Một thế hệ làm phim mới đang xuất hiện

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Một thế hệ trẻ có trình độ, có khả năng tương tác với môi trường quốc tế, và đặc biệt có khả năng theo đuổi ngôn ngữ điện ảnh giàu tính cá nhân. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Trong vài năm trở lại đây, điện ảnh nước nhà nhận nhiều tin vui. Tin vui về doanh thu phòng vé. Tin vui về các giải thưởng quốc tế. Tin vui về định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh. Tin vui về những tiến bộ trong kỹ thuật làm phim… Khán giả đang dần đa dạng hơn về thị hiếu, kỹ tính hơn và cũng dành nhiều mối quan tâm hơn cho điện ảnh nước nhà.

Trên nền bối cảnh chung đó, một thế hệ nhà làm phim mới đang dần xuất hiện. Một thế hệ trẻ có trình độ, có khả năng tương tác với môi trường quốc tế, và đặc biệt có khả năng theo đuổi ngôn ngữ điện ảnh giàu tính cá nhân. Thành công của họ sẽ giúp cho điện ảnh nước nhà vươn tầm khu vực và quốc tế.

Một thế hệ làm phim mới đang xuất hiện - ảnh 1Cảnh phim Cu li không bao giờ khóc, đạo diễn Phạm Ngọc Lân.

Gần đây, tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 2, bộ phim "Cu li không bao giờ khóc" của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân vinh dự đoạt giải thưởng phim Châu Á hay nhất. Đây là giải thưởng quan trọng nhất của Liên hoan phim này. Trước đó, "Cu li không bao giờ khóc" đã đoạt giải Phim dài đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 74 (diễn ra vào giữa tháng 2 tại Berlin, Đức). Thông tin này đã làm nức lòng giới làm phim trong nước.

Tại buổi chiếu giao lưu cùng khán giả trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Berlin, đạo diễn Phạm Ngọc Lân cho biết nguồn cảm hứng cho kịch bản "Cu li không bao giờ khóc" xuất phát từ truyền thuyết dân gian và bài hát Thiên thai của nhạc sỹ Văn Cao: "Đấy là câu chuyện về hai người đàn ông khi chán cảnh chiến tranh đã vào trong rừng, ở đó tìm được chốn Thiên Thai. Trong đảo Thiên thai họ đã giành nhiều thời gian với tiên nữ nhưng vẫn không thể tránh khỏi nỗi nhớ quê nhà. Một ngày nọ hai người đàn ông cùng dắt nhau về quê cũ, họ không nhận ra quê cũ nữa, và nhận ra đã cả vài trăm năm trôi qua. Họ muốn về lại đảo tiên nhưng cũng không tìm được lối về. Ngoai ra, còn chia sẻ của tác giả bài hát Thiên thai: ngày xưa chốn Thiên thai là nơi mọi người đều đi tìm kiếm, nhưng đến cuối cùng khi về già thì chợt nhận ra không có chốn Thiên thai nào trên thế giới cả, mà chốn thiên đường đó chính là tuổi trẻ của mình, nhưng kiếm hoài mà mãi vẫn không thể quay về."

Phạm Ngọc Lân sinh năm 1986, từng được biết đến qua một số phim ngắn đoạt giải thưởng quốc tế như “Một thành phố khác”, “Một khu đất tốt”. Ngoài công việc làm phim, anh còn đứng lớp giảng dạy về nghiệp vụ đạo diễn. Song trước khi trở thành nhà làm phim độc lập, anh là một kiến trúc sư chuyên ngành Quy hoạch đô thị.

Lân đến với điện ảnh, tự bồi đắp và nuôi dưỡng đam mê của mình theo cách riêng, lặng lẽ và cũng đầy tự tin. Thành công xuất sắc của anh ở phim dài đầu tay chính là thành quả của quá trình sáng tạo vừa nhẫn nại vừa tràn đầy cảm hứng. Với những ai từng trải qua những thời điểm chưa thành công thành danh, không có gì ngoài một trái tim tuổi trẻ cùng khát vọng sôi sục thì sẽ thấu hiểu những áp lực để vượt qua và trưởng thành, có thành tựu nghệ thuật quả thực là điều không dễ dàng gì. Tố chất và sức bền là điểm tựa để người làm phim từng bước chạm tới thành công.

Cũng tại Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 2, giải thưởng dành cho hạng mục “Đạo diễn xuất sắc” được trao cho Phạm Thiên Ân với phim “Bên trong vỏ kén vàng”.

Một thế hệ làm phim mới đang xuất hiện - ảnh 2Cảnh phim Bên trong vỏ kén vàng, đạo diễn Phạm Thiên Ân

Khác với "Cu li không bao giờ khóc", “Bên trong vỏ kén vàng” đã ra rạp chiếu thương mại và nhận được cảm tình sâu sắc của khán giả. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết đó là một bộ phim mang vẻ đẹp lộng lẫy và tinh tế: "Người làm phim, tố chất ẩn trong con người đấy. Nhiều khi phương tiện chỉ là một phần, du học cũng chỉ là một phần, tôi nghĩ đó là tài năng, bản năng của Phạm Thiên Ân. Sự thấm nhuần văn hóa Việt Nam cũng như tín ngưỡng của bạn ấy mới tạo ra tác phẩm ấy."

Còn nhớ, vào cuối tháng 5 năm ngoái, phim dài đầu tay “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân được vinh danh với giải Camera Vàng tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76. Lần đầu tiên, điện ảnh Việt có một đạo diễn trẻ mang quốc tịch Việt Nam, đứng trên sân khấu của một Liên hoan phim hàng đầu thế giới, chia sẻ bằng tiếng Việt về bộ phim được giải cao nhất ở hạng mục dự thi, chia sẻ ước mơ được tiếp tục làm những bộ phim về quê hương mình. Sau khoảnh khắc thăng hoa ấy, “Bên trong vỏ kén vàng” tiếp tục được trình chiếu cho khán giả quốc tế, được Viện phim Anh bình chọn là một trong những bộ phim xuất sắc của năm, được mua bản quyền phát hành tại Mỹ và mới đây, phim còn lọt vào tầm ngắm của một tạp chí về điện ảnh Mỹ khi dự đoán những ứng cử viên cho giải Oscar 2025 ở hạng mục quay phim xuất sắc.

Trưởng thành qua các liên hoan phim Quốc tế, đi từ phim ngắn đến phim dài đầu tay – đó là con đường mà nhiều nhà làm phim trẻ thế hệ 8x và 9x ở nước ta đang đi. Những bước đi không hề nhanh chóng, dễ dàng bị loại khỏi đường đua nếu không đủ kiên trì và say mê. Song nếu thành công, thì giải thưởng ở các Liên hoan phim lớn chính là chứng chỉ định vị tên tuổi và thương hiệu của họ.

Vị trí của một nền điện ảnh được đánh giá qua những tác phẩm ghi dấu ấn tại các Liên hoan phim Quốc tế uy tín. Và tất nhiên, để những tài năng thêm cơ hội được tỏa sáng trên đấu trường thì rất cần sự hỗ trợ về đào tạo và tài chính từ phía nhà nước.

“Một người lo bằng cả kho người làm”. Những quyết định đúng đắn trong hướng đi và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trong điện ảnh nói riêng, trong nghệ thuật và văn hóa nói chung sẽ luôn được ủng hộ, đem tới giá trị cùng lợi nhuận lớn lao sau này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu