Câu chuyện phía sau màn ảnh của đạo diễn phim nghệ thuật

Việt Anh
Chia sẻ

(VOV5) - Ngoài những giấc mơ mà phim ảnh trình chiếu cho khán giá, những câu chuyện hot về các nghệ sĩ, diễn viên trên mặt báo..., thì công cuộc làm phim nghệ thuật, với các đạo diễn, có thực sự dễ dàng?

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong câu chuyện nghề của mình, vị đạo diễn người Pháp gốc Việt Lê Lâm, người đã thành danh với ba bộ phim nghệ thuật nổi tiếng về đề tài Đông Dương, từng chia sẻ, với bất cứ người dạo diễn nào, tài năng và sự học hỏi cái mới luôn phải đi song hành cùng nhau, vì nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điện ảnh nói riêng, là luôn luôn đổi mới, luôn luôn sáng tạo. Và sự học hỏi của ông, cũng từ việc đi tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn, về tính cách, lịch sử dân tộc:

“Bất cứ biên kịch nào viết một câu chuyện, dù có là hư cấu đi, nhân vật là những người mình đã gặp trong cuộc đời mình, xong rồi chế biến họ thành hư cấu, chứ thật ra cũng có ít nhất 50% là những người mình đã gặp: chú, cậu, hoặc bạn bè vv…Mặc dù tôi sống bên Pháp 40 năm trời, còn nhiều năm hơn 18 năm sống trong nước, nhưng mỗi lần ngồi bên bàn viết lên câu chuyện chỉ nghĩ đến các bạn mình ở Việt Nam thôi. Buồn cười thế đấy. Như Marcel Proust, tác giả Pháp nổi tiếng là chỉ kể câu chuyện cuộc đời ông ấy thôi. Cái khó của người nghệ sĩ là kể câu chuyện của mình mà qua thời gian và qua xã hội thì cái tôi đó phải lệ thuộc vào cái tôi xã hội, cái tôi của tập thể.”

Nhưng điện ảnh chưa bao giờ là một cuộc chơi, mà thực sự là một ngành nghệ thuật cần sự đầu tư vô cùng tốn kém. Và bởi thế, với những đạo diễn phim độc lập, ngoài “công cuộc sáng tạo” của mình, còn cuộc “trường chinh” đi tìm nguồn kinh phí để sản xuất phim.

Đạo diễn Lê Lâm chia sẻ, ông đã phải viết rất kỹ các dự án phim của mình để có thể tìm được nguồn kinh phí chính thức. Câu chuyện tìm kinh phí làm phim của ông cách đây nhiều thập kỷ, vẫn không cũ với thực tế hiện nay.

Câu chuyện phía sau màn ảnh của đạo diễn phim nghệ thuật - ảnh 1 Một cảnh trong bộ phim "Bi, đừng sợ" của đạo diễn Phan Đăng Di

Khi được hỏi có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với các đạo diễn trẻ, đạo diễn Phan Đăng Di, người đã sáng lập và tổ chức nhiều kỳ Gặp gỡ mùa thu cho các đạo diễn trẻ Việt Nam và thế giới, cho rằng:

"Làm phim ở đâu cũng là một công việc rất khó khăn, trên toàn thế giới đều vậy, đặc biệt là những người theo đuổi dòng phim độc lập trong nghệ thuật. Để có thể biến những giấc mơ của mình trong điện ảnh thành hiện thực, ở thời hiện đại bạn phải trở thành một người rất mạnh mẽ, bạn phải năng động tự đi tìm cơ hội cho mình, thậm chí là tự đứng ra để sản xuất bộ phim của mình.

Đó là cách mà nhiều đạo diễn trên thế giới thực hiện, đặc biệt là những đạo diễn trẻ Châu Á. Tôi thấy họ luôn luôn có một năng lượng rất lớn, đặc biệt là một sự chủ động và tự tin rất nhiều. Họ ra ngoài, họ đi đến rất nhiều nơi để họ tự chào hàng, tự tìm lấy hỗ trợ để làm phim, họ bắt buộc phải nói tiếng Anh chẳng hạn, họ bắt buộc phải hiểu một quy trình làm việc trên một bình diện quốc tế xem mọi chuyện đang vận hành như thế nào và mình sẽ tham gia vào guồng máy đó như thế nào.

Cũng sẽ không có chuyện là mình than thân trách phận hay mình đổ lỗi cho cơ chế.Bởi vì nếu mình không tự tìm con đường đi của mình thì mình cũng không có cách gì có thể biến những tác phẩm, những tình yêu của mình đối với điện ảnh thành hiện thực được cả”.

Đạo diễn điện ảnh người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng cho rằng, đối với những đạo diễn phim độc lập, dù ở nước ngoài hay ở Việt Nam, vấn đề lúc nào cũng là tiền bạc: “Tôi nghĩ các nhà làm phim Việt thực sự dũng cảm bởi họ phải chu du khắp thế giới để tìm nguồn đầu tư. Đó là điều thực sự khó khăn dành cho thế hệ làm phim trẻ”.

Đạo diễn Phan Đăng Di, khẳng định: “Cách làm phim, cũng như cách mà những bộ phim đến với khán giả trong khoảng 10-15 năm trở lại đây thay đổi rất nhanh. Và các hình thức, hình thức biểu đạt cũng như hình thức phát hành gần như thay đổi từng ngày cùng với sự thay đổi của khoa học kỹ thuật, của công nghệ. Đó cũng là một vấn đề buộc những nhà làm phim, dù làm phim thương mại hay phim nghệ thuật phải lưu ý đến.

Vì nếu không để ý đến những yếu tố đó mình dễ trở nên lạc lõng, và cũng không thể tồn tại được trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Không có một ưu ái cho một cá nhân nào cả. Chúng ta buộc phải trở nên mạnh mẽ và buộc phải trở nên thông thạo thôi.”

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu