Họa sĩ Mộng Bích - cây đại thụ của làng tranh lụa Việt ra triển lãm đầu tiên

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Triển lãm Đi giữa hai thế kỷ của họa sĩ Mộng Bích là một trong những sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất của Viện Pháp tại Hà Nội trong năm nay.

Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ họa sĩ Mộng Bích mang tên Đi giữa hai thế kỷ, khai mạc vào tối 22/10 tại L’space, Hà Nội.  

Từng là sinh viên khóa 2 (năm 1956) của Đại học Mỹ thuật Hà Nội, được theo học các bậc thầy hội họa như Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Văn Tỵ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Xuân Phái vvv…Mộng Bích là một trong số ít những nữ họa sĩ ở thời đại mình đạt được những giải thưởng hội họa quan trọng, trong đó có thể kể đến bức Mẹ và con (Giải Nhất tại Triển lãm Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc, năm 1961) hay bức Bà già (Giải Nhất tại Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 1993)... Những bức tranh lụa của bà đang được lưu giữ tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam như: Nghệ sỹ ca trù Quách Thị Hồ, Tĩnh vật, Ông gia người Chăm, Em bé ngủ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hùng Sơn:

Triển lãm của họa sĩ Mộng Bích diễn ra nhờ một sự tình cờ, do một duyên may khi cách đây hơn hai năm những cán bộ trong Đại sứ quán Pháp đến thăm xưởng gốm Hiên Vân của con cháu họa sĩ Mộng Bích, và được xem tranh của bà treo tại gia. Xúc động trước những bức tranh mê hoặc được nhìn thấy, họ đã đề nghị mở triển lãm. Nữ nghệ sĩ đã phân vân rất lâu trước khi quyết định đồng ý triển lãm với sự giúp đỡ của Viện Pháp và Đại sứ quán tại Hà Nội.
Họa sĩ Mộng Bích - cây đại thụ của làng tranh lụa Việt ra triển lãm đầu tiên - ảnh 1Ông Thiery Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội và họa sĩ Mộng Bích tại buổi họp báo trước triển lãm. Đây cũng là lần đầu tiên nữ họa sĩ xuất hiện trước đông đảo báo giới. 

Ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội đã rất ấn tượng với tranh và sự nghiệp của Mộng Bích, và đã cùng ê kíp của mình dành nhiều công sức làm việc với các đối tác để tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên Triển lãm Giữa hai thế kỷ cho nữ họa sĩ và đặc biệt đã làm việc với đối tác tài trợ để có thể in catalogue.

Ông Thierry Vergon cho biết: "Có thể nói triển lãm Đi giữa hai thế kỷ của họa sĩ Mộng Bích là một trong những sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất của Viện Pháp tại Hà Nội trong năm nay. Và đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của bà trong hành trình 90 năm cuộc đời. Đây là một quá trình lâu dài qua 60 năm chuẩn bị, qua những bước rất lâu dài để chuẩn bị cho triển lãm ngày hôm nay."

Người nữ họa sĩ ấy, ẩn dật hàng chục năm, chưa từng một lần làm triển lãm, vì điều kiện kinh tế một thuở khó khăn, vì tranh không đi theo dòng chủ lưu của thời đại, vì thế khá lạ lẫm với truyền thông đại chúng, nhưng trong nghề đã định vị một tên tuổi. Họa sĩ Đỗ Đức gọi bà “Cây đại thụ của làng tranh lụa”.

Họa sĩ Mộng Bích - cây đại thụ của làng tranh lụa Việt ra triển lãm đầu tiên - ảnh 2Tranh của họa sĩ Mộng Bích tại triển lãm. 

Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mỹ thuật cổ điển từ Cao đằng mỹ thuật Đông Dương do những người thầy của bà truyền thụ lại, đến bây giờ, Mộng Bích thuộc thế hệ những họa sĩ đầu tiên được đào tạo của trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phải sơ tán trên chiến khu Việt Bắc, điều kiện sống cũng như học hành cực kỳ gian khổ. Những sinh viên giỏi nhất được chọn học vẽ sơn dầu, và Mộng Bích cũng được lựa chọn. Lúc đó, chồng bà, là một nghệ sĩ violin, bệnh tật ốm đau, bà vừa đi học vừa lo hai đứa con cắp nách một lên năm, một mới sinh. Không đủ điều kiện để theo học sơn dầu, bà đành theo tranh lụa.  Và con đường ấy, bà trung thành cho đến bây giờ: "Hiện nay tôi nghĩ làm chuyên sâu, các cụ bảo nhất nghệ tinh nhất thân vinh, thì hãy cứ đẩy nó lên để được vừa ý đã. Vì mỗi bức vẽ lại dạy tôi thêm rất nhiều về nghề nghiệp."

Họa sĩ Mộng Bích - cây đại thụ của làng tranh lụa Việt ra triển lãm đầu tiên - ảnh 3Triển lãm của họa sĩ Mộng Bích tại Viện Pháp Hà Nội. 

Trong bài viết “Cây đại thụ của làng tranh lụa” về Mộng Bích trên Tạp chí mỹ thuật số ra tháng 8/2019, họa sĩ Đỗ Đức đã nhận xét, trong bút pháp của bà: “… Tranh bà vẽ khắc nghiệt như những nét khắc lên lụa nhưng vẫn thấm đẫm cảm xúc và tình người. Xem tranh thấy rất rõ điều đó. Bà luôn minh bạch rạch ròi như giữa yêu và ghét. Để đạt được điều đó, bà đã dùng hết độ thắm của màu đặt lên thớ lụa. Nhìn tranh biết bà vẽ rất chậm. Bà chậm rãi đối thoại trên từng nét vẽ với cuộc sống trên tranh cho đến lúc bức tranh hoàn thiện."   "Đến hôm nay tranh bà để lại không nhiều nhưng cũng đủ để nhận ra rằng bà là những người cuối cùng trong số ít ỏi họa sĩ hiểu sâu sắc về lụa và biết “nói chuyện” đến nơi đến chốn với chất liệu này. Càng dài thời gian vẽ, thì tranh của bà càng sâu hơn, càng hay. Người ta đọc được tình cảm dạt dào đằm thắm của bà với nhân vật đọng trên mặt tranh….”

Họa sĩ Mộng Bích - cây đại thụ của làng tranh lụa Việt ra triển lãm đầu tiên - ảnh 4Bức tranh họa sĩ Mộng Bích vẽ một bà lão ăn mày. 

Giải thích cho những nét vẽ kỹ, những đôi mắt thật trong, những nét màu thật thắm ở những bức tranh của mình, họa sĩ Mộng Bích chia sẻ: “Tôi yêu nghệ thuật. Trong nghệ thuật đó người thầy quan trọng nhất của tôi là thiên nhiên. Mà thiên nhiên bốn mùa xuân hạ thu đông lúc nào cũng đẹp. Cái đẹp đó tất cả các ngành nghệ thuật đều ca ngợi. Vậy thì tại sao mình lại có thể làm cho thiên nhiên xấu đi? Nếu vẽ thiên nhiên mà chỉ cố gắng để tái tạo lại được chính nó cũng đã khó lắm rồi. Cũng có người bóp méo thiên nhiên, hoặc là không trung thành, không trung thực với nó, thì nó sẽ thiếu sự trong sáng, tươi đẹp.”

Họa sĩ Mộng Bích - cây đại thụ của làng tranh lụa Việt ra triển lãm đầu tiên - ảnh 5Một góc triển lãm của họa sĩ Mộng Bích trước giờ khai mạc ngày 22/10 

Những bức tranh của bà, dù đẹp, có một sự âm thầm nhất định trong lịch sử mỹ thuật. Ngay từ bức tranh đầu tiên bà vẽ khoảng năm 26, 27 tuổi, có tên Mẹ và con, vẽ một người đàn bà đang cho con bú, từng đoạt Giải Nhất tại Triển lãm Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc, năm 1961, cũng bắt đầu bằng những khó khăn. Bà kể: “Khi vẽ xong bức tranh đó tôi phải đi công tác. Trong triển lãm, bức tranh bị bỏ đi không được treo, vì người ta cho là bức tranh không tốt. Số phận của bức tranh đó cũng may mắn, vì chưa bị vứt đi mà còn để ở 1 góc tường Sở Văn hóa Liên khu Việt Bắc, thì họa sĩ Trần Văn Cẩn, Phạm Huy Thông và một Viện sĩ mỹ thuật Viện hàn lâm Ba Lan đến, nhìn thấy và nói: bức tranh này phải được giải nhất. Đó là sự rủi ro nhưng đồng thời cũng là may mắn."

Danh họa Trần Văn Cẩn từng nhận xét: “Mộng Bích vẽ tranh bằng bản năng và đầy cảm xúc”. Mộng Bích vẽ chân dung của những con người đời thường, một bà lão ăn mày, một ông lão người Chăm, một em bé nông thôn…, không có lao động công nông binh hăng hái tham gia sản xuất hay khí thế cách mạng. Bởi thế, như bà nói: “Tranh của tôi vào loại ế ẩm. Vì tôi vẽ những bà già nông thôn, những người thiểu số, hoặc bà già ăn mày, mà không vẽ theo thị hiếu của những người đương thời lúc đó. Có người nói ế thế cũng là 1 sự may mắn. Vì có thể chạy theo đồng tiền  thì đời sống cao hơn nhưng rồi cũng mất nghệ thuật. Tôi nhớ từng đọc quyển Bức chân dung của Gogol, và tôi thấy điều mình làm là đúng. Cuộc sống dù có khó khăn, nhưng tằn tiện lại rồi cũng đủ.”

Sự nghiệp của bà, bởi thế, dường như gắn liền với “những thăng trầm, đổi thay của đất nước và những truân chuyên của chính cuộc đời bà.” Sau khi nghỉ hưu, bớt bận bịu với cơm áo, con cái bắt đầu trưởng thành trong bối cảnh kinh tế đất nước bắt đầu khởi sắc, mới là lúc nữ họa sĩ bắt đầu thực sự dành hết thời gian tâm sức cho việc vẽ: "“Đi đến đâu thì tôi ký họa rất nhiều. vì tôi nghĩ tất cả những ký họa đó sau này già không đi được nữa, thì mình sẽ vẽ tranh lụa. Nghĩ thế, nên tôi có rất nhiều ký họa, và ký họa của tôi vẽ rất kỹ, không những kỹ mà bố cục phải là một bức tranh rồi, sau này có thể vẽ rất dễ dàng, không phải đi lại những nơi đó để tìm chi tiết thêm cho bức tranh.” - Bà tâm sự.

Họa sĩ Mộng Bích - cây đại thụ của làng tranh lụa Việt ra triển lãm đầu tiên - ảnh 6Họa sĩ Mộng Bích giới thiệu cho các nhà báo về cuốn catalogue tập hợp những tác phẩm trong 60 năm hành trình nghề nghiệp của bà, được AIC hỗ trợ xuất bản.

Giáo sư Nora A. Taylor, Học viện Mỹ thuật Chicago  nhận xét: “Ở tuổi gần 90, Mộng Bích không chỉ sống lâu hơn hầu hết những người đồng trang lứa, bà còn là hiện thân của những thay đổi mà lịch sử mỹ thuật nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung đã trải qua trong thế kỷ trước. Triển lãm này là sự thừa nhận vị trí có một không hai của Mộng Bích trong di sản lịch sử nghệ thuật Việt Nam."

"Họa sĩ Mộng Bích  (Nguyễn Thị Mộng Bích) sinh năm 1933, quê huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (trung cấp  1956-1960, đại học 1965-1970) . Từ 1960, bà là họa sĩ công tác tại Ty văn hóa Thái Nguyên. Từ 1970, chuyển về Hà Nội, là họa sĩ của báo “Độc lập”. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trên thực tế, bà là một trong số ít nữ họa sĩ đã kế thừa phong cách hiện thực truyền thống trong nghệ thuật vẽ tranh lụa. Đối với bà, một bút pháp chân phương, chất biểu cảm của nền lụa (nhất là lụa thưa), những hòa sắc nền nã vàng nâu, xanh nâu điểm xuyết đỏ, tím – chính là những phương diện tốt nhất để thổ lộ tâm tình, và qua đấy tạo ra nhiều bức tranh đẹp: Mẹ con (1960), Chân dung cô gái Chăm (1980), Bà cháu (1985), Dệt vải Chăm (1990), Bà già (1993), Chân dung Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ (1995)… Giải Nhất Triển lãm Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1993.

(Từ điển Họa sĩ , Quang Việt, NXBMT 2007)

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu