Cuối tháng 12/2022, phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” (Children of the Mist) của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm được Ban Tổ chức Giải Oscar lần thứ 95 năm 2023 đưa vào danh sách đề cử rút gọn (top 15) ở hạng mục "Phim tài liệu dài xuất sắc nhất".
Việc lọt top 15 đề cử của Oscar là thành tích đáng chú ý mới nhất của “Những đứa trẻ trong sương” sau hàng loạt giải thưởng danh giá quốc tế, nối dài chuỗi “quả ngọt” gặt hái được sau hành trình sáng tạo phim đầy ấn tượng của nữ đạo diễn trẻ người dân tộc Tày.
“Những đứa trẻ trong sương” là phim tài liệu xoay quanh hành trình trưởng thành của Di, cô bé người H'Mông ở Sa Pa (Lào Cai), từ lúc 12 tuổi cho đến khi trở thành thiếu nữ. Trong phim, nữ đạo diễn kể câu chuyện về sự xung đột giữa phong tục cổ xưa và giá trị hiện đại, ở một nơi mà trẻ em từ một nền văn hóa truyền thống cũng được tiếp cận với thế giới bên ngoài. Với độ dài gần 100 phút, phim là hành trình xúc động, phán ánh tuổi thơ vỡ vụn của cô bé Di trong sự va chạm, xung đột giữa những giá trị văn hóa truyền thống với hiện đại. Đó cũng chính là những thách thức mà nhiều bé gái người dân tộc thiểu số phải đối mặt trong xã hội hiện nay.
Trên Screen Daily, nhà làm phim Marya E. Gates viết: "Bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” gieo mầm cho kiểu tương lai mà Di khao khát nhưng không hứa hẹn với cô ấy hay với khán giả rằng liệu Di có thể đạt được những gì mình muốn hay không. Bộ phim không phải sự phán xét đối với truyền thống của một dân tộc, đồng thời thể hiện được nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề. Cuối cùng, phim giống như lời nhắc nhở đối với mỗi chúng ta rằng thế giới này tràn ngập những cô gái như Di và hy vọng rằng họ có thể có một tương lai tươi sáng hơn".
Chia sẻ về hành trình sáng tạo phim, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm cho biết đây là dự án cá nhân được cô gái ấp ủ, trau chuốt trong gần 4 năm (2017-2020) ở Sa Pa. Để thực hiện bộ phim này, nữ đạo diễn người Tày đã phải đi đi về về rất nhiều lần từ Bắc Kạn (quê nhà của cô), hay Hà Nội tới Sa Pa: "Khi quay phim này, một năm em phải lên Sa Pa tới 5-6 lần vào những thời điểm khác nhau, chẳng hạn như trước, trong và sau Tết; trước, trong và sau nghỉ hè; trước, trong và sau vụ thu hoạch lúa... Có lần lên lâu nhất là một tháng. Nhưng một tháng đó cũng chỉ có thể quay được 5-6 ngày thôi. Mà trong 5-6 ngày đó, có những ngày chỉ quay được buổi sáng, có những ngày chỉ quay được buổi chiều, tối hay buổi trưa thôi. Tức là không hôm nào quay hết cả một ngày cả”.
Trước Oscar lần thứ 95, “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm đã thắng nhiều giải quốc tế lớn, như: “Đạo diễn xuất sắc nhất” hạng mục “Tranh giải quốc tế” và giải đặc biệt của Ban Giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay trong Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021 - Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới; Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại Liên hoan phim Balimakarya (Indonesia); Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại Liên hoan phim Giáo dục của Pháp...
Tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021, Ban tổ chức đánh giá: “Những nhà làm phim tài liệu đôi khi thiết lập các mối quan hệ mật thiết với nhân vật có thể gây trở ngại cho vai trò đạo diễn của họ. Nhưng nhà làm phim đầu tay này (“Những đứa trẻ trong sương”) đã tạo được sự cân bằng, tách tình cảm của mình ra khỏi câu chuyện xúc động của cô gái H'Mông bị kẹt ở độ tuổi trẻ thơ và trưởng thành, giữa truyền thống và hiện đại, ở vùng quê Việt Nam xa xôi”.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Để có được những thành công đó, nữ đạo diễn trẻ người Tày đã trải qua những tháng ngày, những khoảng thời gian không thể nào quên cùng nhân vật chính, cô bé Di, cùng những người thân, bạn bè của em. Nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ: “Quay phim đó thì em chỉ có một mình một máy để quay. Khi theo Di để quay em đi chơi hội xuân cùng các bạn là đi hết cả ngày luôn, có khi phải lên tới 40-50 km mỗi ngày. Đi như vậy thì đến ba lô hay ô cũng không mang theo được, mà chỉ có đem theo ít tiền và hai cục pin máy quay theo người thôi. Ở trên đó là đi ủng, rồi thì dép tổ ong, chứ không thể đi giày. Quần áo cũng chọn đồ leo núi nhẹ, dễ giặt, dễ khô và không bị dính nước”.
Quay phim gian nan đã vậy, dàn dựng và hoàn chỉnh phim (xử lý hậu kỳ) cũng là cả một hành trinh dài đầy khó khăn, vất vả mà nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm cùng ê kíp hỗ trợ, đã trải qua. Trong đó, nhiều công việc, phần việc quan trọng liên quan đều là những “lần đầu tiên” đối với đạo diễn cùng những người hỗ trợ. Hà Lệ Diễm cho biết: "“Sau gần 3 năm rưỡi thì em có được gần 100 tiếng nháp (phim thô) quay được. Sau đó chọn ra tầm 50-60 tiếng để dịch từ tiếng H’Mông (sang tiếng Việt và tiếng Anh), rồi lại lọc, cắt tiếp nữa. Hồi đó có những việc mà em chưa làm bao giờ, chưa trải qua bao giờ, ngay cả hai cố vấn (anh Xoan, chị Thảo) cũng chưa từng làm bao giờ, chẳng hạn như làm hợp đồng, làm việc với nhà sản xuất, nhà phát hành…”
Hiện tại, dù đã trở thành một đạo diễn trẻ có tiếng nhưng Hà Lệ Diễm vẫn không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn qua các hội thảo làm phim tài liệu, hướng tới nhiều liên hoan phim quốc tế khác, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các đạo diễn trong và ngoài nước. Ước mong của Hà Lệ Diễm là có thể mang nhiều hơn những câu chuyện chân thật và đầy cảm xúc về cuộc sống và con người vùng cao của đất nước đi xa hơn. Hơn ai hết, cô hiểu hết những thách thức mà những cô gái trẻ sống ở miền cao phải đối mặt và vươn lên để thay đổi cuộc đời mình. Và với vai trò đạo diễn, cô không chỉ là người kể chuyện, mà còn người đồng hành đi “trong sương” cùng nhân vật của chính mình.