Ngày Tết đi xem triển lãm “Tiễn Hợi đón Tý“

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là năm thứ sáu liên tiếp các họa sĩ G39 tổ chức triển lãm tranh con giáp chào năm mới. 

Đã thành thông lệ hàng năm, cứ mỗi khi Tết đến, xuân về,  nhóm họa sĩ G39 đều tổ chức triển lãm tiễn năm cũ và đón chào một năm mới. Năm nào thì vẽ về con giống năm đó, cũng chính vì thế triển lãm Tiễn Hợi Đón Tý là triển lãm cuối cùng trong năm Hợi của nhóm G39. Đây là năm thứ sáu liên tiếp các họa sĩ G39 tổ chức triển lãm tranh con giáp chào năm mới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ngày Tết đi xem triển lãm “Tiễn Hợi đón Tý“ - ảnh 1

Tý  là 1 trong 12 con vật biểu tượng của vòng tuần hoàn thập nhị địa chi Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Những con vật này là một đề tài quen thuộc. Phần lớn các họa sỹ đều đã vẽ, người ít, kẻ nhiều. Ở lớp các họa sỹ bậc thầy có Nguyễn Tư Nghiêm là người vẽ nhiều, vẽ đều và đủ cả 12 con giáp. Trên thực tế, đề tài nào cũng hay nhưng mỗi người đều có một tạng đề tài của mình, “một khoảng hiện thực” mà mình yêu nhất. Người thì thích vẽ về miền núi, người thì thích vẽ cuộc sống thành thị…Đề tài con giống được nhiều họa sỹ quan tâm hơn có lẽ vì tính chất đặc biệt của nó.

Riêng nhóm G39, theo họa sỹ Lê Thiết Cương, đó cũng là một cái cớ hay, gợi cảm, gợi hứng cho tâm trạng giao niên, năm hết Tết đến, tiễn cũ đón mới. Đó cũng là một tục lệ đẹp của các họa sỹ mà chưa chắc các loại hình nghệ thuật khác đã dễ gì có được: "Bạn đi hỏi 1000 người thì tôi chắc chắn 1000 người không ai thích con chuột, nhưng ở đây mình hiểu con chuột là con giáp, là con giống biểu tượng của 1 năm cho nên chúng tôi mới đưa ý tưởng này vào cuộc triển lãm. Nó vừa là may mắn vừa là phúc vừa là lộc vừa là thọ, và tất cả những gì mà các bạn hình dung vì nó là biểu tượng. Trong 12 con giáp thì con chuột rất khó vẽ. Và trong mỹ thuật truyền thống thì con chuột xuất hiện cũng rất là ít, may ra trong tranh dân gian Đông Hồ, còn tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và Làng Sình không có. Tuy nhiên, với chúng tôi không có nghĩa tiễn năm cũ đón năm mới chỉ vẽ con chuột mà còn có thể vẽ hoa và lồng trong đó hình ảnh chuột…"

Ngày Tết đi xem triển lãm “Tiễn Hợi đón Tý“ - ảnh 2

Lấy chuột làm biểu tượng, các họa sĩ mỗi người mỗi vẻ, mỗi kiểu Tý riêng cho mình. Riêng mà chung. Chung nhưng riêng. Nhưng đều sáng tạo. Nếu các họa sĩ Bình Nhi, Lâm Đức Mạnh, Nguyễn Quốc Thắng…say sưa với các bình hoa ngày Tết sặc sỡ bên những hình chú chuột như các nhân vật cùng hòa vào cái vui đón xuân, thì các họa sĩ khác lại thể hiện trực diện hình các chú chuột với nhiều kiểu dáng và chất liệu khác nhau.

Nữ họa sĩ trẻ Lê Vi gây gấn tượng với 3 bức tranh chất liệu màu nước với những chú chuột con xinh xắn, ngộ nghĩnh, đáng yêu: "Chất liệu màu nước là chất liệu phổ thông, được nhiều họa sỹ sử dụng, bởi vì tranh màu nước dễ chuyển tải được sự sinh động, và khi mọi người nhìn vào sẽ thấy thiện cảm. Tôi có rất nhiều cảm hứng về tranh con chuột. Và tranh con chuột thì thể hiện dễ nhất và gần gũi nhất với con người. Tôi không cách điệu quá nhiều về con chuột mà để nguyên hình ảnh của nó, cố gắng thể hiện theo lối vẽ mực nho, có những độ loang nhất định, tạo ra hiệu ứng gần gũi, thân thiện và dễ thương. Cách thể hiện và tạo hình của con chuột nó gần gũi và giống người nhất, nó thể hiện được nhiều thần thái…"

Là người yêu quan họ, họa sĩ Đỗ Dũng đã cách điệu hình ảnh con chuột uyển chuyển thành liền chị quan họ áo tứ thân nón quai thao tạo dáng bên đình. Còn họa sĩ Bình Nhi, tạo hình chuột vàng không rõ nét như thể mời gọi người xem tùy ý cùng nhau hình dung, tưởng tượng và kể tiếp câu chuyện theo cách nghĩ của mình. Riêng họa sĩ Tào Linh lại thể hiện chuột vàng theo cách rất riêng, ấn tượng và độc đáo. Anh cho biết, hầu như họa sỹ nào đến dịp Tết cũng muốn vẽ tranh con giáp. Có người vẽ như thật, có người lấy cảm hứng từ hình tượng tranh dân gian.

Ví dụ năm ngoái các họa sĩ lấy cảm hứng từ con lợn Kim Hoàng, còn năm nay phần lớn lại vẽ con chuột trong tranh Đông Hồ. Cả hai cách ấy, họa sĩ Tào Linh không thích mà anh cố gắng nghĩ ra con chuột mang dấu ấn cá nhân mình, và khi người xem thưởng thức tranh họ sẽ nhận ra bản thân họa sĩ trong đó. Bởi, cái riêng trong sáng tạo là một yêu cầu bức thiết đối với mỗi người nghệ sỹ: "Tôi phải suy nghĩ rất nhiều khi thể hiện hình tượng con chuột, bởi con chuột biểu tượng cho sự sung túc thịnh vượng ở trong văn hóa phương Đông. Nhưng hầu như ai cũng sợ chuột, cho nên nếu như vẽ tả thật một con chuột thì không ai thích, tôi đã tìm ra hình tượng con chuột lập thể. Lối vẽ tối giản, tức là tinh nhất, nhưng người ta vẫn nhận ra đó là con chuột, và đó là Tào Linh. Màu sắc, bố cục mang lại cảm xúc tích cực, vui vẻ".       

Ngoài tranh vẽ trên chất liệu sơn dầu, sơn mài, bột màu, giấy dó, acrylic, tổng hợp, triển lãm còn có các tác phẩm gốm Bát Tràng và Hương Canh. Ở đó, hình ảnh con giáp đầu tiên trong 12 con giáp được thể hiện với nhiều nét cách điệu, biến hóa sinh động. Hình ảnh đó có trên bình hoa, lọ gốm hay đĩa gốm qua những họa tiết tỉ mỉ trang trí hình con chuột.

Riêng nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Quang , làng gốm Hương Canh-Vĩnh Phúc lại mang tới triển lãm những con chuột vàng ngộ nghĩnh làm từ chất liệu gốm nung màu tự nhiên: “Chuột vàng tôi làm theo phong cách tối giản, nhưng vẫn phải toát lên tinh thần của con Tý. Tôi lấy ý tưởng từ hạt gạo để làm chuột gạo. Nhưng tạo hình con chuột hơi khó khăn và phải làm sao đưa được cái hay của người nghệ sỹ vào trong tác phẩm của mình là do cách nhìn nhận của mỗi người. Với tôi con chuột làm sao phải được yêu, được trân trọng. Bản thân tôi là một họa sỹ điêu khắc nên cái cách tạo hình của tôi chủ yếu tôi tạo khối nhiều, bởi khi làm điêu khắc thì nó là không gian 4D, chứ không dừng ở không gian 3D nữa “

Khách đến tham quan triển lãm vừa thưởng thức tranh vừa đắm chìm trong những giai điệu sôi động của rock do các anh chị em nghệ sĩ thân thiết của nhóm G39 trực tiếp biểu diễn. Điều đó tạo nên bầu không khí sôi động, náo nhiệt cho “Tiễn Hợi đón Tý” và mong một năm Canh Tý an lành.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu