Cuộc chiến tóc ngắn tóc dài - xao xuyến tuổi ô mai

Thu Duyên/ CTV
Chia sẻ
(VOV5)- Nhà văn Vũ Thị Thanh Tâm đã gom lại được cả một hũ kẹo ô mai lấp lánh màu sắc, tràn đầy hương vị của tuổi mới lớn.
(VOV5)- Bước qua cái thời nông nổi với những cảm xúc “sớm nắng chiều mưa”, nhà văn Vũ Thị Thanh Tâm đã gom lại được cả một hũ kẹo ô mai lấp lánh màu sắc, tràn đầy hương vị của tuổi mới lớn và trải nó trên trang sách qua mười lăm câu chuyện mà chị gọi là những “bí mật nho nhỏ” của mình.

Cuộc chiến tóc ngắn tóc dài - xao xuyến tuổi ô mai - ảnh 1

Tuổi mới lớn giống như hương vị của ô mai vừa cay vừa mặn, vừa chua lại vừa ngọt; cũng có lúc ngang ngạnh, cũng có lúc bướng bỉnh lại cũng có những lúc trầm tư sâu sắc đến ngỡ ngàng. Cái tuổi ẩm ương chẳng ra lớn chẳng ra bé, ấy thế mà lại vô cùng phong phú, nhiều màu sắc, dư vị.

Trong chúng ta, ai mà chẳng từng trải qua cái tuổi học trò đầy thú vị, hồn nhiên với biết bao mơ ước, buồn vui, hờn giận. Và cũng không thể thiếu những mối tình học trò. Cái thứ tình cảm đẹp nhất, trong sáng nhất, thánh thiện nhất và cũng giàu mơ mộng nhất.

Đó là cô bé tiểu thư kiêu ngạo sẵn sàng “Tạm biệt ngày hôm qua” để thay đổi bản thân mình tốt đẹp hơn vì một “cậu bạn đặc biệt”.

Đó là chàng “Thợ kưa ngốc xít” có “Trái tim ngốc nghếch” đang viết lên những trang “Nhật ký mùa thu” đầy lãng mạn mỗi khi vô cớ “Giận hờn người dưng”.

Thế đấy, cái thứ tình cảm trong veo như giọt nước buổi sớm mai, với những cảm xúc giận hờn như cơn gió, yêu thương như mây chiều ấy lại có lúc làm ta bỗng xao xuyến.

Thế nhưng đâu phải lúc nào cái tuổi ẩm ương ấy cũng chỉ ngốc xít trong mớ bòng bong của những “Cuộc chiến tóc ngắn tóc dài”, của những màn đấu khẩu chí chóe không phân thắng bại giữa “Anh trai em gái và trái bóng tròn”, hay thậm chí là giữa “Chị em một nhà”.

Cái tuổi ô mai ấy còn có những giây phút suy tư sâu sắc đến ngỡ ngàng.

Đó là khi cô bé nọ chứng kiến nỗi buồn sâu thẳm trong mắt bà khi khu vườn kỷ niệm của họ không còn. Và khi người bà đáng kính mất đi thì trái tim trong sáng của nó vẫn tin rằng còn có một “Khu vườn trên thiên đường” luôn luôn dành cho bà.

Đó còn là cô bé sống khép mình trong “Thiên đường bí mật” sau khi bố mẹ  li hôn. Cú sốc tinh thần đã khiến cô bé “thu mình vào trong vỏ ốc cô độc”. Điều duy nhất giúp cô bé thoát khỏi vỏ bọc cô đơn ấy là khu vườn, nơi cô bé có thể thỏa sức trồng nên những “tác phẩm nghệ thuật” của riêng mình.

Đôi khi cái tuổi ẩm ương ấy lúc nào cũng cố tỏ ra mình là người mạnh mẽ, hay cười nhưng thực ra trái tim bé nhỏ ấy lại mong manh dễ vỡ vô cùng. Đó là khi nó chợt phát hiện bố mẹ nó đang “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” và nó bắt đầu “nổi loạn”, nhưng chỉ cần tình thương của bố mẹ cũng đủ để cho đứa trẻ ấy nhận ra “canh cá mẹ nấu ngon tuyệt!” và nó chợt nghĩ rằng “nổi loạn như vậy có lẽ là đủ rồi…”. Cái “nổi loạn” ẩm ương ấy, đôi khi lại chính là thông điệp ngầm của những cô nhóc, cậu nhóc ô mai gửi đến bố mẹ của mình; để họ biết rằng, nó đã lớn và đã cảm nhận được thế nào là mất mát.

Bằng giọng văn hài hước, dí dỏm, đôi lúc lại sâu lắng đến bất ngờ, tác giả đã dành tặng người đọc những “tấm vé đi tuổi thơ” với biết bao cung bậc cảm xúc bổi hồi bồi hồi về một thời “nổi loạn”.  Để rồi, tôi tin, khi đọc cuốn sách này, khám phá những “bí mật nho nhỏ” của tác giả, bạn sẽ bắt gặp ở đâu đó trong những trang sách này cũng có… những bí mật của riêng mình. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu