Chủ tịch Hồ Chí Minh nguồn cảm hứng trong sáng tác điêu khắc

Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng lớn trong sáng tác hội họa và điêu khắc. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phương Hằng:

Chủ tịch Hồ Chí Minh nguồn cảm hứng trong sáng tác điêu khắc - ảnh 1Tượng Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, do họa sĩ Nguyễn Thị Kim sáng tác, được công nhận là bảo vật quốc gia hồi tháng 1. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Sau ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã thực hiện các tác phẩm chân dung Bác. Riêng với điêu khắc, đó là thời điểm ra đời những tác phẩm đầu tiên do họa sĩ Nguyễn Thị Kim thực hiện. Từ đó đến nay, các thế hệ điêu khắc nước nhà đã có nhiều sáng tạo về hình tượng Bác Hồ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nguồn cảm hứng trong sáng tác điêu khắc - ảnh 2Bác Hồ và ba cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc - Họa sĩ Diệp Minh Châu (Chất liệu lụa, vẽ bằng máu)

Hầu hết các nhà điêu khắc thường thể hiện tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chòm râu bạc, đôi mắt sáng.

Riêng họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu là người có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn cả. Ngay từ năm 1947, khi ông còn công tác ở miền Đông Nam Bộ, sau khi nghe Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, ông đã dùng máu để vẽ chân dung Bác và 3 em thiếu nhi Bắc, Trung, Nam.

Biết được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông ra chiến khu Việt Bắc để sống gần Bác và sáng tác nghệ thuật. Đây chính là quãng thời gian mà họa sĩ Diệp Minh Châu cho ra đời những bức tranh nổi tiếng như “Bác Hồ dịch sử Đảng”, tượng “Bác Hồ bên suối Lê-Nin” và sau này là bức tượng chân dung Người đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho rằng: đặc biệt trong những năm nhà điêu khắc Diệp Minh Châu sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc, với những tác phẩm điêu khắc của ông, hình ảnh Bác Hồ được tái hiện dưới nhiều góc độ khác nhau, với đa dạng chất liệu, thi vị và đầy lãng mạn: "Tác phẩm đặt trong nhà để nhà điêu khắc Diệp Minh Châu thể hiện Bác ở trạng thái không phải là tượng chân dung bán thân là bức “Bác Hồ bên suối Lê Nin”. Hình ảnh ấy rất thi vị, lãng mạn, Bác với các em thiếu nhi quay quần. Những cái đó dần dần làm thay đổi cái nhìn của nhà điêu khắc trong suy cảm của mọi người. Diệp Minh Châu chính là người đầu tiên thể hiện Bác với quần chúng trong điêu khắc, một lĩnh vực khó."

Là học trò của họa sĩ Diệp Minh Châu, nhà điêu khắc Vũ Tiến là tác giả bức tượng Bác Hồ ở làng Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội với hình ảnh Bác Hồ tay cầm bông lúa, tái hiện sự kiện Người về thăm Hợp tác xã Nông nghiệp đầu tiên của nước ta.

Chuyện kể rằng: tháng 6 năm1958, làng Đại Từ thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp số 1. Dân làng đã mời Người ra thăm ruộng lúa thực nghiệm. Ông Đỗ Đình Bối, Chủ nhiệm HTX lúc bấy giờ xuống ruộng nhổ một khóm lúa trĩu hạt để Bác xem. Bác nâng niu, ngắm nhìn cây lúa, rồi động viên: Khu thực nghiệm luôn luôn phải áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra năng suất cao, nhưng phải chú ý đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Từ câu chuyện đó, nhà điêu khắc Vũ Tiến đã tái hiện hình ảnh Bác thăm Đại Từ: "Khi tôi nghiên cứu làm tượng Bác Hồ, tôi đã dán lên tất cả hình ảnh Bác mà tôi có và cả những hình ảnh trên báo. Tôi đã dán lên khắp cả nóc đình để có thể nhìn được, đến cả các bên tường. Tôi đã làm tượng Bác Hồ 45 ngày, ngay tại làng Đại Từ. Hai cây mít của nhân dân đóng góp được ghép lại. Ngày đó là làm tượng gỗm sau này lại làm thêm một tượng đúc đồng. Cái thủy đình cũng do tôi thiết kế. Bây giờ là nơi để nhân dân và những người về hưu nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng, nhớ lại lịch sử Bác Hồ đã về thăm."

Đối với nhà điêu khắc Vũ Tiến, mỗi một chất liệu đều có thế mạnh cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngôn ngữ của đồng hay của gỗ đều làm cho ông xúc động, thăng hoa, nhất là khi được làm tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông kể: lần đúc tượng đồng, ông được giao tiến độ phải hoàn thành trước ngày 3/2, kỉ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi hoàn thiện phiên bản bằng đất, hội đồng nghệ thuật điêu khắc quốc gia và đại diện người dân Đại Từ đã đến nhà để duyệt. sau đó, quá trình đúc tượng có sự tham gia của đông đảo người dân trong Hợp tác xã: "Các cụ mời những người đúc đồng có kinh nghiệm ở Bắc Ninh lên xem xét. Khi mua đồng về các cụ giữ như thủ kho, đồng thời xuất kho. Sau khi đúc đồng có hai lò đúc đồng được xây lên giữa đình làng. Nhân dân tưng bừng ra, có những người quyên góp tiền, có những người bỏ cả vàng vào và được quay phim, chụp ảnh để ghi nhận tấm lòng yêu quý Bác Hồ, để dựng lên bức tượng đồng bây giờ. Riêng bức tượng cao 2.7m, nếu tính cả bục là hơn 3m, không khác bức tượng gỗ là mấy về hình dáng, kích thước."

Chủ tịch Hồ Chí Minh nguồn cảm hứng trong sáng tác điêu khắc - ảnh 3Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim đang sáng tác tác phẩm “Bác Hồ ngồi làm việc”. Hà Nội 1960 - Ảnh: tapchimythuat.vn

Nhắc đến những tác phẩm điêu khắc về Bác Hồ còn phải kể đến những nhà điêu khắc tên tuổi của nước nhà, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Đó là họa sĩ Dương Đăng Cẩn, nhà điêu khắc Xuân Hòa, Phạm Xuân Thi, Nguyễn Thiện, Đinh Khang, Trần Văn Lắm. Những tác phẩm ấy đều thể hiện hình ảnh một vị lãnh tụ gần gũi, hiền từ, vừa thiêng liêng, vừa dung dị.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến những tác phẩm tượng toàn thân, tái hiện hành động của Người ở ngoài trời chưa nhiều, cần mở rộng biên độ và tư duy sáng tạo nghệ thuật: "Vào những năm 90 một số nhà điêu khắc đã nghĩ đến việc làm những tượng đài về Bác để ngoài trời sau khi có tượng Lê Nin ở vườn hoa Điện Biên Phủ thì họ thấy nên học tập về lối nhìn điêu khắc về anh hùng. Bớt đi những suy nghĩ đời thường, nắng mưa.. những hiện tượng bình thường của tự nhiên ấy không nên suy nghĩ trên những pho tượng về Bác. Như thế mới đưa được những bức tượng về Người ra ngoài trời."

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu