Cuộc giao duyên sáng tạo giữa nội dung và hình thức – chuyện kể từ những người làm nghề

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện tại nghề họa sĩ vẽ bìa ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc đang rất thiếu.
Nghe âm thanh baì viết tại đây:
Lần đầu tiên, có một Triển lãm Nghệ thuật bìa sách Việt Nam đến với công chúng tại Hà Nội, là dịp hội tụ những tác phẩm thiết kế bìa sách nổi bật của các hoạ sĩ. Triển lãm trưng bày hơn 700 bìa sách đẹp của 55 tác giả trên cả nước, cùng sự tham gia của các nhà xuất bản lớn: NXB Giáo Dục, NXB Kim Đồng, NXB Phụ Nữ, NXB Mỹ Thuật, Nhà sách Nhã Nam, Thái Hà Book. Trong khuôn khổ triển lãm, nhiều cuộc tọa đàm, giao lưu về chuyên môn cũng được tổ chức, như “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam kỷ nguyên 4.0”, “Bìa sách – Cùng kể chuyện nghề” vv… đã góp phần cho công chúng hiểu thêm những câu chuyện hậu trường phía sau sự ra đời của những cuốn sách hay. 
Cuộc giao duyên sáng tạo giữa nội dung và hình thức – chuyện kể từ những người làm nghề - ảnh 1Họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam tại buổi giao lưu Bì sách cùng kể chuyện nghề do NXB Phụ nữ tổ chức

Bìa sách là một trong những yếu tố quan trọng, đóng góp vào sự thành công của một tác phẩm khi ra mắt tại thị trường Việt Nam. Họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Trong những năm gần đây, thị trường xuất bản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Riêng năm 2021 đã có 4 triệu bản sách được phát hành với gần 33.000 đầu sách, doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng. Hằng năm, giới xuất bản đều tổ chức bình chọn giải thưởng sách dành cho các tác giả, người biên tập tác phẩm hay... Mặc dù vậy, từ trước đến nay vẫn chưa có một triển lãm quy mô hay hội thảo nào được tổ chức để ghi nhận, tôn vinh các họa sĩ thiết kế sách, bìa sách. Quyết định tổ chức một triển lãm bìa sách đầu tiên trên toàn quốc của Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã tạo cuộc hội ngộ để chia sẻ về công việc sáng tạo thú vị này.

Bà Phạm Thị Phương, Trưởng phòng Kế hoạch sản xuất của NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Hiện tại nghề họa sĩ vẽ bìa ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc đang rất thiếu. Các họa sĩ làm cộng tác viên của các nhà xuất bản hay các nhà sách chủ yếu vẫn là nghề tay ngang, nghĩa là vẫn đang làm công việc gì đó khác. Một số họa sĩ vẽ khi thích hoặc có thể các tác giả quen biết mong muốn nhờ họa sĩ thể hiện thông điệp mà tác giả muốn truyền đến cho độc giả qua hình ảnh bìa sách.”

Trong cuộc tọa đàm “Bìa sách – Cùng kể chuyện nghề” do NXB Việt Nam phối hợp với Hội mỹ thuật tổ chức trong khuôn khổ triển lãm, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ chia sẻ, việc thực hiện bìa sách là một khâu rất quan trọng đối với người làm xuất bản. Nhưng làm bìa thế nào là đẹp, như thế nào để vừa đúng ý đồ tác phẩm, vừa lôi cuốn được độc giả chú ý, luôn luôn là điều những người làm sách phải trăn trở.

Cuộc giao duyên sáng tạo giữa nội dung và hình thức – chuyện kể từ những người làm nghề - ảnh 2Khán giả đến xem Triển lãm bìa sách tại Hà Nội.

Họa sĩ Kim Duẩn - một trong số những họa sĩ vẽ bìa sách nổi tiếng nhất Việt Nam, người cũng đã thực hiện nhiều chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề: Mỗi lần tham gia vẽ bìa với anh là một lần khám phá mới, những chia sẻ, đồng cảm với tác phẩm đến đâu sẽ thể hiện qua tác phẩm vẽ, thiết kế bìa: "Trong quá trình tôi vẽ rất nhiều bia từ những cuốn sách thiếu nhi cho đến những cuốn sách về người lớn, ngoài chuyện căn cứ vào phần nội dung cũng như hình thức thì tôi luôn đan xen đưa những câu chuyện của cá nhân bằng cách nào đó vào hình thức bìa nhưng ũng hòa nhịp với tinh thần chung của tổng thể. Việc đưa yếu tố cá nhân vào, tôi nghĩ không chỉ riêng mình tôi làm mà rất nhiều người làm việc này. Ví dụ, khi tôi vẽ bìa sách thiếu nhi chẳng hạn, có thể tôi đem chính hình ảnh của tôi hoặc những không gian của tôi mà tôi thấy phù hợp với tinh thần của truyện để đưa vào. Những bạn đọc sẽ vẫn cảm thấy đó là tinh thần của câu chuyện, nhưng riêng về cá nhân tôi, coi như là một kỷ niệm cá nhân của mình với cuốn sách đó."

Để ra đời một bìa sách đẹp, đúng ý đồ tác phẩm và hợp thậm chí lôi cuốn thị hiếu độc giả đương thời, cần sự kết hợp rất nhịp nhàng của nhiều khâu trong xuất bản: từ tác giả, người biên tập tác phẩm, họa sĩ, nhà in vv…Chia sẻ về một khâu trong đó, biên tập viên Nguyễn Ánh Ngân, NXB Phụ nữ nói: "Thực ra người biên tập viên là người kết nối với họa sĩ đầu tiên để làm bia, nên khi chúng tôi làm bàn thảo thì bao giờ cũng có ý thức gẩy ra những điều đặc biệt trong cuốn sách đó. Nếu kể cho họa sĩ cả nội dung chi tiết một cuốn sách, thì thực ra họa sĩ bận cũng sẽ quên, nên chúng tôi sẽ ghi ở email những chi tiết nào mà cuốn sách nên được làm nổi bật lên."

Họa sĩ Lê Tiến Vượng cho rằng để một tác phẩm sách ra mắt bạn đọc thật hoàn mỹ, thật ưng ý, người họa sĩ cũng như người tham gia "chạy tiếp sức" cùng tác giả, biên tập viên... trong hành trình này: “Thực tế với mỗi bìa sách, chúng ta phài hiểu nó là bức tranh thu nhỏ. Nó không đơn thuần là bìa sách. Mà nó là một tấm poster, nó là một bộ thời trang - thời thượng hay quê mùa hay truyền thống…để dẫn dụ vào cuốn sách. Nếu như chúng ta hiểu nó một cách chính xác như vậy, chúng ta thấy rằng nội dung của cuốn sách và bìa sách cần phải tiếp sức cho nhau”

Cuộc giao duyên sáng tạo giữa nội dung và hình thức – chuyện kể từ những người làm nghề - ảnh 3Góc triển lãm bìa sách của Nhã Nam.

Qua sự thay đổi trên thị trường sách, qua những hình ảnh trưng bày nổi bật tại triển lãm bìa sách, có thể thấy các nhà xuất bản Việt  hiện nay nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện bìa sách. Có truyền thống đề cao và đầu tư mạnh vào phần mỹ thuật sách, NXB Kim Đồng là một đơn vị nổi bật những năm qua với rất nhiều đầu sách cho thanh thiếu nhi được thiết kế đẹp.

Và một đơn vị không thể không nhắc tới là Nhã Nam. Các thiết kế bìa của Nhã Nam thường nhận được sự quan tâm, đánh giá cao không những từ trong nước mà còn từ các tác giả, đại diện tác giả và các nhà xuất bản nước ngoài. Trong dịp triển lãm lần này, đội ngũ làm bìa của Nhã Nam cũng tổ chức toạ đàm “Trò chuyện về bìa sách”, chia sẻ những kinh nghiệm, tâm tư trong nghề và đưa ra nhận định về tương lai phát triển của bìa sách trên thị trường xuất bản Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu