Nghệ thuật- chất xúc tác tuyệt vời trong hòa giải và kết nối thân thiện

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -Bởi, văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung có thể xóa bỏ mọi hận thù, mọi khoảng cách để đi tìm sự kết nối thân thiện giữa hai dân tộc.

Ngoài khả năng làm cho cuộc sống thi vị hơn, nghệ thuật còn có sức mạnh vô cùng độc đáo, giúp thu hẹp bất đồng, khoảng cách để đưa con người đến gần nhau hơn. Nghệ thuật còn giúp xoa dịu những vết thương, sự ám ảnh và nỗi đau tinh thần. Bằng cách riêng của mình, nhiều nghệ sĩ Việt Nam và Hoa Kỳ đang dùng nghệ thuật để hàn gắn quan hệ, hòa giải và thấu hiểu nhằm hướng đến những thay đổi tích cực.

Không nhớ chính xác bao nhiêu lần đến Việt Nam kể từ năm 1987, ông David Thomas - cựu binh Mỹ, đã trở nên gắn bó với đất nước và con người nơi đây. Vượt qua ký ức của một người lính từng tham chiến tại Pleiku thập kỷ 1960-1970, ông đã dùng hội họa và văn chương để viết lên nhiều câu chuyện đầy dung di và ý nghĩa. Sáng lập Hiệp hội nghệ thuật Đông Dương- nơi đang giúp đỡ nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam khởi nghiệp, David Thomas chính là người Mỹ đầu tiên tổ chức cuộc triển lãm mỹ thuật gây tiếng vang “Nhìn từ hai phía” dành cho 40 họa sĩ hai nước. Người cựu binh mắc căn bệnh Parkinson- di chứng da cam này tâm sự, những nỗi đau của không chỉ ông mà còn biết bao người Việt và người Mỹ đang phải chịu đựng, đã thôi thúc ông có những dự án nghệ thuật nhân văn về đề tài chiến tranh:

Nghệ thuật- chất xúc tác tuyệt vời trong hòa giải và kết nối thân thiện - ảnh 1Cựu binh người Mỹ Thomas Davis: Nghệ thuật như một xúc tác tuyệt vời
trong hàn gắn và hòa giải. 

 “Bản thân cũng là một nghệ sĩ, tôi tin rằng nghệ thuật chính là cách giúp hàn gắn, kết nối, hòa giải. tôi từng ấn tượng với một bức tranh của một họa sĩ tên Dung. Chị vẽ một bức tranh về một phụ nữ Việt Nam đang trong quá trình trở dạ. Những đau đớn, khó khăn mà chị trải qua nhưng rồi sinh ra một em bé không lành lặn. Tôi xúc động nhận ra rằng, vấn đề của Hoa Kỳ không thấm vào đâu so với Việt Nam, quốc gia phải chịu hàng chục năm chiến tranh. Điều đó thôi thúc tôi phải hành động để sửa chữa phần nào những gì gọi là sai lầm do chiến tranh gây ra. Tôi nhận ra rằng, nghệ thuật có thể làm tốt được điều đó. Ông chia sẻ,

Không biết đến cuộc chiến thảm khốc như cựu binh David Thomas, nữ nghệ sĩ Suzanne Letcht chọn hội họa đương đại để kể câu chuyện về Việt Nam và thế giới. Không gian của Art Viet Nam Gallery ở Hà Nội hiện là nơi hỗ trợ nhiều họa sĩ Việt tài năng hình thành tố chất ngôn ngữ riêng và đạt được thành công. Nói về những tác phẩm về chiến tranh, người nghệ sĩ có gần 25 năm nặng lòng cho nền nghệ thuật đương đại Việt Nam luôn tin rằng, hội họa đang làm đúng vai trò sứ giả của hàn gắn và hòa bình.

Nghệ thuật- chất xúc tác tuyệt vời trong hòa giải và kết nối thân thiện - ảnh 2Hội họa đương đại Việt Nam trở thành duyên nợ đối với nghệ sĩ Susanne Letch kể từ năm 1994

Bà Suzanne Letch nói “Lý do tôi gắn bó với Việt Nam từ năm 1994 sau khi tôi bị thu hút bởi những hình ảnh các tác phẩm của một nhóm 5 nghệ sĩ Gangs five of Việt Nam. Là một thế hệ sinh ra cùng thời kỳ xảy ra chiến tranh Việt Nam nhưng tôi không có kiến thức gì  liên quan về cuộc chiến ở Việt Nam. Và nghệ thuật đã đưa tôi đến đây, cho tôi biết nhiều hơn những gì đã và đang xảy ra Việt Nam. Tôi may mắn khi được sống ở Hà Nội và làm việc với nhiều nghệ sĩ tuyệt vời của Việt Nam”.

Sinh ra sau khi cuộc chiến đã lùi xa, nghệ sĩ trẻ Nhung Walsh - việt kiều Mỹ cũng quan tâm đến lịch sử nước nhà. Mặc dù góc nhìn về cuộc chiến của cô có khác với thế hệ cha ông nhưng điểm chung không thể phủ nhận của họ rằng chiến tranh “không phải trò đùa”.

Nghệ thuật- chất xúc tác tuyệt vời trong hòa giải và kết nối thân thiện - ảnh 3Nhung Waslh ( thứ 2 từ trái) và các nghệ sĩ Hoa Kỳ và Việt Nam tại một tọa đàm về vai trò của nghệ thuật trong hòa giải và thay đổi. 

Sử dụng nghệ thuật sắp đặt hình tượng, Nhung Walsh đã tạo ra một không gian đủ sức tương tác, gợi cảm xúc, đọng lại trong ký ức người xem: “Đã rất nhiều bài báo, công trình học thuật từ hàng chục năm nay  nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của chiến tranh rồi nhưng vấn đề về ký ức chiến tranh chưa được đề cập nhiều đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Vì thế, tôi tập trung vào một góc nhìn của những nghệ sĩ trẻ Việt Nam, nhìn nhận về chiến tranh theo hiểu biết của họ đồng thời so sánh góc nhìn này với những người trẻ đồng lứa sống ở nước ngoài. Đó cũng là cả hai phía nhìn về lịch sử chiến tranh Việt Nam, để qua đó cũng có đối chiếu xem thế hệ trẻ tiếp nhận di sản của quá khứ này bằng cách nào”.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý thậm chí những quan điểm trái ngược, nghệ thuât có sức mạnh kỳ diệu kết nối và dung hòa. Nhà phê bình văn học, dịch giả Phạm Xuân Nguyên từng là cựu chiến binh quân đội nhưng khác chiến tuyến với David Thomas. Cả hai ngày xưa là đối đầu nhau thì nay ngồi lại, nói với nhau về thơ ca, về nghệ thuật.

Nghệ thuật- chất xúc tác tuyệt vời trong hòa giải và kết nối thân thiện - ảnh 4Tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh
được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ảnh Gacsach

Theo dịch giả Phạm Xuân Nguyên nếu như âm nhạc, hội họa thể hiện cách nhìn cuộc chiến bằng phi ngôn ngữ, trừu tượng thì văn chương lại có cách diễn đạt thực tế và nhân sinh quan hơn: “Năm 1997, tôi có tham gia dịch một tác phẩm thơ của các cựu chiến binh Mỹ viết về chiến tranh ở Việt Nam. Đứng về góc độ văn học, tôi rất muốn tìm hiểu ở phía bên kia họ viết như thế nào về chiến tranh cũng như muốn biết góc nhìn của người lính Mỹ. Còn ở Việt Nam, tôi biết một tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, được dịch ra tiếng Anh năm 1994 và đến nay đã đi khắp thế giới. Nó được nhiều nhà văn cựu binh Mỹ tìm đọc và muốn đến Việt Nam gặp nhà văn Bảo Ninh. Tôi nghĩ vì họ thấy rằng, cuốn sách viết về chiến tranh này không mang theo một định nghĩa nào kiểu như phi nghĩa hay chính nghĩa. Và cũng như những ngòi bút chung, các quyển sách về chiến tranh nhưng thực chất không phải bao giờ cũng viết về khói bom đạn nổ, mưu lược quân sự... mà rốt cuộc viết về trái tim con người. Chính điều đó đã nhận được sự đồng cảm của tất cả những ai từng tham gia và biết về cuộc chiến.”

Nghệ thuật- chất xúc tác tuyệt vời trong hòa giải và kết nối thân thiện - ảnh 5Giao lưu nghệ thuật giữa hải quân Hoa Kỳ và thanh niên Đà Nẵng. 

Dịch giả Phạm Xuân Nguyên chia sẻ ông muốn có nhiều hơn những cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ, dich giả, nghệ sĩ Việt Nam và Hoa Kỳ để hai bên nhìn nhau như một dân tộc có văn hóa, có lịch sử, có những gì tốt đẹp khác chứ không chỉ nhìn nhau thông qua một cuộc chiến. Bởi, văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung có thể xóa bỏ mọi hận thù, mọi khoảng cách để đi tìm sự kết nối thân thiện giữa hai dân tộc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu