Ảnh hưởng quốc tế của “Nỗi buồn chiến tranh”

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Sức ảnh hưởng quốc tế của “Nỗi buồn chiến tranh” không chỉ ở văn học mà còn ở cả nhiều lĩnh vực khác như lịch sử, nhân học, văn hoá… 

Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh có lẽ là cuốn tiểu thuyết tiếng Việt nổi tiếng nhất trên thế giới khi có 18 bản dịch, 7 giải thưởng và đề cử ở 6 quốc gia, nhận được hơn 100 đánh giá. Sức ảnh hưởng quốc tế của “Nỗi buồn chiến tranh” không chỉ ở văn học mà còn ở cả nhiều lĩnh vực khác như lịch sử, nhân học, văn hoá… 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ra đời năm 1987, xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1990 và đến năm 1993, Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch ra tiếng Anh. Cho đến nay, cuốn sách này đã được dịch ra 15 ngôn ngữ trên thế giới tại gần 20 quốc gia, riêng tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc mỗi nơi đều có 2 phiên bản dịch.

Ông Lai chen Sun, Giáo sư khoa lịch sử của Đại học California, Hoa Kỳ mới đây đã có một nghiên cứu tổng hợp ảnh hưởng quốc tế của cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Theo ông, riêng tại Mỹ hiện nay đã có khoảng gần 30 trường Đại học sử dụng cuốn tiểu thuyết này như một tài liệu trong giảng dạy. Bản thân giáo sư Lai-chen Sun cũng cho rằng chính Nỗi buồn chiến tranh đã có nhiều tác động và thay đổi trong việc giảng dạy lịch sử chiến tranh phương Đông.

Ảnh hưởng quốc tế của “Nỗi buồn chiến tranh” - ảnh 1 Nhà văn Bảo Ninh (ngoài cùng bên trái) và giáo sư Lai-chen Sun (ở giữa) trong buổi thảo luận về "Ảnh hưởng quốc tế của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh"

Giáo sư nói: “Trước khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, tôi đã nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử chiến tranh Việt Nam, tôi có đọc những sách nói chung đề cập lịch sử chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên chỉ khi đến với tác phẩm này tôi mới có những cảm xúc thực sự đi thẳng vào trái tim mình, tôi có cơ hội hình dung về chiến tranh thông qua trải nghiệm của nhân vật. Từ đó tôi biến kiến thức trở thành một trải nghiệm mang tính cá nhân của tôi về sự tàn phá chiến tranh, đời sống tinh thần của con người, nỗi đau khổ của từng cá nhân trong cuộc chiến này. Tác phẩm giúp cho tôi hiểu sâu về chiến tranh Việt Nam chứ không. Tôi đánh giá cao một tác phẩm văn chương nhưng lại giúp đỡ cho việc nghiên cứu lịch sử”.

Không chỉ thay đổi điểm nhìn về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều học giả quốc tế ở các lĩnh vực khác nhau cũng bày tỏ sự quan tâm và nghiên cứu những vấn đề xoay quanh cuốn tiểu thuyết này. Giáo sư Lai-chen Sun dẫn chứng: “Nỗi buồn chiến tranh đã dành được sự quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu văn chương mà còn của sử gia, chính trị gia, tầm thần học… và dùng tác phẩm này để hiểu thêm về cuộc chiến. Chẳng hạn, Giáo sư Christopher G. sau khi đọc cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã quyết định nghiên cứu sâu về cuộc chiến tranh tại Việt Nam từ 1946-1954, rõ ràng cuốn sách này có ảnh hưởng rất lớn đến các học giả trên thế giới.

Bản thân trong nghiên cứu của tôi, tôi cũng nghiên cứu sâu sắc hơn về cuốn tiểu thuyết này, vai trò của nó trong việc thúc đẩy hoà bình ở Đông Nam Á, châu Á. Tôi muốn tiến xa hơn trong việc nghiên cứu Nỗi buồn chiến tranh bằng việc nhìn cuốn tiểu thuyết này từ điểm nhìn văn hoá. Như nhà văn Diêm Liên khoa đã đặt vấn đề đâu là nguồn cảm hứng cho nhà văn Bảo Ninh viết tác phẩm này. Sâu xa hơn tôi muốn đến với vấn đề: đâu là kết nối giữa tiểu thuyết này của nhà văn Bảo Ninh với gốc gác, căn rễ lịch sử và văn hoá…”.

Ảnh hưởng quốc tế của “Nỗi buồn chiến tranh” - ảnh 2Bìa sách "Nỗi buồn chiến tranh" bản tiếng Trung. 

Vào cuối tháng 3 vừa qua, Nỗi buồn chiến tranh đã được Hạ lộ dịch và phát hành tại Trung Quốc. Ngay khi vừa xuất hiện, cuốn tiểu thuyết đã gây tiếng vang và bán rất chạy tại Trung Quốc. Từ trước đến nay, văn học Việt Nam vẫn chưa được chú ý tại thị trường này, nhưng dường như  Nỗi buồn chiến tranh đã khiến những nhà xuất bản ở đây có những nhìn nhận tích cực về văn học Việt Nam.

Ảnh hưởng quốc tế của “Nỗi buồn chiến tranh” - ảnh 3 Tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" chính thức lên kệ. - Ảnh: VOV

Ông Vương Viễn Triết, đại diện của Công ty CS-Booky phát hành tác phẩm này bày tỏ: “Với tôi, tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh mặc dù tôi không dám nói là hay nhất trong nền văn học thế giới, nhưng cũng là hàng đầu trong các tác phẩm văn học chiến tranh. Để tôi nhớ lại xem, hình như khi đi học đại học, về Văn học thế giới, phần nhắc đến văn học Việt Nam ít lắm, tôi gần như chả có ấn tượng gì. Nhưng với tác phẩm này thì khác, chất lượng rất tốt, tôi đã có cái nhìn khác hẳn. Đọc xong, tôi lại trông đợi nhiều hơn.

Từ góc độ xuất bản, nếu sau này có những tác phẩm dịch tốt nữa, chúng tôi sẽ xem xét. Như cuốn sách này, ban đầu chúng tôi chỉ định làm thử xem sao, nhưng nay in xong rồi, chúng tôi rất tự tin, nên đã đưa vào sách loại A, tức là sách trọng điểm để thúc đẩy marketing.”

Nhà văn Diêm Liên Khoa tại Trung Quốc đã gọi “Nỗi buồn chiến tranh” là “tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông”. Nhiều học giả trên thế giới và chính nhà văn Bảo Ninh đã bày tỏ hy vọng rằng Nỗi buồn chiến tranh còn là cơ hội để bạn bè quốc tế tìm đến nhiều hơn với nền văn học đương đại Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu