“Ngàn năm mây trắng” – Sự hòa quyện của nghệ thuật sân khấu truyền thống

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Vở kịch được giàn dựng và ra mắt khán giả với sự kết hợp độc đáo của 4 loại hình nghệ thuật dân gian: ca Huế, hát xẩm, chèo và cải lương.

Lấy cảm hứng từ nàng Tô Thị - người phụ nữ chờ chồng hóa đá nơi biên ải, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ viết nên kịch bản văn học tác phẩm “Ngàn năm mây trắng”. Vở kịch được giàn dựng và ra mắt khán giả với sự kết hợp độc đáo của 4 loại hình nghệ thuật dân gian: ca Huế, hát xẩm, chèo và cải lương. Thưởng thức vở ca kịch này, khán giả như được đắm chìm trong những miền văn hóa đậm hồn Việt.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

“Ngàn năm mây trắng” – Sự hòa quyện của nghệ thuật sân khấu truyền thống - ảnh 1

“Ngàn năm mây trắng” do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam viết kịch bản văn học, Nghệ sỹ Hoàng Song Việt và Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan chuyển thể kịch hát. Tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết tác phẩm này xuất phát từ cảm hứng các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về hòn vọng phu, về nàng Tô Thị bế con đi tìm chồng, ca ngợi tấm lòng thủy chung, nhân ái của người phụ nữ Việt Nam.

“Ngàn năm mây trắng” – Sự hòa quyện của nghệ thuật sân khấu truyền thống - ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ cho biết: "Nàng Tô Thị là hình tượng do dân gian thêu dệt, áp vào khối đá đó một số phận, một tên tuổi. Nhưng khối đá đó đứng ở nơi địa đầu của Tổ quốc, khiến người ta nghĩ đến chinh phụ, chinh phu. Tôi nghĩ rằng khối đá mẹ bồng con ở nơi địa đầu Tổ quốc chính là nơi người vợ chờ chồng đi chiến trận, đi bảo vệ biên cương của Tổ quốc".     

“Ngàn năm mây trắng” – Sự hòa quyện của nghệ thuật sân khấu truyền thống - ảnh 3 PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và cũng là tác giả kịch bản, trong buổi tổng duyệt. - Ảnh: Hà Phương/VOV

“Ngàn năm mây trắng” thu hút khản giả ngay từ những giây phút mở màn với giọng hát ru con da diết và đầy yêu thương của nàng Tô Thị. Ẩn trong lời ru đó là nỗi niềm khắc khoải mong ngóng người chồng đi xa của người chinh phụ. Thế nên  khi nghe tin chồng đã hy sinh nơi chiến trận, nàng Tô Thị, với niềm tin son sắt chồng vẫn còn sống, vẫn còn ở nơi nào đó, nơi non thẳm, núi cao chưa thể hồi hương, đã quyết định ôm con, băng rừng, vượt suối tìm lang quân. Và hành trình đó đã tạo nên không gian nghệ thuật để các nghệ sỹ sáng tạo.

Chị Trần Thị Thu Hoài, khản giả tại Hà Nội, chia sẻ: "Nếu như theo dân gian, nàng Tô Thị sau khi biết chồng đi chinh chiến không trở về, nàng đã bế con và khắc khoải chờ chồng. Tuy nhiên, ở tác phẩm này, tác giả ngay từ sự sáng tạo đầu tiên đã tạo tiền đề để nối tiếp các sự sáng tạo tuôn chảy với một niềm tin và tình yêu mãnh liệt rằng chồng mình chưa chết, chồng mình vẫn còn ở đâu đó. Chính trong hành trình đi tìm chồng, nàng đã gặp rất nhiều con người, ở nhiều vùng miền, những vùng văn hóa khác nhau. Gặp bất cứ người nào nàng cũng t hỏi về tung tích người chồng. Mỗi câu trả lời được đưa ra dưới dạng hình thức nghệ thuật dân gian, từ ca cải lương, chèo, hát xẩm và cuối cùng là hát văn Huế".

“Ngàn năm mây trắng” – Sự hòa quyện của nghệ thuật sân khấu truyền thống - ảnh 4 Hình ảnh nàng Tô Thị trong vở kịch. - Ảnh: Hà Phương/VOV

Không chỉ hấp dẫn về nội dung, vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” còn ấn tượng với khán giả khi kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn Huế. Bằng kinh nghiệm của mình, 2 đạo diễn của vở kịch là Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan và Nghệ sỹ ưu tú Triệu Trung Kiên đã có những cách kết hợp sáng tạo, thể hiện được hết những nét đặc sắc nhất của những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam trên hành trình đi tìm chồng của nàng Tô Thị, qua đó tái hiện chân dung của chồng nàng – Trần Khôi, và những nét văn hóa đặc sắc trên mỗi vùng đất mà nàng đặt chân tới.

“Ngàn năm mây trắng” – Sự hòa quyện của nghệ thuật sân khấu truyền thống - ảnh 5

Nghệ sỹ Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc nhà hát Cải Lương Việt Nam, đạo diễn vở kịch, cho biết: "Chúng tôi phải tính toán rất kỹ xem gối những lớp làm sao để cho vở kịch thật mượt mà, không gây cảm giác về sự ghép nối cho người xem. Chúng tôi đã vận dụng những điểm chung ấy để tạo nên 1 câu chuyện thông suốt. Chỉ trong 1 tiếng 30 phút, công chúng đã có thể chứng kiến nét đẹp của 4 loại hình nghệ thuật cùng 1 lúc, trong cùng 1 cốt truyện. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự thú vị cho người xem".

Cùng với sự độc đáo về nghệ thuật, sân khấu của vở diễn cũng được đầu tư kỹ lưỡng khi hội tụ những công nghệ mới nhất trong trình diễn, như công nghệ 3D tạo nên một không gian nghệ thuật đẹp huyền ảo, lung linh… truyền tải được cảm xúc tới người xem. Khán giả như được hiện diện cùng nàng Tô Thị trong hành trình đi tìm chồng, từ rừng già, đến suối sâu… Khán giả Lê Thị Bích Hồng bày tỏ: "Vở kịch hát này rất xúc động, hội tụ rất nhiều các loại hình nghệ thuật. Đó chính là sự hội tụ để tôn vinh cái đẹp trong một vở kịch. Lần đầu tiên tôi thấy một sự phối hợp khá ăn ý. Một cái đẹp của người phụ nữ, sự thủy chung, và cái đẹp ấy được đẩy cao lên nhờ các loại hình nghệ thuật".

Với thời lượng 90 phút, “Ngàn năm mây trắng” có sự tham gia của hơn 60 nghệ sỹ của Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, cùng một số diễn viên và dàn nhạc dân tộc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. “Ngàn măn mây trắng” chính là sự thể nghiệm xứng đáng cho những ai luôn khát khao kiếm tìm sự mới mẻ, sáng tạo trong nghệ thuật.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu