Điện ảnh tư nhân: vượt qua yếu tố thương mại thông thường

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Phim do các hãng tư nhân tại Việt Nam sản xuất đang ngày một phát triển, có những thay đổi về chất lượng, định hướng và mục đích. 

Tại liên hoan phim, giải Cánh diều vừa qua, trong hạng mục phim truyện điện ảnh, 13 phim tham dự năm nay đều là phim tư nhân. So với năm 2016, năm nay phim truyện điện ảnh đã có sự xuất hiện phim nghệ thuật, nhân văn và nói về dân tộc, cội nguồn. Các phim này đề cập rõ nét về giá trị nhân vật, có sự sáng tạo về nghệ thuật, âm nhạc.

NSND Phạm Nhuệ Giang, thành viên Ban giám khảo của giải Cánh diều năm nay nhận xét rằng: “Năm nay trong ban giám khảo đánh giá phim thị trường có tiến bộ hơn so với năm ngoái. Những phim hài nhảm đã giảm, vẫn còn nhưng ít trường hợp lấy những nhân vật đồng cô để tạo tính hài. Trong số những phim dự thi, khoảng 1/3 là phim khá.”

Điểm chung của phim các hãng tư nhân Việt Nam trong thời gian gần đây đó là chất lượng phim đã được nâng cao. Đặc biệt với những đề tài gần gũi với hơi thở của cuộc sống hiện đại, khán giả Việt có tâm trạng mong đợi khi ra rạp xem phim Việt. Những bộ phim như Em chưa 18 hay Cô Ba Sài Gòn vừa là những bộ phim đạt doanh thu kỷ lục phòng vé vừa đạt các giải thưởng chính của giải Cánh diều vừa qua.

Trong hai năm qua, nhiều phim đã để lại ấn tượng không chỉ cho khán giả trong nước mà cho cả công chúng quốc tế. Phim Đảo của dân ngụ cư do của đạo diễn Hồng Ánh (năm 2017 từng đoạt 3 giải thưởng danh giá tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017) là phim xuất sắc nhất; Nam diễn viên chính xuất sắc và Quay phim xuất sắc nhất. Có được điều này là vì nhiều hãng phim tư nhân đã chuyển hướng làm phim nghệ thuật, bỏ qua cách làm phim “mỳ ăn liền” thường thấy trước đây. Kịch bản, diễn viên tốt đặc biệt là khâu hình ảnh luôn được chăm chút đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả và giới chuyên môn.

Quay phim Lý Thái Dũng của phim Đảo của dân ngụ cư cho rằng: “Tôi nghĩ không chỉ nhà nước, ngay cả tư nhân họ đã đầu tư nhiều hơn vào phim. Tôi nói ví dụ hai bộ phim tôi thực hiện gần đây là Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư, đều không lấy tiêu chí số 1 là tiêu chí doanh số. Họ đăt điện ảnh tác giả đóng vai trò số 1, vai trò khám phá cũng như nỗ lực của hai người đạo diễn kể câu chuyện đó. Họ biết đó là những đề tài vô cùng hóc búa nhưng vẫn hy vọng sự chia sẻ và khám phá của mình sẽ đạt tỷ lệ khán giả theo dõi sẽ dần cao hơn”.

Tuy nhiên, cũng không hẳn tất cả các phim tư nhân đạt được chất lượng đồng đều. Khoảng 2/3 số phim tư nhân tham dự giải Cánh diều năm nay có chất lượng kém xa so với những phim tốt còn lại.

Điện ảnh tư nhân: vượt qua yếu tố thương mại thông thường - ảnh 1Phim Cô Ba Sài Gòn (2017) 

NSND Phạm Nhuệ Giang nhận xét rằng: “Có nhiều phim sáng trong kịch bản và có sự sáng tạo, lấy ý tưởng xuất phát từ tính dân tộc, phải nói là phim thị trường hướng tới các vấn đề mang tính dân tộc như thế thì rất đáng khuyến khích. Cái chưa được là họ xuất phát làm phim thị trường theo thị hiếu. Ví dụ âm nhạc chẳng hạn, họ làm từ A đến Z, họ không tin vào hình ảnh của mình, vẫn phải dùng âm nhạc làm sao bện được với hình ảnh. Chính vì thế nhiều cái bị lạm dụng và cảm giác dài dòng như chỉ để minh họa chứ không mang giá trị âm nhạc trong nghệ thuật điện ảnh nữa. Nếu trong phim nghệ thuật, âm nhạc sẽ được xử lý rất tinh tế, vừa đủ và không quá lạm dụng”.

Điện ảnh tư nhân: vượt qua yếu tố thương mại thông thường - ảnh 2 Đảo của dân ngụ cư (2017)

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam đã từng cho rằng không nên có sự phân biệt nào giữa điện ảnh tư nhân và điện ảnh nhà nước. Nhà nước cần có vai trò định hướng cũng như hỗ trợ đầu tư. Có nghĩa là các dự án làm phim có thể của hãng phim nhà nước hay đến từ hãng phim tư nhân, nhưng chất lượng dự án đó tốt thì vẫn được Nhà nước đầu tư. Đây có lẽ là cách khuyến khích và đi đúng hướng để Nhà nước có thể định hướng  sự phát triển điện ảnh. Điều đó cũng phù hợp với mong muốn của những nhà làm phim tư nhân trong môi trường hiện nay.

Quay phim Lý Thái Dũng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ là có rất nhiều mức độ áp dụng nhu cầu sản xuất và phổ biến điện ảnh. Và đáp ứng này cao dần lên hình tháp. Vai trò định hướng của Nhà nước rất quan trọng, vai trò hỗ trợ tiền, định hướng những đề tài, khả năng thất bại quá cao nhưng giá trị nghệ thuật lớn thì tôi nghĩ đó là vai trò định hướng rất lớn của nhà nước”.

Có thể nói việc sản xuất phim tư nhân hiện nay đang rất sôi động. Phim tư nhân Việt tiếp cận khán giả ở nhiều dòng phim khác nhau, qua đó khích lệ đời sống văn hóa, góp phần khởi sắc điện ảnh nước nhà. Đồng thời sự vươn lên của phim tư nhân cũng là cách song song khích lệ phim nhà nước nâng cao về chất lượng và đáp ứng thị hiếu khán giả.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu