Nếu không có dịch thuật, không thể có giao lưu văn hóa

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Dịch thuật, từ ngàn xưa, đã luôn mang đến một nhịp cầu hiểu biết hơn giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác. 

Dịch thuật, từ ngàn xưa, đã luôn mang đến một nhịp cầu hiểu biết hơn giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác. Nhưng có một câu chuyện luôn nóng tại các hội thảo văn học hay dẫn lại trên các mặt báo, khi các nhà dịch thuật đưa ra những quan niệm khác nhau về dịch văn học.

Nếu không có dịch thuật, không thể có giao lưu văn hóa  - ảnh 1 Đại diện các dịch giả của Dự án dịch và xuất bản các tác phẩm văn học kinh điển Nga sang tiếng Việt và các kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga cùng Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, trong buổi ra mắt 4 tác phẩm dịch mới tháng 8/2017. - Ảnh: Báo Nhân Dân

Những câu chuyện sống thêm vòng sống mới

Dịch giả Trịnh Lữ, người nhiều năm bền bỉ với những tác phẩm văn học nổi tiếng từ Anh ngữ sang tiếng Việt nhận xét: Nếu như không có dịch thuật thì không thể nào có giao lưu văn hóa. Và một bản dịch theo ông, quan trọng ở chỗ là, người dịch giả kể lại được câu chuyện đấy bằng tiếng mẹ đẻ của anh ta.

“Tôi quan niệm về mặt dịch thuật có cái hay: Nếu như xét về mặt lịch sử thì từ xưa, những dạng được nhân loại dịch đều là Kinh cả, Kinh thiêng: Kinh Thánh, Kinh Phật… Mà dạo ấy người ta dịch, người ta coi mỗi chữ đấy đều có hồn vía thiêng liêng của nó, thành ra người ta cứ dịch chữ ra chữ. Sau đó thậm chí người ta lại còn phiên âm tiếng gốc để cho người đọc đọc cái âm đấy thôi. Thí dụ như đến giờ Kinh Phật ở nước mình các cụ vẫn đọc theo kiểu bát nhã ba la mật… thì đấy là phiên âm. Và đã qua phiên âm Hán rồi lại sang Việt thì nó chỉ còn những âm thanh đấy thôi. Nhưng người ta coi đấy là thiêng liêng. Và đấy là điều đầu tiên nhân loại biết thế nào là dịch.

Nếu không có dịch thuật, không thể có giao lưu văn hóa  - ảnh 2Dịch giả Trịnh Lữ - Ảnh: Hoàng Thu Phố/ Báo Đà Nẵng 

Theo dịch giả Trịnh Lữ, dịch văn học khác với dịch những thể loại khác, bởi đó là việc chuyển tải câu chuyện từ một nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, làm sao để câu chuyện đấy sống được ở nền văn hóa mới thì người ta mới hiểu được, chia sẻ cùng nhau, đến được với nhau:

“Cho nên không bao giờ nên nệ chữ cả, mà chỉ cần anh chuyển tải được ý nghĩa của họ, giọng điệu, tinh thần của họ là được. Và như thế phụ thuộc hoàn toàn vào người dịch. Bởi ngay đọc tiếng Việt thôi, hai người cùng đọc 1 tiểu thuyết tiếng Việt cũng mỗi người đã nghe ra một giọng khác nhau, mỗi người đã nghe ra một cách khác nhau rồi.

Đánh giá một bản dịch tốt nhất chỉ có thể xem người đọc đón nhận nó như thế nào, vì mục đích của dịch là cho nguyên tác đấy một cuộc sống mới ở trong nền văn hóa của ngôn ngữ đích, là ngôn ngữ để cho người đọc nơi đấy đọc được. Nên một cuốn tiểu thuyết nguyên tác tiếng Anh nhưng nó có thể có hàng mấy chục cuộc đời khác nhau ở các xã hội khác nhau. Điều đó tôi cho là giá trị và vẻ đẹp của dịch thuật.”

Nếu không có dịch thuật, không thể có giao lưu văn hóa  - ảnh 3 "Bảo tàng ngây thơ" của Orhan Pamuk dịch ra tiếng Việt đã được nhận giải Sách hay 2017.

Dịch giả Giáp Văn Chung, người chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học đình đám của Hungary sang tiếng Việt, nhận xét: “Thỉnh thoảng tôi cũng đọc những tranh cãi về dịch thuật trên báo chí, Thực ra trong tiếng Hung, bản thân chữ “dịch” là “bẻ cong”, tức là dịch thì không thể nào chuyển tải được 100% văn bản gốc hay ý tưởng của tác giả. Bởi vì một văn bản bao giờ cũng phát huy tác dụng cao nhất khi nó song hành với ngôn ngữ một dân tộc – mà ngôn ngữ một dân tộc hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, từ tiếng ru trong nôi. Nên việc chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác có những hạn chế nhất định, có những bức tường mà dịch giả có thể cố gắng đến đâu cũng chưa thể vượt qua.”

Khi tiếp cận một số quan điểm, về vốn từ tiếng Việt không đủ để chuyển ngữ những tinh hoa tư tưởng, văn học của thế giới, dịch giả văn học Ba Lan Nguyễn Văn Thái, cho rằng: “Thực ra không có một ngôn ngữ nào mà không thể chuyển tải được ra tiếng Việt. Vấn đề là người dịch có đủ thông hiểu và quá trình nghiên cứu vấn đề đó sâu đến mức nào.”

Đi trên một lằn ranh mong manh

Theo dịch giả Trịnh Lữ, dịch thuật vẫn phụ thuộc vào đầu tiên và cuối cùng là mục đích: dịch để làm gì. Nếu dịch để phổ biến cho đồng bào mình, cho những người ở xứ của mình được thưởng thức một áng văn chương, thì điều đầu tiên dịch giả nghĩ là đồng bào của mình, làm sao để khi đọc họ cảm thấy cũng thích thú như khi người bản địa đọc tác phẩm văn học gốc, đó mới là giá trị của nghệ thuật:

"Bây giờ người ta cứ kêu Việt hóa nhiều quá, nhưng người ta quên mất rằng mỗi một bản dịch hơi hướng bản Tây thì người ở đây đọc ra sao? Nên nếu dịch ra tiếng Việt, thì tiếng Việt phải giỏi đã. Có một trường phái nữa, một là địa phương hóa hoàn toàn tác phẩm kia, hai là mang văn hóa ngoại lai kia vào văn hóa của mình, thì bản dịch của anh bấy giờ sẽ nửa Tây nửa ta một chút, anh lại phải giải thích rất nhiều những lối nói lúc anh dịch nguyên văn của người kia. Việc đấy dần dần cũng làm phong phú ngôn ngữ bản địa. Nhưng sự phong phú đấy nhiều khi cũng làm loãng ngôn ngữ bản địa đi, pha tạp cái bên ngoài vào."

Chia sẻ kinh nghiệm dịch thuật những tác phẩm văn học từ một trong số những ngôn ngữ khó bậc nhât thế giới là ngôn ngữ Hungary, dịch giả Giáp Văn Chung cho biết, ông luôn đọc kỹ để hiểu ý tưởng của tác giả, và phải tìm cách diễn đạt, xem người Việt trong những hoàn cảnh như vậy diễn đạt như thế nào: “Tôi luôn tôn trọng tỷ lệ nhất định giữa cách diễn đạt của phương Tây với cách diễn đạt của người Việt. Tức là mình không bám hoàn toàn vào văn bản, mà trong nhiều trường hợp nếu dịch đúng như thế người Việt sẽ thấy rất khó hiểu, thì tôi dịch cho thoát ý, không dịch từng từ. Tôi luôn cố gắng những chỗ nào bám sát được văn bản mà không gây khó khăn cho bạn đọc, thì bám sát văn bản. Nhưng có những chỗ nếu dịch sát sẽ khiến  bạn đọc khó tiếp cận thì tôi sẽ tìm một tỷ lệ thích hợp để chuyển ngữ.

Từ ví dụ thực tế như trường hợp Trẫn Tiễn Cao Đăng, một dịch giả giỏi, mà khi dịch một truyện ngắn Mỹ vẫn bị dư luận phản đối, vì văn hóa người Việt "không cho phép" “nói quá tục, quá bậy” như vậy - mặc dù ông dịch chính xác, nhưng có nhiều người đọc không chấp nhận -  dịch giả Giáp Văn Chung tâm sự:

“Việc tìm một tỷ lệ là một lằn ranh rất dễ phá vỡ, dễ làm không đúng về tác giả. Mình cần biết đi trên lằn ranh đó mà không rơi sang phía bên kia là điều rất quan trọng.  Tôi nghĩ dịch giả có tâm và có một chút khả năng (tôi không nói tài vì nó vô cùng), thì phải tìm được lằn ranh đó, phải tìm được giới hạn để không xâm phạm, không phá vỡ ý đồ nghệ thuật của tác giả mà vẫn chuyển tải được tinh thần văn bản hợp với tiếng Việt của mình.

Như dịch giả Trịnh Lữ có lần chia sẻ, để bạn đọc và bạn dịch Việt có thể hiểu hơn về những quan điểm cơ bản về dịch thuật cơ bản trên thế giới, ông tửng chuyển ngữ cuốn “Nhập môn nghiên cứu dịch thuật – lý thuyết và ứng dụng” của Jeremy Munday, nhưng đáng buồn là cuốn sách vào danh sách không bán chạy.

Bao giờ cũng vậy, có lẽ điều kiện không thể thiếu của một dịch giả giỏi là cái phông nền văn hóa của người đó.

Và trong lúc chờ đợi cái nền chất lượng dịch thuật văn học nước ngoài được nâng cao hơn, thì người yêu văn học, vẫn tìm kiếm sách dịch thông qua cầu nối chính, là những dịch giả mà họ thấy tin cậy hơn cả.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu