“Đặt cược vào những nhà văn trẻ“

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Dòng chảy văn học trẻ vẫn mạnh mẽ, cả trên phương diện xuất bản sách in cũng như trên mạng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:

Đại hội Hội nhà văn Việt Nam khóa 10 vừa kết thúc với một cuộc chuyển giao thế hệ Ban chấp hành mới. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trả lời khi vừa được bầu làm Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khóa mới: nền văn học trong thời đại mới có tư duy rất khác, nên hội nhà văn phải làm sao hóp phần đánh thức tiềm năng rất lớn trong các hội viên, đặc biệt trong người viết trẻ.

Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Chúng tôi nghĩ rất nhiều đến văn học trẻ và văn học thiếu nhi, bởi vì cho tới lúc này, những nhà văn như tôi đã đi tới sườn dốc của sáng tạo. Nhưng những người 15, 18, 20, 25 họ vẫn còn trẻ, họ mới là chủ nhân chính của văn học trong tương lai. Chúng tôi luôn tôn trọng và đợi chờ họ - và như tôi vẫn thường nói, tôi  “đánh cược” vào các nhà văn trẻ.”

“Đặt cược vào những nhà văn trẻ“ - ảnh 1Một số tác phẩm của các nhà văn trẻ là Hội viên Hội nhà văn Hà Nội 

Dòng chảy văn học trẻ vẫn mạnh mẽ, cả trên phương diện xuất bản sách in cũng như trên mạng. Có nhiều tác giả trẻ như: Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân, Hamlet Trương, Iris Cao, Phan Ý Yên…vv… công bố tác phẩm trên mạng xã hội, nổi tiếng trên mạng xã hội và sau đó được các nhà xuất bản phát hành với sức bán đáng nể. Với dòng văn học hàn lâm, những mùa giải thưởng đã được trao từ truyện ngắn tới tiểu thuyết, lý luận phê bình văn học vv… , trong đó đã gọi tên nhiều gương mặt trẻ, gương mặt mới, như Nguyễn Hải Yến, Nhật Phi...

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đánh giá, chỉ cần nhìn ở một vài nhà văn nữ cũng đã thấy sự khác biệt: “Có một ưu điểm lớn là các bạn được tiếp xúc nhiều với các nền văn hóa trên thế giới, được đi nhiều biết nhiều. Ví dụ, hồi tôi 33 tuổi mới lần đầu tiên được ra nước ngoài để tham dự Hội nghị nhà văn trẻ khối các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng các bạn trẻ bây giờ tự đi du lịch nước ngoài, có điều kiện học ngoại ngữ rồi tiếp xúc với những nền văn minh, có giao tiếp rộng lớn với thế giới. Có thể nói so với thế hệ tôi là thế hệ cũ đã không bắt kịp với thời đại, thì các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, thông minh, từng trải và có điều kiện kiện hơn chúng tôi ngày xưa. Như trong giới nữ thì tôi thấy có nhà văn trẻ Di Li chẳng hạn rất thông minh mà rất giỏi, hay Đỗ Bích Thúy là một người rất yêu miền núi Cao Bằng nơi bạn sống hồi nhỏ, nên bạn viết về miền núi rất giỏi.”

“Đặt cược vào những nhà văn trẻ“ - ảnh 2Nhà văn Đỗ Bích Thúy - Ảnh: Báo Lao động. 

Biên tập viên Nguyễn Thúy Loan, trưởng phòng văn học NXB Kim Đồng nhận xét, những tác phẩm chị đã đọc trong những năm qua, cũng có những gương mặt ghi được dấu ấn: “Qua những tác phẩm mà tôi đã đọc, có một số nhà văn trẻ tôi nghĩ là niềm hy vọng của giới sáng tác. Đó là Nguyễn Thị Kim Hòa, một người có thể viết cả cho thiếu nhi và người lớn đều thành công. Hòa đã viết khá nhiều chuyện thiếu nhi, đã được Giải nhất trong cuộc thi sáng tác văn học của dự án Đan Mạch do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức. Với cuốn Hoàng tử Rơm cũng đoạt giải nhất Tạp chí văn nghệ quân đội . Và rất nhiều những cuốn sách của Nguyễn Thị Kim Hòa ghi dấu ấn của một miền đất nơi chị đang sống và làm việc. Đấy là một niềm hy vọng.

“Đặt cược vào những nhà văn trẻ“ - ảnh 3Nhà văn Nguyễn Trương Quý. 

Hai là Nguyễn Trương Quý, cũng còn rất trẻ. Anh viết được cả tản văn, truyện, khảo cứu. Nhưng cái đặc sắc nhất của tác giả Nguyễn Trương Quý là đề tài Hà Nội từ âm nhạc, kiến trúc, hội họa và ẩm thực... Đây là một cây bút rất được chú ý, và cũng là một niềm hy vọng cho những người cầm bút.

Còn một số nhà văn trẻ khác tuy viết không nhiều nhưng có một phong cách đặc biệt, đó là Phan Thúy Hà với những cuốn Hãy gọi tên tôi, Tôi là con gái của cha,. Qua dốc núi là nhà… Với phong cách hiện thực và với một cái cách kể không giống ai, không đầu không cuối, nhưng khi đọc những gì mà Phan Thúy Hà viết thì lại thấy hiện lên một cái bức tranh của những con người, những số phận, có thể đó là những người lính ở hai phía, có thể là những nỗi đau, nhưng cũng có thể là những niềm vui của tuổi thơ… nhưng bao giờ cũng thấy có những trăn trở. Đấy là một số gương mặt mà tôi đã đọc bài thơ có ấn tượng và tôi nghĩ là họ sẽ còn tiếp tục có những sáng tác và những tác phẩm mà bạn đọc hiện thời yêu thích.” – Biên tập viên Nguyễn Thúy Loan chia sẻ.

Nói về tổ chức, việc có một Ban chấp hành Hội nhà văn mới với những nhân tố mới, những kế hoạch hành động mới của Hội nhà văn là điều đáng mừng để các nhà văn có một tập thể cùng khuyến khích và thúc đẩy các tác giả.

Nhưng trên phương diện sáng tác, tác phẩm văn học luôn luôn là của cá nhân và mang dấu ấn chỉ của người sáng tạo nó.  Bởi vậy, việc bày tỏ sự hy vọng vào những nhà văn trẻ, thực ra, cuối cùng, vẫn là sự chờ đợi những cái mới, những tư duy mới, những cách kể chuyện mới, những cách tiếp cận mới, những tác phẩm đáng để người yêu văn chương tìm đến mà thôi.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu