Cô sơn Đặng Đình Hưng: Những tình tri kỷ neo về Bến lạ

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) -  Với những nhân vật như Đặng Đình Hưng phải lùi ra xa mới khái quát được hết...
Cô sơn Đặng Đình Hưng: Những tình tri kỷ neo về Bến lạ - ảnh 1Khán phòng Viện Pháp tại Hà Nội đông kín khán giả đến nghe chương trình - Ảnh: Phương Anh 

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:

Tối 20/1, tọa đàm ra mắt sách “Đặng Đình Hưng - Một bến lạ” tại Viện Pháp Hà Nội có sự tham gia của nhà thơ và phê bình thơ Hoàng Hưng, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thuý và nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Thuý Hạnh; và còn phần ngâm một số trích đoạn thơ, biểu diễn piano do nghệ sĩ Đặng Hữu Phúc sáng tác với cảm hứng từ thơ Đặng Đình Hưng, do các nghệ sỹ Giang Trang, Đặng Hữu Phúc và nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn (con trai của nhà thơ Đặng Đình Hưng) trình bày. 
Cô sơn Đặng Đình Hưng: Những tình tri kỷ neo về Bến lạ - ảnh 2Từ trái qua: Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, NSBD Đặng Thái Sơn, nhà nghiên cứu phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Thị Thúy Hạnh. - Ảnh: Phương Anh

“Khi tôi chưa lọt lòng bố đã đặt tên Đặng Thái Sơn. Người ta liên tưởng ngay tới câu Công cha như núi Thái Sơn /Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nhưng ở đây còn nghĩa khác: Thái là họ của má tôi, Thái Thị Liên. Rất bình đẳng. Lúc tôi lọt lòng gia đình sống êm ả tại 28 Tống Duy Tân. Nhà rất đông, năm đứa con, con anh, con em, con chúng ta. Tôi là út, nhà ai cũng học đàn, cho tới tôi khi ấy bố mẹ bảo ầm ĩ quá rồi, không cần học đàn nữa.

Sự đời khi bố mẹ nói không, con cứ ứ ừ thế là các cụ theo dõi thấy tôi có vẻ quan tâm đến cây đàn - do má tôi dạy đàn nên có cây đàn trong nhà - có vẻ hay lân la đến cây đàn, nên ông bà mới đè thằng bé ra xem có lỗ tai không - Tại vì muốn học đàn phải có năng khiếu, chứ không phải đôi tay đâu. Mọi người cứ bảo tay đẹp để đánh đàn nhưng thực ra tay pianist như tay nhà nông ấy, phải đánh cơ bắp nên không có đẹp đâu.  Nhưng cái lỗ tai mới là rất quan trọng. Sau khi thử thấy các cụ cứ thì thầm, tôi sau đó được học đàn” - NSND Đặng Thái Sơn kể.

Cô sơn Đặng Đình Hưng: Những tình tri kỷ neo về Bến lạ - ảnh 3Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn và nhóm thân hữu đã nỗ lực chuẩn bị cho sự kiện này từ năm 2020 - trong chuỗi những hoạt động tưởng niệm 30 năm ngày mất thi nhân, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng - Ảnh: Phương Anh
Kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ-hoạ sỹ Đặng Đình Hưng (1924-1990), nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành cuốn sách “Đặng Đình Hưng - Một bến lạ.” Cuốn sách gồm 6 tác phẩm thơ, hơn 20 tác phẩm hội họa và những bài bình luận về thơ và ký ức về cuộc đời cố tác giả của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình: Hoàng Cầm, Hoàng Hưng, Thuỵ Khuê, Đỗ Lai Thuý, Đỗ Quyên, Nguyễn Thụy Kha... 

Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã giúp đỡ để Đặng Thái Sơn về Việt Nam trong chuyến bay giải cứu về kịp Lễ ra mắt cuốn sách “Đặng Đình Hưng – Một bến lạ”, báo hiếu với cha. Người chủ khách sạn nơi nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng ở cách ly 14 ngày phòng dịch Covid 19, đã mang đến hai cây đàn để anh tập….Những ân tình tiếp nối những ân tình mà nhóm thân hữu bạn bè Đặng Thái Sơn gồm cả nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà phê bình, dịch giả Hoàng Hưng, đã thực hiện để tưởng niệm thi nhân độc đáo này.

Cuốn sách “Đặng Đình Hưng - Một bến lạ” ra mắt cuối năm 2020, đúng 30 năm mất của nhà thơ Đặng Đình Hưng.

“Thời gian gần bố nhất có lẽ là đầu những năm 1970 khi trở về Hà Nội. Nhà có hai phòng lớn 22m2 tôi ở với má tôi, phòng bố tôi được 4m2. Cụ ngủ, ăn, làm việc ở đó. Đặc biệt là những giờ phút ngâm thơ thăng hoa, thằng bé nép ngoài cửa hóng nghe. Phòng 4m2 nên chỉ được bốn, năm người ngồi. Những người hay lui tới có những người cùng cảnh như bác Văn Cao, chú Trần Dần, bác Hoàng Cầm, có những người có chức vị hơn như bác Đỗ Nhuận, chú Văn Ký, chú Lê Yên. Có lẽ bố mình hợp với nhạc sĩ hơn, có lẽ vì “cái tôi không đụng đến nhau”. “Về văn thơ mấy ông rất thân với nhau lắm, bác Văn Cao, chú Trần Dần ngày nào cũng gặp, thế rồi bẵng đi mấy tuần không thấy đâu cả, y như rằng lại giận nhau vì văn thơ” - NSND Đặng Thái Sơn nhớ lại.

Cô sơn Đặng Đình Hưng: Những tình tri kỷ neo về Bến lạ - ảnh 4Thơ và họa của Đặng Đình Hưng không dễ cảm nhận với đông đảo đại chúng, nhưng luôn có những tâm hồn tri âm tri kỷ sẻ chia. - Ảnh:Phương Anh

Sinh tại Chương Mỹ, Hà Nội, Đặng Đình Hưng từng là học sinh trường Bưởi, rồi sinh viên trường Luật Đông Dương, cán bộ tuyên huấn, là một nhạc sĩ, Đòan trưởng kiêm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương….

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng cho biết: “Trong những năm cuối đời Đặng Đình Hưng vẽ trên 300 bức tranh, nhưng sinh thời chỉ có cơ hội xuất bản 1 tập tranh 24 bức tại NXB Mỹ thuật nhưng rất ít người biết, tranh của ông cũng khác lạ so với hội họa đương thời nên không mấy người hiểu. Thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc không tốt cho việc bảo quản tranh, nên đến triển lãm tại L’espace lần này, cũng chỉ treo được 21 bức.”

"Cố tác giả Đặng Đình Hưng làm thơ từ 1958 đến 1979, tức là vài năm sau khi ông đã mắc bạo bệnh. Trong hơn 20 năm ông viết 6 tác phẩm chính, trong đó có ba tập thơ và ba bài thơ dài Khóc Mị Châu, Bến lạ, Ô mai (Ô mai là tác phẩm cuối cùng ông đặt là thơ tiểu thuyết). Sinh thời thơ ông chỉ xuất hiện có một lần, trên tạp chí văn nghệ Cửa biển của Hội Văn nghệ Hải Phòng có bài thơ Khóc Mị Châu. Sau khi ông qua đời gia đình mới xuất bản tập Bến lạ ở NXB TP HCM năm 1991. Rồi đến tập Ô mai NXB Hội nhà văn năm 1993. Việc xuất bản này đã gây một chấn động trong giới thơ Việt Nam vì sự độc đáo, khác lạ của thi pháp Đặng Đình Hưng và sau đó tên ông đã được đưa vào từ điển văn học Việt Nam" - Nhà thơ Hoàng Hưng chia sẻ.

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng cho rằng, việc tiếp xúc với thơ của Đặng Đình Hưng là khó chứ không phải dễ, ngay kể cả với các nhà thơ. “Khó vì nó là mới với Việt Nam, và thời điểm đó với thế giới cũng là mới.”

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho rằng với những nhân vật như Đặng Đình Hưng phải lùi ra xa mới khái quát được hết, như, ông đã sáng tác trong bối cảnh như thế nào, con người nhạc sĩ trong Đặng Đình Hưng đã ảnh hưởng đến thơ ông ra sao…Theo Đỗ Lai Thúy, “Đặng Đình Hưng là một nhạc sĩ, làm thơ vào thời hậu Nhân văn, dưới sự cổ vũ của Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt. Trong cái cô đơn của người nghệ sĩ ở ngoại vi xã hội, họ phải đi tìm ngôn ngữ riêng của mình, và bởi thế mà có thành tựu thơ ca. Các nhà hậu nhân văn đã làm cuộc cách mạng về thơ. Trước họ, thơ đi theo mô hình nghĩa chữ, có nghĩa rồi mới đi tìm chữ phô diễn cái nghĩa ấy… Những người như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng đã đảo lộn công thức ấy.”

“Vị trí thơ của Đặng Đình Hưng rất độc đáo, không thể thay thế được trong những người bạn, khi Trần Dần Lê Đạt thiên về lý trí, Hoàng Cầm lại quá thiên về trực cảm, thì Đặng Đình Hưng nối giữa hai điều này, vừa rất lý trí mà cũng vừa trực cảm” “Cái đóng góp của Đặng Đình Hưng, mang lại cái độc đáo cho thơ của nhóm cũng như khác với Trần Dần, Lê Đạt chính ở tư cách nhạc sĩ của ông. Những người đến với thơ ca từ âm nhạc hay từ hội họa thì họ có một thuận lợi là họ dễ dàng đi đến ngôn ngữ đích thực, ngôn ngữ thứ hai trong một bài thơ. Chúng ta biết rằng trong thơ có hai ngôn ngữ, một ngôn ngữ ai cũng biết, mà ông Lê Đạt gọi đó là ngôn ngữ tiêu dùng. Và ngôn ngữ thứ hai do chính nhà thơ sáng tạo ra. Cái chữ ấy nằm trong bài thơ và tương tác với các chữ khác trong bài thơ ấy và cuối cùng nó đẻ ra một ý nghĩa mới. Nhưng không phải ai cũng chấp nhận và ai cũng hiểu được nghĩa thứ hai.

Đọc thơ người ta cảm thấy dễ hiểu tại vì người ta chỉ biết được cái ngôn ngữ thứ nhất, tức là ngôn ngữ tiêu dùng. Nhưng với các họa sĩ hoặc các nhạc sĩ thì người ta dễ nhận ra điều đó hơn. Ông Đặng Đình Hưng khi làm thơ bập ngay vào nghĩa thứ hai. Đấy là một trong những tác dụng của âm nhạc trong việc nhận diện ngôn ngữ thơ ca. Tác phẩm Ô giống như một bản nhạc rất hay, Bến lạ thì giống như một bản giao hưởng: nó có nhiều bè, nhiều chủ đề, vừa song song với nhau nhưng lại vừa xoắn luyến vào nhau. Và Ô mai thì giống như một tiểu thuyết thơ, đồng thời cũng giống như một nhạc kịch.” - Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận xét.

Cô sơn Đặng Đình Hưng: Những tình tri kỷ neo về Bến lạ - ảnh 5Hai nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn và Đặng Hữu Phúc cùng biểu diễn bản nhạc mà nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sáng tác lấy cảm hứng từ thơ họa Đặng Đình Hưng - Ảnh: Phương Anh

Phân tích về dòng chữ trong thơ Đặng Đình Hưng, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Thị Thúy Hạnh cho rằng: "Với tôi là một nhà nghiên cứu, thì đây cũng là một ca khó, do tính chất hướng nội tri cảm và cơ chế tạo chữ phức tạp. Nếu những nhà thơ dòng chữ như Trần Dần, Lê Đạt dường như trong tâm thức của họ vẫn hướng đến những quần chúng tưởng tượng, trong khi không ngừng tự thâm canh chính mình, thì thơ Đặng Đình Hưng là một thứ thơ hướng nội tận cùng, mỗi bài thơ dường như một cuộc cách mạng về tâm trí..." 

Cô sơn Đặng Đình Hưng: Những tình tri kỷ neo về Bến lạ - ảnh 6Với Đặng Thái Sơn, có danh tiếng khắp chân trời góc biển, anh vẫn chỉ "chọn làm con ngoan của bố". - Ảnh: Phương Anh

Với nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, điều mà người cha để lại cho anh là những bài học về nhân cách đã theo anh suốt cả cuộc đời: “Cái quan trọng trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống phải chân thật, không được quỵ lụy hay khuất phục. Và bên trong có sự kiêu hãnh. Tôi nghĩ có lẽ vì vậy cho nên sự kiêu hãnh ngầm giúp tôi chiến thắng cuộc thi Chopin, dù lúc đó tôi hoàn toàn đơn thương độc mã.”

“Gần đây mạng xã hội có những xì xào, chia sẻ bài về Đặng Thái Sơn là con ghẻ hay con cưng của chế độ. Và ông Đặng Đình Hưng là tâm điểm trong này. Tôi chỉ có một lựa chọn: Tôi chọn làm con ngoan của bố.”

“Văn nghiệp truân chuyên mà dần dần tỏa sáng. Một bất hạnh cho Đặng Đình Hưng, và thường thấy ở các tài năng lỗi nhịp, là sinh thời tất cả các thi phẩm của ông đều chưa được công bố rộng rãi trong công chúng, ngoài sự lưu truyền giữa một số bạn văn nghệ hợp gu. Chỉ đến khi có vài trích đoạn được in trên báo chí vào dịp ông qua đời, thì văn giới và công chúng mới được kinh ngạc trước một tính cách thơ lôi cuốn với thi pháp có một không hai. Nhưng rồi, ngay cả khi đã hiển lộ và gần như không còn bị ngăn cách bởi thời thế, thơ Đặng Đình Hưng vẫn như thi sơn cô lập. “Cái quan” chưa hẳn “định mệnh”. Nói về phong cách, các sáng tác văn học của Đặng Đình Hưng rất kỳ khôi, rất khó hiểu, ngay cả trong giới trong nghề. Một không gian thi ca, một thời gian thi ca mang vẻ đẹp siêu thực sao mà thô ráp gần gụi, vừa hiện đại ở cách thể hiện vừa đau đớn ở cảm xúc muôn thuở. Tất cả, sóng sánh những niềm tin cuối cùng vào chân - thiện - mỹ. Như một niềm tin lành lặn mà lẻ loi...”  (Nhà thơ Đỗ Quyên/Canada - Bài "Bến lạ của đời" /Báo Văn nghệ.)

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu