Gió bấc với mưa phùn

Đào Dục Tú
Chia sẻ
(VOV5)- Cái được của một đời sống vật chất bề nổi hữu hình trước mắt làm sao níu kéo phong hóa làng  hình như đang quá vội vàng "đáo bỉ ngạn" bên kia bờ ảo vọng ...
(VOV5)- Tiền nhân người Việt mình cho tới tận "đêm trước cách mạng", bất chấp cảnh tiểu nông nghèo khó, mặc tháng ba ngàytám rau cháo triền miên, cứ biến cả tháng giêng thành " tháng ăn chơi", tháng lễ hội vào đền vào đám.

Trời cũng chiều người chân lấm tay bùn, tháng giêng thời ấy hầu như năm nào cũng gió bấc với mưa phùn đúng điệu (không phập phù biến tướng như thời tiết bây giờ). "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay" không chỉ trong hoài cảm, hoài niệm mà là cảnh trí đời thực, có khi tràn sang cả những ngày tháng ba" mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày" (thơ Nguyễn Bính).

Gió bấc với mưa phùn - ảnh 1
Hội làng - ảnh: internet

Mưa xuân tháng giêng... ngày xưa vẽ nên một bức tranh quê mùa lễ hội. Trời thường vừa đủ lạnh để người đời muốn "xích lại gần nhau", cộng cảm với cộng đồng làng trên xóm dưới, trong họ ngoài làng quanh cây đu, xới vật hay chiếu chèo. Mưa xuân phủ bụi mơ hồ để cảnh xuân nơi đền miếu đình chùa nghi ngút khói hương hư hư thực thực, khiến cho cuộc sống nơi thôn dã bớt đi nhiều phần vẻ thô trần, lam lũ. Để người làng quê xưa chân lấm với tay bùn quanh năm luẩn quẩn trong lũy tre, chịu áp lực đủ thứ thủy hỏa đạo tặc bỗng chốc trở thành người có cái quyền sống...yêu đời, tươi đời hơn trong những ngày xuân vui "con én đưa thoi", ngắn chẳng tày gang...

Riêng với tôi, cảnh gió bấc với mưa phùn ở một làng quê vùng Kinh Bắc xưa thuộc trong số ít ỏi hoài niệm tuổi thơ mà thời gian "tròn năm con giáp" cùng vật đổi sao dời nương dâu bãi biển đời người không sao phủ bụi, bôi xóa được. Tôi nhớ như in những buổi sáng "mưa xuân phơi phới bay", tôi cùng chúng bạn - những đứa trẻ quần nâu áo vá sinh ra ở làng quê, bảy tám tuổi đã làm quen với con trâu,với cánh đồng, với con cua cái ốc... - những đứa trẻ ấy áo tơi nón lá dắt trâu ăn cỏ bước thấp bước cao trơn trượt gập gềnh trên bờ ruộng. mấp mô ... Ngày xưa mà dải đất áp bờ giữ nước rười rượi xanh loài cỏ bún, mềm mại như bún và êm mướt như nhung. Mưa bay theo chiều gió phủ xuống cánh đồng, rây rây như bột lọc, như bụi tuyết trắng lửng lơ bay, rồi  đậu nhẹ trên mái tóc rễ tre bờm xờm, trên vai áo bạc mầu sờn cũ và tan trên lưng con trâu đen nhánh ngoan hiền gặm cỏ. Mưa xuân như tấm khăn voan dệt nên bởi hàng ngàn ngàn tỷ sợi tơ mưa kỳ diệu của trời bao trùm cảnh vật làng quê thôn dã.

Và như câu thơ gợi nhiều liên tưởng, giàu biểu cảm của thi sĩ Nguyễn Bính "mùa xuân là cả một mùa xanh" xanh từ bờ cỏ non tơ xanh đi, xanh từ cánh dồng lúa chiêm xanh lại, xanh một màu lục diệp trù phú yên ả thanh bình của đồng mầu ngô khoai đỗ lạc, xanh từ mỗi bước chân trâu gặm cỏ xanh bờ đê  đổ về làng có gốc đa già  nhú lộc non tơ...

Bủa vây quanh tuổi thơ thời ấy là cả một trời thơ mộng mát xanh trong trẻo vô tận vô cùng mà giờ đây, tiếc thay không sao tìm lại được ở bất cứ nơi nào! Cánh đồng vẫn cánh đồng xưa mang những cái tên dân dã nôm na ruộng Chùa, Soi, Thốp, Đồng Trằm, đồng Mẻ...song đã hẹp lại và biến dạng rất nhiều. Do một thời quản lý, quy hoạch "quá non tay" chẳng ra làm sao, lại mỗi năm thêm cảnh đất chật người đông buộc phải chia đất ở cho dân, làng tràn cả ra cánh đồng. Hai dãy ao làng mà tổng diện tích lên tới vài chục ngàn mét vuông cũng không cánh mà bay, thành đất thổ cư...

Gió bấc với mưa phùn - ảnh 2
Ảnh: internet

Tình cảnh đại loại như thế, khiến làng tôi cũng như không biết bao nhiêu làng quê vùng châu thổ sông Hồng thời "bùn đất hóa vàng" gần như mất trắng vẻ thuần Việt, vẻ quê nguyên bản. Thật đáng tiếc, trước cơn lốc đô thị hóa, thị trường hóa và đủ thứ "hóa" khác - trừ hóa thành giàu đẹp lâu bền, người ta đánh mất quá nhiều vẻ nên thơ yên ả thanh bình thuần hậu vốn có của làng "cổ" tưởng không bao giờ, không thể nào " hủ" nát được. Cái được của một đời sống vật chất bề nổi hữu hình trước mắt làm sao níu kéo phong hóa làng  hình như đang quá vội vàng "đáo bỉ ngạn" bên kia bờ ảo vọng ...

Chỉ có điều lạ thế, thời nào thì người làng quê sống với đất cũng quý đất, tiếc đất, đến mức "không thể hiểu nổi", ví như ngày xưa bờ ruộng đủ để trâu đi gặm cỏ là thường mà ngày nay, ranh giới ruộng khoán giữa nhà này với nhà khác có khi chỉ là một gờ đất kẻ chỉ mong manh, nên cỏ mùa xuân cũng thiếu chỗ chen chân, giống cỏ bún xanh mướt như mơ như thơ cũng tuyệt chủng từ bao giờ..

Từ độ gió bấc với mưa phùn tuổi chăn trâu cắt cỏ  cho tới khi cắp sách vào  trường huyện học cấp ba đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước quá nhiều sóng gió cách mạng, tôi cùng trai làng trai phố đồng môn bước vào tuổi "ôm bao mộng tưởng" mà mộng tưởng nên... thơ nhất, như chàng trai trong thơ Huy Cận, là "đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ" cùng những rung động dậy thì, tuổi vỡ tiếng và mặt đầy trứng cá!


Mơ mộng thủa học trò trường huyện kéo dài suốt thời sinh viên nhiều niềm vui nhưng cũng lắm khốn khó, hình như khiến cho những bức tranh quê ngày xuân và ngày...xưa có gió bấc với mưa phùn  "đeo bám" lâu hơn trong tâm cảm, hoài cảm người tròn nửa thế kỷ duyên nợ với ...chữ. Nhưng "giữa cuộc trần ai" này, tôi biết tìm lại những ngày xuân xưa ấy ở đâu bây giờ ! . / .

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Phùngcddoox

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ... Xem thêm