bời gốc rạ

Bời bời bão gió

Bời bời cỏ hoang…

Con chim xanh vẫn cặm cụi mót từng hạt nhỏ…”

Nguyễn Thị Đạo Tĩnh là thế. Dù bời bời bão gió, bà vẫn là con chim xanh trên cánh đồng cỏ hoang, cặm cụi nhặt từng hạt nhỏ, và hát lên khúc ca về tình yêu sự sống, góp phần tái sinh nhân gian này

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu