Khúc mưa: Phim truyện của Điện ảnh Quân đội nhân dân về hòa hợp dân tộc

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát"
Khúc mưa: Phim truyện của Điện ảnh Quân đội nhân dân về hòa hợp dân tộc - ảnh 1

“Khúc mưa”- bộ phim truyện do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện vừa ra mắt khán giả, đã khai thác đề tài hậu chiến, tâm lý xã hội, với những uẩn khúc, ám ảnh về ký ức chiến tranh trong quá khứ sẽ mang đến cho người xem cảm xúc lắng đọng về tình người, tình mẫu tử.

Như lời thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát.

Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy.

Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Và cũng cùng ý niệm nỗi đau đó cần phải được hóa giải để hướng tới những giá trị nhân văn, là điều mà Khúc mưa hướng tới. Bộ phim do Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân làm Giám đốc sản xuất; biên kịch: Trung tá Nguyễn Thu Dung; đạo diễn: NSƯT Bùi Tuấn Dũng; với các diễn viên Trương Minh Quốc Thái, Lê Phương, Thanh Hiền, Phạm Anh Dũng, Thu Thủy..

Nhân dịp Khúc mưa đến với khán giả, đạo diễn, NSUT Bùi Tuấn Dũng trả lời phỏng vấn VOV5 về bộ phim.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được biết bộ phim “Khúc mưa” có đề tài hậu chiến - một đề tài không hề dễ làm và không dễ hấp dẫn khán giả hôm nay?
Đạo diễn, NSUT Bùi Tuấn Dũng: Thực ra chúng tôi không có tham vọng tạo ra một bộ phim ăn khách. Tôi đã có một thời gian dài nghiên cứu tâm lý khán giả ngoài rạp. Và có thể thấy khán giả Việt Nam bây giờ rất khác, cực kỳ khó nắm bắt. Tuy nhiên, với một bộ phim nếu mà làm chỉn chu nghiêm túc và có chiều sâu thì chắc chắn sẽ có một lượng khán giả nhất định. Những khán giả thực sự quan tâm đến đề tài của bộ phim thì sẽ tới xem và đón nhận nó thôi. Với Khúc mưa thì điều hấp dẫn của phim này lại không phải từ chiêu trò đạo diễn mà từ vấn đề của phim, từ thủ pháp kể chuyện. Đây là một bộ phim đầu tiên mà Điện ảnh Quân đội đề cập đến vấn đề thuyền nhân và hậu duệ của họ. Những thế hệ lớn lên trên nước Mỹ và chịu ảnh hưởng bởi những tư tưởng mang tính hận thù về việc ra đi trước năm 75, sau năm 75 - những người vẫn gọi là thuyền nhân.

Khúc mưa: Phim truyện của Điện ảnh Quân đội nhân dân về hòa hợp dân tộc - ảnh 2Một cảnh trong phim - Ảnh: ĐPCC

PV: Vậy thì khán giả có thể chờ đón những điều gì đặc biệt nhất ở “Khúc mưa”?

Đạo diễn, NSUT Bùi Tuấn Dũng: Cách đây 10 năm làm phim hấp dẫn khán giả rất dễ, chỉ cần vài chiêu trò đơn giản của đạo diễn khán giả sẽ bị hút vào ngay. Nhưng ngày nay mỗi gia đình đều có thể xem phim hay của mọi thời đại ngay tại nhà. Họ thuộc hết các bài của các nhà làm phim rồi. Chính vì vậy mà ngoài rạp ngày càng có nhiều những bộ phim thảm họa, mà những người làm phim ngây thơ dễ mắc phải. Khái niệm về hấp dẫn ngày nay là cái gì đó rất là khó xác lập. Vì phim hấp dẫn người này nhưng với người kia là rác rưởi, còn có những phim xem kỳ cục khó hiểu sao sao đó với người này thì lại được người kia tấm tắc khen hay. Phim có thể hay với người này mà chưa hay với người kia. Vậy nên tôi luôn luôn có chủ đích và định hướng giai tầng khán giả riêng cho mình. Tôi làm phim thì chẳng phim nào giống phim nào cả. Mỗi một bộ phim đều có chìa khóa riêng cho nó. "Khúc mưa" có một đề tài không ăn khách. Nhưng chúng tôi đã đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc, chiều sâu tư duy và đặc biệt là kết giàu lòng nhân ái, hướng thiện đầy tính nhân văn. Chúng tôi kỳ vọng vào điều đó.

PV: Anh vừa nói tới vấn đề của phim?

Đạo diễn, NSUT Bùi Tuấn Dũng: “Khúc mưa” là bộ phim về sự chia cắt và định kiến, về khoảng cách từ trái tim đến trái tim, về tình mẫu tử, về bi kịch gia đình của một thuyền nhân. Một câu chuyện của hiện tại nhưng có mâu thuẫn khởi nguồn từ năm 1978. Người ở trong nước kẻ ở hải ngoại, sự chia cắt và khoảng cách tạo ra sự hiểu lầm. Và cũng chính điều này tạo ra mâu thuẫn không thể hàn gắn những người trong cùng một gia đình đó. Khoảng cách về địa lý thì dù cách nhau nửa vòng trái đất chỉ cần một chuyến bay là người ta có thể gặp nhau, có thể ôm nhau, bắt tay nhau, hòa giải, nhưng để có được đường bay từ Mỹ về Việt Nam thì phải mất gần nửa thế kỷ chhúng ta và bạn mới kết nối được.

PV: Anh có thể nói đôi chút về kịch bản phim này? Điều gì khiến anh thấy đồng cảm khi sáng tạo từ kịch bản gốc của nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung?

Kịch bản của phim là một thách thức. Ví dụ vô cùng đơn giản là phải rất lâu tôi mới tìm được cách kể. Tôi thì thường không thích những kịch bản với kết cấu hợp lý một cách trơn tru và dễ kể. Câu chuyện kiểu đó hay đánh lừa những đạo diễn dễ tính hoặc quen ăn sẵn từ biên kịch, sau cùng thì sẽ có một câu chuyện phim nghe có vẻ rất hợp lý và bộ phim thì cứ nhàn nhạt rồi chìm khuất đâu đó trong hàng ngàn bộ phim tương tự. Tôi thấy có thể sáng tạo được từ câu chuyện của biên kịch thì mới nhận. Để làm được điều đó thì tôi cũng phải viết đi viết lại kịch bản đạo diễn rất nhiều lần. Thực ra Khúc mưa là một bộ phim để xem, để cảm nhận chứ không phải để kể.

PV: Đây là bộ phim do Điện ảnh Quân đội sản xuất. Hình ảnh người lính trong phim sẽ có gì giống và khác những khuôn mẫu từ trước tới nay?

Đạo diễn, NSUT Bùi Tuấn Dũng: Người lính của tôi không xuất hiện với vẻ ngoài anh hùng. Ông ấy còn gánh chịu nhiều thiệt thòi. Cô đơn và đầy tổn thương. Thậm chí khán giả nhiều khi còn chẳng thích ông ấy, hiểu lầm ông ấy, chẳng nghĩ ông là người tốt. Thế nhưng cuối cùng thì chính ông ấy là người gánh tất cả những nỗi đau, người hy sinh cuộc sống cá nhân để tìm hạnh phúc cho những người xung quanh ông ấy. Người lính của tôi tìm thấy hạnh phúc của mình từ hạnh phúc của người khác. Cái này là một sự khác biệt. 

Xin trân trọng cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu